Thế giới toàn cảnh tuần 14–20/3/2016
Thời Đại Online điểm lại những tin tức nổi bật nhất tuần 14–20/3/2016:
Tổng thống Nga Putin (phải) trong cuộc họp ngày 14/3 với Ngoại trưởng Sergei Lavrov của nước này. (Ảnh: Reuters)
Máy bay chiến đấu Nga xuất kích tấn công khủng bố tại Syria
Hôm 14/3, trong cuộc họp với người đứng đầu bộ quốc phòng, ngoại giao, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố: nước này sẽ bắt đầu rút quân khỏi Syria từ ngày 15/3. Theo đó, các “bộ phận chủ chốt” của quân đội Moscow đang tham gia chiến dịch quân sự ở quốc gia Trung Đông sẽ trở về nước, trong nỗ lực nhằm thúc đẩy tiến trình đàm phán hòa bình Syria vừa được nối lại. Ông Putin khẳng định Nga đã “hoàn thành các mục tiêu chủ chốt” tại Syria. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh: nhờ sự giúp đỡ từ Moscow, các lực lượng vũ trang Syria “đã có thể đạt được sự chuyển biến cơ bản trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.
Chiến đấu cơ Nga hạ cánh sau khi trở về từ Syria. (Ảnh: Reuters)
Người dân chào đón phi công Nga trở về từ chiến trường Syria, tại căn cứ không quân Buturlinovka, Voronezh. (Ảnh: Reuters)
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra vào đúng thời điểm các bên xung đột tại Syria đang tiến hành đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ). Mặc dù không có thời hạn chót, cũng như lộ trình cụ thể, việc rút quân đã được Moscow triển khai khá nghiêm túc. Ngay trong ngày 15/3, một số chiến đấu cơ Nga đã lên đường về nước, và được chào đón như những người hùng. Theo một số nguồn tin, hiện số lượng máy bay chiến đấu của Nga tại Syria hiện chỉ còn không quá 1/2 so với trước ngày 15/3. Mặc dù vậy, Moscow vẫn duy trì quân số nhất định tại một hải cảng, cũng như duy trì căn cứ không quân Hneymim ở tỉnh Latakia của Syria.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Syria tiêu tốn khoảng 33 tỷ rúp (464 triệu USD)
Người dân Syria mang biểu ngữ ủng hộ Nga can thiệp quân sự
Phần đông giới chuyên gia nhận định rằng: việc chấm dứt chiến dịch quân sự tại Syria là một quyết định sáng suốt và khôn kéo của nước Nga. Nhờ đó, Moscow tránh khỏi nguy cơ bị sa lầy vào cuộc chiến, trong khi vẫn có thể triển khai quân trở lại Syria chỉ trong vài giờ đồng hồ, nếu cần thiết. Sau hơn 5 tháng tham chiến ở quốc gia Trung Đông, quân đội Nga vừa chứng minh được sức mạnh quân sự khi gây ra thiệt hại nặng nề cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan, vừa tạo ra ảnh hưởng tích cực khiến các bên đối địch ở Syria chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán. Nói cách khác, dù “đến sau” Washington và các nước đồng minh, Moscow vẫn thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong tiến trình hòa bình Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi đảm bảo tự do đi lại trên Biển Đông
Biển Đông vẫn là điểm nóng của dư luận thế giới, thể hiện qua sự quan tâm trực tiếp của một loạt quốc gia vốn ít khi đưa ra tiếng nói. Ngày 14/3, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố: trong cuộc gặp với nhà đồng cấp Australia Marise Payne, 2 bên sẽ bàn về các nỗ lực nhằm gây sức ép “buộc Trung Quốc phải tuân thủ cam kết không triển khai vũ khí, khí tài quân sự ra khu vực tranh chấp”. Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia cũng khẳng định sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo Việt Nam và Philippines về vấn đề này, bởi Malaysia “không thể hành động đơn độc trong việc ngăn chặn các động thái hiếu chiến (của Bắc Kinh)”.
Bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 2012
Lính thủy quân lục chiến Mỹ lên trực thăng CH-46E Sea Knight, trên một tàu tấn công đổ bộ
Trong khi đó, tới ngày 18/3, ngoại trưởng các nước Singapore, Australia cũng thể hiện cam kết đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Theo những quan chức này, tuyến vận tải đi qua vùng biển tranh chấp có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi nước và quốc tế. Những tuyên bố trên đây được đưa ra trong bối cảnh giới chức Mỹ tuyên bố đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt thiết bị quân sự quanh khu vực Biển Đông, nhằm kiềm chế ý định quân sự hóa vùng biển này của Trung Quốc. Washington đồng thời cũng cảnh báo rằng: Bắc Kinh đang có dấu hiệu tiếp tục triển khai hoạt động trái phép ở bãi cạn Scarborough trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tiến tới xây dựng đảo nhân tạo tiếp theo như tiền đồn quân sự trên Biển Đông.
