Thanh sô-cô-la oan nghiệt: Vì tình yêu mù quáng, người phụ nữ đầu độc vợ của nhân tình rồi nhận cái kết bi thảm
Năm 1871 ở Brighton, Anh Quốc, một người phụ nữ trẻ đã bị bắt vì tội danh giết người. Câu chuyện của người phụ nữ đó chứa đầy tình yêu nồng nàn đến điên cuồng và sự phản bội cũng như thù hận. Và cho đến tận bây giờ, chẳng ai có thể chắc được cô ta là kẻ xấu xa hay đơn giản chỉ là một kẻ điên.
Người phụ nữ đó là Christiana Edmunds. Cao ráo, hấp dẫn, có học thức, tràn đầy nữ tính và tự lập, cô sống với mẹ già ở một nhà nghỉ tại thị trấn ven biển giàu đẹp Brighton (Anh).
Christiana đem lòng yêu say đắm một vị bác sĩ đã kết hôn
Năm 1869, cô phải lòng bác sĩ Arthur Beard ở đối diện nhà của cô. Anh bác sĩ đã kết hôn và cô bắt đầu quan hệ lén lút. Mặc dù vậy, thực hư mối quan hệ đó thế nào hay chỉ là trí tưởng tượng của cô ta, đến giờ vẫn còn là điều bí ẩn.
Christiana và Arthur thường gửi thư tình cho nhau và rồi người phụ nữ si tình quyết định tìm cách loại bỏ đối thủ cạnh tranh - vợ của anh bác sĩ, Emily để cô có thể ở bên người mình yêu.
Anna Massey trong vai Christiana and Richard Gale trong vai Bác sĩ Beard trong ‘Người phụ nữ độc ác’ (Ảnh: REX/Shutterstock).
Vào tháng 9 năm 1871, cô đến thăm gia đình bác sĩ Beard mang theo một gói sô-cô-la làm quà cho Emily, và ngày hôm sau đó Emily đã đổ bệnh. Chính Christiana đã tẩm một chất độc có tên strychnine vào gói sô-cô-la - một chất rất độc, không màu, có vị đắng, có thể gây co giật cơ bắp, sốt cao, khó thở và thậm chí gây chết người.
Cô đã mua chất độc này một cách khá hợp pháp ở tiệm thuốc với lý do là để giết mèo hoang - ở thời Victoria, nó là thuốc chuyên trị chuột - vì vậy cô đã không bị nghi ngờ. Tuy nhiên, người phụ nữ này đã tính sai liều lượng cần thiết gây chết người, vì vậy mà Emily đã không chết mặc dù cô ấy đã lâm vào tình trạng khá nguy kịch.
Nghi ngờ Christiana, Arthur cáo buộc cô ta đã đầu độc vợ của anh. Nhưng Christiana đã nhanh trí nói rằng, loại sô-cô-la đó cũng làm cô ta sinh bệnh. Lo sợ về việc mối quan hệ của mình với Christiana có thể bị lộ, Arthur Beard đã rút lại lời tố cáo nhưng anh ta sau đó đã cắt đứt liên lạc với Christiana.
Phải chẳng vì hận tình Christiana đã tiến hành hàng loạt vụ đầu độc?
Cô ta bắt đầu thực hiện nhiều vụ đầu độc hàng loạt. Nhiều người cho rằng, lý do khiến cô làm như vậy là vì cô ta quá yêu anh bác sĩ kia. Tuy vậy, một số người khác lại nói, đó là vì lòng hận thù và sự tức giận. Cho đến nay, chẳng ai có thể xác định chắc chắn nguyên nhân là do đâu.
Cô ta mua sô-cô-la từ một cửa hàng bánh kẹo trong thị trấn, tẩm strychnine nhưng vẫn giữ gói sô-cô-la trông như chưa mở rồi sau đó trả lại cửa hàng để đổi sang gói khác. Người bán hàng không hề hay biết, bán lại gói sô-cô-la bị tẩm độc cho người khác, những người này sau đó đã đổ bệnh nặng. Nhận thấy thành công và sợ gây ra nghi ngờ, cô ta chuyển sang dụ dỗ một vài cậu bé giúp cô ta mua sô-cô-la từ cửa hàng đó.
Anna Massey trong vai Christiana trong ‘Người phụ nữ độc ác’ (Ảnh: REX/Shutterstock).
Và một lần nữa, cô ta tẩm độc rồi nhờ những cậu bé đó trả lại cửa hàng để đổi sang loại kẹo khác.
Và rồi vào tháng 6 năm 1871, gia đình nhà Baker đang du lịch tới Brighton và mua sô-cô-la làm quà lưu niệm. Bi kịch thay, toàn bộ gia đình họ đã bị đầu độc bởi Christiana Edmunds, trong đó có cả cô bé Sydney Baker mới 4 tuổi.
