Thay đổi hậu bầu cử Nepal: Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại khu vực nhạy cảm nhất với Ấn Độ?
Trung Quốc và Ấn Độ tại Nepal
Theo hãng tin Sputnik, đầu tháng 12 vừa qua, Liên minh các đảng Cộng sản (ĐCS) Nepal đã giành chiến thắng với 174 trên 275 ghế trong Hạ viện nước này. Giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu dự báo Nepal sẽ dần tách khỏi nhóm các quốc gia thân Ấn Độ và xích lại gần Trung Quốc hơn.
Hiện tại, ông Sher Bahadur Deuba, thành viên Quốc hội ủng hộ Ấn Độ, đang giữ chức thủ tướng Nepal. Tuy nhiên thay đổi tại Hạ viện, con đường nắm quyền cũng rộng mở hơn với cựu thủ tướng Khadga Prasad Oli - người từng giữ chức thủ tướng Nepal từ tháng 10/2015 đến tháng 8/2016.
Sau khi ông Oli rời nhiệm sở hồi tháng 8 năm ngoái, ông Pushpa Kamal Dahal, thành viên một nhánh ĐCS khác, đã thay ông giữ chức thủ tướng. Hiện nay 2 nhánh này đã thành lập Liên minh các ĐCS Nepal, trong đó ông Oli là một trong những lãnh đạo cấp cao của Liên minh.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu địa chính trị Stratfor, Mỹ, bình luận: "Kết quả bầu cử cho thấy Trung Quốc sẽ có vai trò lớn không kém Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Nepal. Chắc chắn cuộc chạy đua tranh giành ảnh hưởng của 2 cường quốc này tại Nepal sẽ ngày càng căng thẳng."
Biên giới Zhangmu giữa Trung Quốc và Nepal. Ảnh: Youtube
Trước đây ông Oli từng lạnh nhạt với Ấn Độ và tăng cường quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Dự kiến nếu tái đắc cử, ông Oli sẽ cho phép tập đoàn Trung Quốc Gezhouba tiếp tục dự án thủy điện trị giá 2,5 tỉ USD tại Nepal, sau khi thủ tướng đương nhiệm Deuba quyết định hủy bỏ dự án này hồi tháng 11 vừa qua.
"Chính quyền Nepal giờ có nhiều lựa chọn giữa hai bên Trung Quốc và Ấn Độ," ông Harsh Pant, thuộc Quỹ Nghiên cứu Giám sát tại Ấn Độ, nhận định.
Nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới, Nepal trước đây từng nghiêng về phía Ấn Độ trên bàn cờ địa chính trị.
Nepal và Ấn Độ đều có phần lớn dân cư là người theo đạo Hồi, và Ấn độ từng là quốc gia viện trợ chính cho chính phủ Nepal từ những năm 1950. Tính đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nepal, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này.
Trung Quốc đang nắm lợi thế?
Nepal là nơi xảy ra nhiều biến động lớn về kinh tế và chính trị kể từ năm 2006, khi cuộc nội chiến kéo dài 10 năm kết thúc.
Tháng 9/2015, mối quan hệ giữa Nepal và Ấn Độ trở nên tồi tệ hơn khi Ấn Độ bắt đầu ngừng vận chuyển dầu mỏ và khí đốt đến Nepal với lí do tình hình xã hội tại Kathmandu bất ổn.
Quyết định cấm vận được chính quyền Ấn Độ đưa ra chỉ vài tháng sau khi Nepal phải hứng chịu một trận động đất lớn, khiến quốc gia này rơi vào tình trạng khủng hoảng năng lượng trầm trọng, giao thông đình trệ, các nhu yếu phẩm như thức ăn, nhiên liệu và dược phẩm khan hiếm.
Theo Stratfor, chính lệnh cấm vận của Ấn Độ đã thúc đẩy Nepal quay sang "kết thân" với Trung Quốc.
Trung Quốc hỗ trợ tái thiết Nepal sau đợt động đất. Nguồn: CCTV-America
"Hơn nữa, lệnh cấm vận đã khiến nhiều nhà lãnh đạo Nepal quay sang nghi ngờ chính phủ Ấn Độ," Stratfor đánh giá.
Ngay cả khi là một trong những quốc gia phụ thuộc khá nhiều vào Ấn Độ, Nepal vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và tránh xa những tranh chấp lãnh thổ giữa hai cường quốc này. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại, ngày càng nhiều người Nepal đề cao tầm quan trọng của Bắc Kinh hơn.
Về phía mình, Bắc Kinh cũng tuyên bố Nepal là một phần quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc - một mạng lưới cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỉ USD nhằm tăng cường trao đổi thương mại và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn châu Á.
Hồng Anh