Tỷ phú Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà Hillary Clinton bắt tay người ủng hộ trong buổi họp báo tại bang Florida ngày 15/3. (Ảnh: Reuters)
Sau những chiến thắng trước đó, ứng viên Hillary Clinton của Đảng Dân chủ và ứng viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa tiếp tục thắng lớn trong ngày bầu cử quan trọng Siêu thứ ba lần 2, hôm 15/3 (giờ Việt Nam). Trong khi bà Clinton giành thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu ở cả 5 bang Florida, Missouri, Bắc Carolina, Ohio và Illinois, thì ông Trump cũng chiến thắng ở 4/5 bang là Florida, Illinois, Missouri và Bắc Carolina. Với những chiến thắng nói trên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton “bỏ túi” thêm 246 phiếu đại biểu, trong khi ông trùm bất động sản Donald Trump có thêm 150 phiếu tương ứng. Đáng chú ý, sau thắng lợi tại bang Florida, ứng viên Trump đã loại bỏ được đối thủ “chủ nhà” Marco Rubio, khi ông này vừa tuyên bố rút khỏi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Ông Marco Rubio (trái) đối đầu Donald Trump trong buổi tranh luận trên truyền hình ngày 27/2
Video tuyên chiến của Anonymous với ứng viên Donald Trump
Mặc dù ông Trump đang thể hiện vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vào Nhà Trắng của phe Cộng hòa, các chuyên gia lại không đánh giá cao khả năng thành công của ứng viên này nếu Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng. Thậm chí, Tổ chức Tình báo Kinh tế (EIU) còn đánh giá rằng: “Tổng thống” Donald Trump sẽ trở thành một nguy cơ mang tính toàn cầu. EIU cho rằng, ông Trump “nguy hiểm” ngang chủ nghĩa khủng bố, với chính sách thù địch bẩm sinh và nhiều phát ngôn mang tính cực đoan. Trong diễn biến liên quan, tỷ phú này còn tự tin tuyên bố: những người ủng hộ sẽ “gây bạo loạn” nếu ông không được phe Cộng hòa đề cử. Gần như ngay sau đó, tổ chức tin tặc (hacker) hàng đầu thế giới Anonymous khẳng định sẽ “tổng tấn công” nhằm phá hoại chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Hiện trường vụ tai nạn hàng không thảm khốc hôm 19/3
Nỗi đau của người thân những nạn nhân xấu số trên chuyến bay
Trong bối cảnh việc điều tra vụ mất tích bí ẩn của chiếc máy bay MH370 chưa mang lại kết quả khả quan nào, ngành hàng không thế giới lại phải hứng chịu một thảm họa kinh hoàng. Hôm 19/3, chiếc máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không FlyDubai gặp nạn tại sân bay Rostov-on-Don ở miền Nam Nga, làm toàn bộ 62 hành khách và tổ bay thiệt mạng. Theo các nguồn tin, phi cơ mang số hiệu FZ981 tới từ Dubai bị rơi lúc 3g50p (giờ địa phương), trong lúc đang hạ cánh lần thứ 2. Dữ liệu của trang Flightradar24 cho thấy: máy bay thất bại trong lần hạ cánh đầu tiên, trước đó khoảng 2 tiếng 9 phút. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, có thể đuôi máy bay đã va chạm với mặt đất, khiến nó bốc cháy và bị rơi.
Hình ảnh radar cho thấy lộ trình của chiếc Boeing 737 trước khi gặp nạn. (Ảnh: RT)
Lực lượng chức năng đang tích cực thu thập thi thể nạn nhân đê giám định pháp y
Hiện, cơ quan chức năng đã tìm ra hộp đen của chiếc Boeing 737-800 và đang tiến hành điều tra theo hướng xảy ra lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, một số chuyên gia hàng không cho rằng, thời tiết xấu là nguyên nhân chính. Trong khi đó, Giám đốc điều hành hãng FlyDubai, ông Ghaith al-Ghaith, thì loại trừ khả năng máy bay bị tấn công khủng bố. Ông cho biết các phi công không phát đi tín hiệu cầu cứu. Đồng thời, ông al-Ghaith cũng khẳng định không thể xảy ra lỗi kỹ thuật, do cơ trưởng Aristos Socratous là một phi công giàu kinh nghiệm với hơn 5.700 giờ bay, trong khi máy bay gặp nạn mới được sản xuất năm 2011, và được bảo dưỡng lần gần đây nhất vào ngày 21/1.
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: EPA)
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia một cuộc tập trận chung với Mỹ ở thành phố Pohang
Tuần qua, Triều Tiên bất ngờ bắn tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản, như một động thái khiêu khích Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, 2 quả tên lửa phóng đi ngày 18/3 của Bình Nhưỡng có tầm bắn khoảng 800km, đủ sức tấn công tới lãnh thổ Nhật. Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ra lệnh sớm tiến hành các vụ thử tên lửa và đầu đạn hạt nhân. Trong nỗ lực đáp trả, Hàn Quốc tuyên bố thành lập đơn vị cơ động “Spartan 3.000”, luôn đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu để có thể triển khai tới bất cứ khu vực nào trên bán đảo Triều Tiên trong vòng 24 giờ. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đơn phương tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
Trọng Sang