Thi THPT Quốc gia 2019: Tăng biện pháp bảo mật đề thi và bài thi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố những sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia. Theo đó, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, phải được khóa và niêm phong. Nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của Trưởng Điểm thi và Phó trưởng Điểm thi là người của trường đại học, cao đẳng phối hợp, chìa khóa do Trưởng Điểm thi giữ.
Khi mở niêm phong đề thi, bài thi, phải có chứng kiến của Công an và những người ký nhãn niêm phong, đồng thời lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong. Biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của Trưởng Điểm thi và những người chứng kiến.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do Trưởng ban Chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi tự luận do một thư ký Hội đồng thi làm nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi trắc nghiệm do một thư ký của Ban Chấm thi trắc nghiệm giữ.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có Công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra.
Về quy trình ra đề thi, mỗi Tổ ra đề thi có trách nhiệm soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án, hướng dẫn chấm thi cho một bài thi, môn thi. Với đề thi trắc nghiệm, ngân hàng câu hỏi thi theo hướng chuẩn hóa được xây dựng theo quy định của Bộ GD&ĐT là nguồn tham khảo quan trọng để soạn thảo đề thi theo quy trình.
Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ cho các trường Đại học, Cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các Hội đồng thi. Bộ thực hiện thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm theo quy định của Quy chế.
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường Đại học, Cao đẳng đảm nhiệm; có quyền thay đổi hoặc đình chỉ việc chấm thi đối với những thành viên thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế thi hoặc có nhiều sai sót khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có trách nhiệm kiểm tra, xác minh khi có bất thường xảy ra theo yêu cầu của Tổ giám sát.
Phó Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo các phòng, ban thuộc trường Đại học, Cao đẳng đảm nhiệm. Tổ trưởng Tổ thư ký do một Phó trưởng ban kiêm nhiệm, các thành viên là cán bộ, giảng viên của trường Đại học, Cao đẳng.
Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm là Phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực; các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường Đại học, Cao đẳng và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các Sở GD&ĐT không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường Đại học, Cao đẳng chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm có yêu cầu).
Tổ giám sát gồm ít nhất 3 người. Tổ trưởng tổ giám sát là lãnh đạo phòng, ban hoặc cán bộ chuyên trách làm công tác thanh tra nội bộ của trường Đại học, Cao đẳng; các thành viên Tổ giám sát là viên chức của trường Đại học, Cao đẳng.
Bộ sẽ tổ chức tập huấn cho các địa phương và trường Đại học, Cao đẳng. Từ ngày 1/4, học sinh có thể bắt đầu đăng ký dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Quy chế nêu rõ mỗi hội đồng thi sẽ chọn ra một số điểm thi, nơi thí sinh tự do, học sinh lớp 12 THPT và học sinh theo học chương trình giáo dục thường xuyên ngồi thi chung. Ở các điểm thi đó, thí sinh được trộn lẫn theo bảng chữ cái và được sắp xếp thành phòng thi với sự trợ giúp của máy tính. Đây là điểm hoàn toàn khác so với năm ngoái khi các thí sinh tự do được tập trung ở một điểm. |
Minh Thy