Thế hệ những người Trung Quốc không sử dụng Google, Facebook hay Twitter
Wei Dilong, 18 tuổi, sống tại một thành phố phía nam Liễu Châu, Trung Quốc, thích bóng rổ, hiphop và các phim siêu anh hùng Hollywood. Cậu bé dự định học về hóa học ở Canada khi vào đại học năm 2020.
Wei là mẫu thiếu niên điển hình của Trung Quốc: chưa từng nghe đến Google hay Twitter. Cậu bé từng nghe đến Facebook và có lần đã hỏi rằng, "Nó có giống Baidu không?". Baidu là công cụ tìm kiếm duy nhất ở Trung Quốc.
Một thế hệ những người Trung Quốc đã và đang tiếp cận kỷ nguyên Internet khác hoàn toàn so với các trang web thông thường. Trong suốt thập kỷ trước, Trung Quốc đã chặn Google, Facebook, Twitter và Instagram, cũng như hàng nghìn trang web nước ngoài khác, bao gồm cả The New York Times và Chinese Wikipedia. Hàng loạt các website Trung Quốc ra đời nhằm đáp ứng những tính năng tương tự - dù phải trải qua qui trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Giờ đây, ý nghĩa của việc lớn lên với hệ thống internet khác biệt đang ngày càng rõ nét. Nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc không biết rằng Google, Twitter hay Facebook đang tạo ra sự khác biệt với phần còn lại của thế giới. Và điều này cũng tạo ra một xã hội với những giá trị rất khác biệt so với phương Tây.
Với các ông lớn Internet của Mỹ hay châu Âu, hy vọng giành được thị phần ở Trung Quốc là một giấc mơ xa vời. Tuy các ông lớn công nghệ của Hoa Kỳ vẫn chưa từ bỏ: Google đang nghiên cứu một công cụ tìm kiếm được kiểm duyệt dành cho người dùng smartphone ở Trung Quốc trong trường hợp được chính phủ chấp nhận. Tháng trước, Facebook được chấp thuận để mở một công ty con ở phía đông tỉnh Chiết Giang – nhưng rất nhanh sau đó giấy phép này đã bị thu hồi.
"Tôi lớn lên cùng Baidu nên tôi thấy quen thuộc với nó," Zhang Yeqiong, 23 tuổi, đang làm việc ở Tân Tập, Trung Quốc, nói về công cụ tìm kiếm nội địa này. Ảnh: The New York Times
Kể cả khi các ứng dụng phương Tây tiếp cận được thị trường Trung Quốc, họ sẽ phải đối mặt với sự thờ ơ của thế hệ trẻ. Trong nghiên cứu kéo dài 18 tháng, hai nhà kinh tế học từ Đại học Peking và Đại học Stanford đã đưa cho gần 1.000 sinh viên của hai trường đại học ở Bắc Kinh những công cụ khác với những thứ họ thường sử dụng hàng ngày nhưng gần một nửa số sinh viên không động đến chúng. Với những sinh viên sử dụng, gần như không ai dùng để truy cập các trang tin nước ngoài bị chặn.
Zhang Yeqiong, 23 tuổi, làm việc ở bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty thương mại điện tử ở Tân Tập, một thành phố nhỏ cách Bắc Kinh vài giờ lái xe, lặp lại quan điểm này. "Tôi lớn lên cùng Baidu nên tôi rất quen thuộc với nó," cô cho biết.
Thế hệ trẻ Trung Quốc sử dụng các ứng dụng như Baidu, mạng xã hội WeChat và kênh cung cấp video Tik Tok. Vào tháng Ba, khi gã khổng lồ mạng xã hội Tencent thực hiện khảo sát với hơn 10.000 người dùng sinh từ năm 2000 trở ra, gần 80% người được hỏi nghĩ rằng Trung Quốc đang ở thời kỳ huy hoàng nhất trong lịch sử và ngày một phát triển giàu đẹp hơn. Tỉ lệ này cũng tương tự với số người lạc quan về tương lai của mình.
Shen Yanan, 28 tuổi, đang làm việc ở Bảo Định, Trung Quốc, và không quan tâm đến chính trị, cho hay: "Các ứng dụng của Trung Quốc có mọi thứ." Gilles Sabrié - The New York Times
Shen Yanan tự nhận mình là người yêu nước, cởi mở và lạc quan. Cô Shen, năm nay 28 tuổi, đang làm việc tại phòng kế hoạch của một trang web bất động sản ở Bảo Định, thành phố ba triệu dân gần Bắc Kinh. Cô tin rằng Trung Quốc là một đất nước tuyệt vời và sẽ cố gắng hết mình để đất nước ngày một phát triển hơn.
Mỗi chiều, cô dành một đến hai giờ xem các vở nhạc kịch của Hàn Quốc trên điện thoại. Cô không có bất kỳ ứng dụng đọc tin nào trên điện thoại vì không mấy mặn mà với tình hình chính trị. Cô đã đến Nhật vài lần và từng sử dụng Google Maps, nhưng cô cho hay: "Các ứng dụng của Trung Quốc có mọi thứ."
Minh Trang