(Ảnh: REX/Shutterstock)
Người ta đã tuyên bố đó là một "tai nạn chết người", chủ cửa hàng bánh kẹo được chứng minh vô tội và tiêu hủy toàn bộ hàng trong kho. Và bác sĩ Beard vẫn giữ im lặng.
Mặc dù vậy, những vụ đầu độc tiếp tục diễn ra… 6 người phụ nữ có tiếng tại địa phương, bao gồm cả Emily Beard, đã nhận những gói quà chứa kẹo và hoa quả bị tẩm thuốc độc. Hai trong số những người giúp việc của Emily đã bị ngộ độc sau khi ăn bánh nhiễm độc. Christiana cũng nói cô ta là nạn nhân, thậm chí cô ta còn phàn nàn với cửa hàng kẹo là cô ta bị bệnh sau khi ăn sô-cô-la mua ở đó. Cô ta cũng báo với cảnh sát rằng, cô ta nhận được hàng bị tẩm thuốc độc.
Khi sự thật được đưa ra ánh sáng...
Bế tắc vì không có đầu mối gì cả, ngài Chánh án đăng một thông báo trên tờ báo địa phương nói rằng, ông sẽ trao thưởng cho bất kì ai cung cấp thông tin liên quan tới vụ án. Sau đó, bác sĩ Beard đã quyết định nói ra sự nghi ngờ của mình cho cảnh sát.
Chỉ trong một tuần, Christiana Edmunds đã bị bắt và sau đó ít lâu, cô ta bị tuyên án với tội danh cố ý giết Emily Beard.
Anna Massey trong ‘Người phụ nữ độc ác’ (Ảnh: REX/Shutterstock)
Phiên tòa đầu tiên ở Brighton bắt đầu vào ngày 24 tháng 8 năm 1871, nhưng sau đó người ta quyết định rằng, bản án cô nhận không thích đáng. Cô ta được chuyển tới nhà tù Newgate ở London và được đưa ra xét xử tại Old Bailey vào tháng giêng năm 1872. Thẩm phán tuyên án Christiana có tội và phải bị treo cổ.
Đối mặt với bản án, cô ta vội vàng nói rằng, cô ta đang mang thai - người đang mang thai sẽ không bị treo cổ cho đến khi sinh con. Tuy vậy, các bác sĩ đã khám và xác nhận rằng, Christiana không hề có thai, vì vậy cô ta được chuyển về nhà tù Newgate để chờ nhận án.
Và thật đáng ngạc nhiên, bản án dành cho Christiana đã bị rút lại vì tòa án ra phán quyết rằng, cô ta đã bị điên. Cô ta bị giam tại nhà thương điên Broadmoor dành cho kẻ phạm tội bị tâm thần ở London.
Nhà thương điên dành cho tội phạm Broadmoor – khu dành cho phụ nữ, 1867. (Ảnh: REX/Shutterstock)
Một số chuyên gia cho rằng, sự bất ổn định tâm lý di truyền đã khiến Christiana Edmunds không nhận ra được hậu quả của hành động cô làm. Cô ta đã cười lớn khi biết tin mình sẽ bị treo cổ. Tuy vậy, một số khác lại cho rằng, khi cô ta nhận ra lời khai có thai chỉ là bịa đặt, cô ta đã quá sợ hãi.
Trong phiên tòa, luật sư bào chữa cho rằng, bác sĩ Beard đi lại với Christiana chỉ nhằm thoả mãn nhu cầu nhục dục. Cô ta là một người phụ nữ bị ruồng bỏ đáng thương, bị anh bác sĩ lợi dụng. Trong khi đó, luật sư của Beard cho rằng, mối quan hệ giữa họ chỉ đơn giản là chuyện tán tỉnh nhau.
Đối với nhiều chuyên gia, nguyên nhân có lý hơn cả là việc Christiana đã tưởng tượng quá nhiều về mối quan hệ giữa cô và vị bác sĩ. Và những vụ đầu độc hàng loạt chứng minh rằng, cô ta đã trở nên điên cuồng khi yêu mà không được đáp lại. Một tờ báo thời đó đã nói Christiana là một "kẻ phạm tội tàn nhẫn, xảo quyệt và gian trá".
Trong nhà thương điên Broadmoor, cô ta tiếp tục tán tỉnh với những nhân viên nam, không hề tỏ vẻ hối hận với tội ác của mình. Cô ta ngồi cả ngày trong yên lặng để thêu thùa, nhưng lại rất thích khiêu khích những tù nhân khác.
Cô ta không bao giờ được thả ra - sau khi thành viên gia đình cuối cùng qua đời, cô ta còn lại một mình. Sức khỏe cô ta yếu dần, mắt mờ, đi lại không vững nữa, nhưng cô ta vẫn dành thời gian trang điểm và nghĩ bản thân mình là một người phụ nữ nguy hiểm.
Christiana Edmunds qua đời ở Broadmoor vào năm 1907, thọ 78 tuổi.
Nguồn: Life Death Prizes
Nam spiderum