Thế giới nếu: Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ lần 2
THE WORLD IF (tạm dịch: Thế giới nếu…) là chùm bài viết của tạp chí The Economist về những kịch bản có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học công nghệ… sẽ ảnh hưởng đến thế giới. Các giả định được đưa ra dựa trên chính những diễn biến của thế giới ở thời điểm hiện tại.
Ở bài viết đầu tiên của series này, hãy cũng tìm hiểu về viễn cảnh ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và tiếp tục làm Tổng thống Mỹ thêm 4 năm nữa.
Thẳng thắn mà nói thì khi nhìn lại, rất dễ dàng để nhận ra những dấu hiệu cho thấy ông không thực sự muốn có thêm 1 nhiệm kỳ Tổng thống. Trong suốt “cuộc đua tam mã” vào Nhà Trắng năm 2020, đôi lúc ông giống như một người ngoài cuộc bị lu mờ trước cuộc thi thố giữa Elizabeth Warren, nhà kinh tế học theo chủ nghĩa dân túy được đảng Dân chủ đề cử và đối thủ trẻ tuổi Mark Zuckerberg, tỷ phú công nghệ đã lập nên mạng xã hội Facebook và dẫn dắt phong trào trung lập “Nước Mỹ mở cửa!”. Ông lùi về phía sau để nhìn thấy các đối thủ phơi bày những mối chia rẽ sâu sắc và xấu xí trong lòng nước Mỹ.
Đến cuối cuộc đua, bà Warren và ngài Zuckerberg đã từ bỏ mọi thứ, từ toàn cầu hóa đến cán cân thương mại với Trung Quốc để bám vào những chủ đề đặc sắc nhất như hành động kỳ thị phân biệt chủng tộc và thị thực cho người nhập cư tay nghề cao. Người vợ gốc châu Á Priscilla Chan của Zuckerberg thậm chí cũng bị lôi vào cuộc tranh cãi của dư luận.
6 tháng sau lễ nhậm chức lần 2, hình ảnh của Tổng thống Trump đã thay đổi 180 độ với nhiệm kỳ đầu tiên. Người đàn ông từng thề sẽ xóa bỏ tham nhũng ở Washington, gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc và Mexico giờ đang ở 1 vị thế rất khác. Nền kinh tế vẫn đang diễn biến tốt nhưng không phải nhờ cải cách. Những lực đẩy lớn nhất đến từ động thái cắt giảm thuế (được tài trợ bằng nợ) và nhờ bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng khá vững chắc (ở những nơi như Trung Quốc, Mexico và Canada).
Tuy nhiên nội các của ông vẫn tập trung vào việc xóa bỏ luật lệ và các quyết định hàng ngày của Tổng thống được ủy quyền cho 1 nhóm các cựu CEO và chuyên gia tài chính phố Wall. 4 năm trước, chiến thắng của ông Trump – 1 người ngoại đạo chưa từng có bất cứ kinh nghiệm chính trị nào – đã mang lại nhiều điều thú vị. Nhưng bây giờ nếu hỏi cử tri họ nghĩ gì về Tổng thống Trump, không ít người nhắc đến từ “tẻ nhạt”.
Những người không ưa ông Trump từng nghĩ rằng vụ lùm xùm liên quan đến Nga có thể khiến ông phải rời Nhà Trắng. Tuy nhiên chuyện đó không xảy ra và đảng Dân chủ lại quay sang chỉ trích những lời hứa mang màu sắc dân túy của ông. Đó là “bức tường to lớn và đẹp đẽ” xây dọc biên giới Mexico mà người Mexico phải trả tiền xây dựng hay những nhà máy dịch chuyển từ nước ngoài về vùng Trung Tây hoặc kế hoạch y tế tốt đẹp hơn nhiều lần so với Obamacare.
Nhiều người trong số 11 triệu người nước ngoài đang sống ở Mỹ mà không có giấy tờ hợp pháp đang sống trong sợ hãi vì có thể bị trục xuất vì nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, dù số người bị trục xuất tăng lên, một số quyết định của ông Trump bị cản lại bởi luật pháp.
“Cuộc cách mạng năng lượng” với cam kết tăng sản lượng khai thác than đá, dầu mỏ và khí đốt đang đi vào ngõ cụt. Đến thời điểm này chiến dịch chỉ tạo thêm việc làm cho các luật sư và những nhà vận động hành lang thay vì công nhân mỏ.
Sau khi chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh bị hủy bỏ năm 2017 và hội nghị ở Canada năm 2018 bị bao vây bởi người biểu tình, ông hào hứng trở lại với chuyến thăm Trung Quốc và Philippines năm 2019. Trump khuyến khích các quỹ Trung Quốc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng của nước Mỹ.
Sau nhiều xáo trộn, đội ngũ truyền thông của ông vừa tuyển 1 nhà sản xuất từ “Thực tập sinh” – chương trình truyền hình thực tế đã có công rất lớn trong công cuộc xây dựng hình ảnh tỷ phú Trump quyết đoán.
Thu Hương