Thiếu cô dâu: Gánh nặng đè lên vai các bậc phụ huynh lẫn nền kinh tế Trung Quốc
Tại một ngôi làng vùng ngoại ô thủ đô Bắc Kinh-Trung Quốc, ông Ren, một người đàn ông 50 tuổi đang trộn vữa nhằm xây ngôi nhà mới trong tâm trạng nặng nề. Nguyên nhân rất đơn giản, gia đình ông đang phải tốn một khoản tiền lớn để lấy vợ cho các con trai.
Vào thời của ông Ren, cha mẹ của ông chỉ tốn khoảng 800 Nhân dân tệ cho tiền thách cưới thì đứa con đầu của ông phải tốn đến 8.000 Nhân dân tệ mới có thể rước cô dâu về nhà. Hiện tại, người con thứ 2 của ông Ren phải trả tới 100.000 Nhân dân tệ (15.000 USD) mới có thể cưới được vợ như ý.
Cũng tương tự như Ấn Độ, Trung Quốc có văn hóa thách cưới cùng của hồi môn khi các cặp đôi lấy nhau. Điểm khác biệt ở đây là tại Ấn Độ, nhà gái chuẩn bị nhiều của hồi môn cho lễ cưới thì tại Trung Quốc, trách nhiệm chuẩn bị khoản tiền này đè nặng lên nhà trai. Các bậc phụ huynh của những nam thanh niên phải chuẩn bị tiền của, nhà ở cũng như điều kiện vật chất cho cặp đôi nếu muốn con họ lấy được vợ như ý.
Với sự bùng nổ của nền kinh tế cùng chất lượng sống, chi phí mà nhà trai phải trả hiện ngày một dâng cao. Bên cạnh đó, sự mất cân bằng giới tính đang khiến “giá” của cô dâu tại đây cũng bị đẩy lên. Với chính sách 1 con trước đây (hiện đã bãi bỏ), các cặp vợ chồng Trung Quốc đã nạo phá thai nhằm sinh bằng được con trai nối dõi. Hậu quả là tỷ lệ nam nữ dưới 5 tuổi ở đây năm 2010 vào khoảng 119 nam/ 100 nữ.
Tỷ lệ nam (xanh đậm), nữ chưa kết hôn trong độ tuổi 35-39 phân theo trình độ giáo dục ở Trung Quốc
Những nghiên của 2 chuyên gia John Bongaarts và Christophe Gilmoto cho thấy Trung Quốc đang thiếu hơn 600 triệu nữ giới nhằm đáp ứng được sự phát triển cân bằng cho xã hội.
Tại tỉnh Sơn Đông-Trung Quốc, tỷ lệ nam nữ ở đây đã mất cân bằng lớn từ năm 1990 và đạt 123 nam/100 nữ vào năm 2010. Tồi tệ hơn, do nằm gần thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải, rất nhiều nữ giới tại đây đã kiếm chồng hay bạn trai ở những khu vực có kinh tế phát triển hơn là nam giới địa phương.
Hậu quả là giá thách cưới cùng của hồi môn mà nhà trai tại đây phải chuẩn bị ngày một cao. Tại làng Zhongdenglou-Sơn Đông, cách đây 10 năm nhà trai chỉ cần chuẩn bị khoảng 2.000-3.000 Nhân dân tệ thì nay họ phải có 200.000-300.000 Nhân dân tệ mới đủ sức đáp ứng được nhà gái. Thậm chí nhiều trường hợp còn lên tới 500.000 Nhân dân tệ.
Anh Deng Xinling, một người đàn ông 47 tuổi tại Sơn Đông cho hay nam giới thời nay sẽ bị coi là mọt sách nếu chưa cưới trước 25 tuổi. Trái ngược lại, phụ nữ thì ngày càng trở nên quý hiếm và thậm chí cả những góa phụ cũng có thể lấy chồng dễ dàng.
Gánh nặng lên vai cha mẹ
Chính sự mất cân bằng giới tính đang đè nặng lên vai những ông bố bà mẹ có con trai. Rất nhiều gia đình cơi nới thêm không gian cho nhà ở không phải vì họ cần mà chỉ để gây ấn tượng với con dâu. Những khoản tiền được cha mẹ kiếm thêm nhằm mua vàng bạc, hàng hiệu cho con trai cũng như thanh toán các khoản ảnh cưới xa xỉ nhằm giữ thể diện với nhà gái.
Hệ quả của văn hóa này là các bậc phụ huynh phải tiết kiệm từ rất sớm và thường lâm vào cảnh nợ nần sau mỗi mùa cưới. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình hiện nay ở Trung Quốc rất cao, vào khoảng 38% thu nhập khả dụng với những cặp đôi mới cưới, cao hơn nhiều mức 10% ở Đức.
Các kết quả nghiên cứu của chuyên gia Shang Jin Wei và Xiaobo Zhang cho thấy một nửa tỷ lệ gia tăng tiết kiệm tại Trung Quốc trong khoảng 1990-2007 là do giá thách cưới trong xã hội ngày một cao.
Trung Quốc đang quá thừa nam giới
Việc mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đang có tác động mạnh tới nền kinh tế cũng như xã hội nước này. Các hộ gia đình tiết kiệm nhiều hơn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiêu dùng.
Trong khi đó, phụ nữ có giá sẽ hướng tới cưới những người đàn ông giàu có, để mặc tầng lớp nam giới nghèo sống trong cảnh độc thân. Từ đó, những hệ lụy như nạn mại dâm, cưỡng bức, tội phạm tình dục, trầm cảm… sẽ ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt “con dâu” đang khiến Trung Quốc phải nhập khẩu nữ giới từ các nước láng giềng, qua đó tạo nên những hệ lụy tiềm ẩn trong xã hội. Ngày nay, những thanh thiếu niên không thể lấy được vợ Trung Quốc mà phải cưới cô dâu nhập khẩu đang trở thành trò cười trên các phương tiện truyền thông về sự “yếu kém” của mình.
AB