Thị trường có sự hồi phục "chới với" sau khi bị nhúng xuống dưới 1.200 điểm
Định vị thị trường
Sau một phiên có sắc xanh đồng loạt ở các thị trường châu Á, biến động trái chiều đã xuất hiện trở lại. Các chỉ số SHCMP (+0,66%), KOSPI (+0,42%), NIFTY 50 (+0,28%) vẫn tăng điểm trong khi sắc đỏ đã được ghi nhận ở NIKKEI 225 (-0,16%), TWSE (-0,7%), KLSE (-0,25%), SET (-0,29%).
VN-Index đã bỏ lỡ cơ hội hồi phục cùng các thị trường khu vực trong ngày hôm qua. Sau khi bị nhúng xuống dưới mốc 1.200 điểm, chỉ số mới có sự bật lên. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng không quá quyết liệt để giúp cho VN-Index giữ được thành quả tốt nhất trong phiên. Đâu đó, vẫn có những động thái tranh thủ cắt lỗ của nhà đầu tư khi thị trường gượng dậy.
Chất xúc tác
Phiên đáo hạn phái sinh sẽ diễn ra vào ngày mai (21/11) nhưng sự sôi động của thị trường phái sinh vẫn được thể hiện rõ ràng qua trạng thái thanh khoản cao. Khớp lệnh của VN30F1M đã tăng tiếp hơn 20% lên hơn 321 nghìn đơn vị, đồng thời là phiên thứ 9 liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên gần nhất.
Điểm khác biệt ở phiên hôm nay, là các vị thế long đã xuất hiện nhiều hơn giúp đẩy mạnh thanh khoản. Tuy nhiên, với những diễn biến hụt hơi cuối phiên của VN30F1M (+7,7 điểm) có thể thấy rằng ưu thế vẫn đang nằm ở các vị thế short.
Với cơ sở, lực cầu bắt đáy đã giúp cải thiện thanh khoản. Khớp lệnh của HOSE đã tăng tới 48,5% lên 649 triệu đơn vị, vượt trên mức bình quân 20 phiên. Dù vậy, lực bán lớn của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hiện hữu với giá trị rút ròng đạt 1.176 tỷ đồng, qua đó có 4 phiên liên tiếp rút ra trên 1.000 tỷ đồng.
Phiên thứ 4 liên tiếp, quy mô bán ròng của khối ngoại vượt trên 1.000 tỷ đồng. |
Các mã bị khối ngoại bán ra nhiều nhất tiếp tục là những Bluechips như VHM (-338 tỷ đồng), FPT (-253 tỷ đồng), MSB (-174 tỷ đồng), HPG (-158 tỷ đồng), SSI (-106,72 tỷ đồng).
Hiện giá bán USD trên thị trường tự do đã rướn lên 25.800 VND/USD. Trong khi đó, lãi suất liên ngân hàng đã có dấu hiệu hạ nhiệt nhờ những động thái liên tục bơm ròng của nhà điều hành, kỳ hạn qua đêm đã xuống 4,18%. Được biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 8.650,01 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở phiên hôm qua. Trạng thái giao dịch có 99.999,78 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 29.700 tỷ đồng tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Trước khi có được phiên hồi phục, thị trường đã bị nhúng xuống 1.198 điểm vào phiên sáng nay. Sau đó, các cổ phiếu lớn mới có những lực mua kéo chỉ số lên. Các mã tăng tốt nhất trong VN30 là BCM (+2,7%), VHM (+2,6%), TCB (+2%), CTG (+1,9%), SSI (+1,9%), FPT (+1,8%), MBB (+1,7%), TPB (+1,6%), STB (+1,4%), GVR (+1,3%). Tổng cộng rổ VN30 có 24/30 mã tăng giá.
Với sự tham gia của các mã Ngân hàng, tâm lý của nhà đầu tư rõ ràng đã được xoa dịu phần nào. Nhiều nhóm ngành đã tranh thủ hồi phục theo. Nổi bật nhất là các cổ phiếu Bất động sản như DXG (+6,2%), NVL (+4,7%), DIG (+4,3%), PDR (+4%), TCH (+3,6%), TDC (+3,2%) trong đó DXG và PDR đã có lúc tăng trần.
Được biết, thông tin hỗ trợ cho các cổ phiếu Bất động sản đến từ việc UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 cho Phân khu C4 tỷ lệ 1/10.000 bao gồm cả dự án Aqua City do Tập đoàn Novaland (NVL) làm chủ đầu tư.
Nhóm Chứng khoán cũng trở lại tăng giá ở HCM (+2,6%), BSI (+2,5%), FTS (+2,1%), CTS (+1,5%) và BVS (+2,2%), MBS (+1,9%), SHS (+1,6%) trên HNX.
Các nhóm còn hiện tượng "giảm bù" đã thu hẹp lại chỉ còn ở VTP (-4,96%), VSC (-2,18%), CTR (-0,51%). Trong khi đó, HAH (+3,9%), VOS (+1,7%), HVN (+3,2%) đã không sa đà thêm vào nhịp giảm.
Dù vậy, lực mua lên vẫn có những sự dè chừng nhất định trong khi thị trường còn tồn đọng những áp lực cắt lỗ của nhà đầu tư. Điều này đã dẫn đến đà tăng bị chững lại về cuối phiên, chỉ số VN-Index đã không thể giữ lại được trạng thái tốt nhất. Chốt phiên, VN-Index tăng 11,39 điểm lên 1.216,54 điểm (+0,95%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 17.807 tỷ đồng, tương đương 767 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index chốt phiên đều tăng dưới 1%, lần lượt 0,73% và 0,88%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.800 tỷ đồng.