Thế giới có hơn 65 triệu người phải rời bỏ nhà cửa
Xe chở người tị nạn Syria. (Ảnh: AFP)
Theo báo cáo thường niên của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR), tính đến cuối năm 2016, con số ước tính đã lên tới 65,6 triệu, lớn hơn dân số của Vương quốc Anh, tăng thêm 300.000 người so với năm 2015. Tuy vậy, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái (5 triệu người).
Ông Filippo Grandi, một quan chức cấp cao của UNHCR, thừa nhận: "Thế giới dường như đã chẳng thể có nổi hòa bình. Vì vậy, các mâu thuẫn xưa cũ cứ tiếp tục kéo dài, xung đột vẫn cứ nổ ra và cả 2 đều tạo ra sự thay đổi... đó là dấu hiệu của những cuộc chiến không bao giờ kết thúc" - ông Grandi nhấn mạnh.
Người tị nạn tới từ Nam Sudan. (Ảnh: AFP)
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng đây là một thất bại cho thấy sự suy yếu trong nỗ lực hợp tác quốc tế, đồng thời cảnh báo về gánh nặng của nhiều nước nghèo nhất thế giới, vì khoảng 84% số người phải di dời trên thế giới đang sống ở các nước nghèo và trung bình.
"Làm sao để tôi có thể yêu cầu các quốc gia có ít nguồn lực hơn, ở châu Phi, Trung Đông hay châu Á, giữ lại hàng triệu người di cư nếu các quốc gia giàu có hơn từ chối làm như vậy?" - ông Grandi nhấn mạnh trước báo giới.
Đại diện LHQ cho biết: họ hy vọng con số người phải rời bỏ nhà cửa vừa được công bố sẽ khuyến khích các nước giàu suy nghĩ lại, không chỉ để tiếp nhận người tị nạn mà còn để tập trung vào việc thúc đẩy hòa bình và tái thiết cuộc sống tại những nơi đang có xung đột.
Thống kê chi tiết của LHQ tính đến cuối năm 2016:
- Có 22,5 triệu người là người tị nạn; 40,3 triệu là người sơ tán trong nước và 2,8 triệu người đang nộp đơn xin tị nạn tại các quốc gia.
- 5,5 triệu người tị nạn đến từ Syria, 2,5 triệu người tị nạn thuộc Afghanistan và 1,4 triệu là công dân Nam Sudan.
- Các quốc gia là điểm dừng chân của nhiều người tị nạn nhất: Thổ Nhĩ Kỳ (2,9 triệu). Pakistan (1,4 triệu), Lebanon (1 triệu), Iran (974.000), Uganda (940.800) và Ethiopia (791.600). Ngoài ra, còn có 6,3 triệu người Syria đang sơ tán trong nước.
Hồng Anh