Thêm cơ hội cho nông sản xuất khẩu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu rau, quả lớn nhất từ Việt Nam, chiếm gần 84% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Kết quả trên đã đưa rau, quả trở thành mặt hàng xuất khẩu chiến lược của nông nghiệp Việt Nam. Trong những năm gần đây, xuất khẩu rau, quả liên tục tăng, nếu năm 2014, đạt khoảng 1,5 tỷ USD thì sang 2015, con số này là 1,85 tỷ USD, đến năm 2016 đạt 2,4 tỷ USD và năm nay dự kiến sẽ cán mốc 3 tỷ USD.
Từ năm ngoái, nhiều loại rau, quả của Việt Nam như xoài, vải, thanh long, chôm chôm, chuối đã lần lượt được các thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Mỹ "mở cửa".
Việc gia nhập vào "câu lạc bộ tỷ đô" của mặt hàng rau, quả được xem là bước đột phá nhưng nếu so với thực tế của ngành nông nghiệp trong nước cũng như với một số quốc gia trong khu vực thì thành tích này vẫn còn khá khiêm tốn.
Hạt cà phê là một trong những loại nông sản xuất khẩu nổi tiếng của Việt Nam
Chẳng hạn, ở Thái Lan, năm 2016, giá trị xuất khẩu của ngành rau, quả tươi (kể cả các loại hạt) đạt hơn 9 tỷ USD (chưa kể sản phẩm chế biến, đóng gói) và nằm trong top 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc, Mỹ.
Để nông sản trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chính phủ Thái Lan đã xác định cải cách nông nghiệp là một trong bốn lĩnh vực trọng tâm năm 2017. Chính phủ Thái Lan đề ra những ưu đãi cụ thể dành cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao hoặc các chương trình liên quan để thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành.
Cách nay không lâu, tại một hội chợ nông sản xuất khẩu Việt Nam diễn ra ở TP.HCM, một chuyên gia nông nghiệp đến từ Thái Lan chia sẻ, ở Thái, nông dân chủ yếu canh tác chỉ một vụ trong năm (chính phủ cũng khuyến khích điều này) nhằm tránh tình trạng đất bị bạc màu. Hay như ở Australia, tại một số nông trại trồng lê, mãng cầu xuất khẩu, nông dân để cỏ mọc tự nhiên và hạn chế tối đa sử dụng thuốc, phân bón hóa học để kiểm soát được độ dinh dưỡng của đất cũng như chất lượng nông sản.
Bởi, cùng với giống, kỹ thuật canh tác thì đất đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra nông sản đảm bảo về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, để giữ rau, quả tươi, khâu sơ chế, đóng gói, bảo quản ngay từ nông trại cho đến khâu vận chuyển đến các điểm tiêu thụ, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng và được nông dân các nước chú trọng.
Thanh long ruột tím (ảnh) đang được thị trường Nhật Bản ưa chuộng
Nhưng đây lại là hạn chế của nông sản Việt và cũng là một trong những "nguồn cơn" dẫn đến tình trạng nông sản được mùa rớt giá. Nhưng để khép kín quy trình từ "nông trại đến bàn ăn", ít nhất ngành nông nghiệp Việt Nam phải tích tụ được diện tích đất đủ lớn để trồng trọt; doanh nghiệp, nông dân phải được hỗ trợ cụ thể mới dám mạnh dạn đầu tư.
Mới đây, phát biểu trong ngày đầu tiên của chuyến thăm chính thức Nhật Bản (từ ngày 4 - 8/6/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, toàn cầu hóa là tất yếu, dù chúng ta ủng hộ hay phản đối. Với việc là thành viên của nhiều hiệp định kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang dần trở thành mắt xích quan trọng của kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh 12 hiệp định đã có, Việt Nam đang trong quá trình đàm phán bốn hiệp định thương mại tự do nữa. Các hiệp định này được đánh giá hỗ trợ đáng kể cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới. Vấn đề quan trọng là liệu Việt Nam có khai thác được tối đa các lợi thế này hay không. Điều này, cần sự "cầm trịch" của các cơ quan quản lý của mỗi ngành, lĩnh vực.
Theo Nguyên Bảo/DNSG