Thành phố Hồ Chí Minh triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn chuẩn bị cho học sinh các cấp đi học trở lại
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tấp nập trở lại |
Nghỉ học vì COVID-19, học sinh được kiểm tra, đánh giá như thế nào? |
Cán bộ, nhân viên của trường trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát đếm và sắp xếp lại khẩu trang để phát cho các em học sinh ngay ngày đầu tiên trở lại trường (Ảnh: VOV) |
Ngay sau khi Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quyết định về thời gian đi học lại của học sinh trên địa bàn thành phố bắt đầu từ ngày 4/5. Các trường học đã khẩn trương thực hiện các công việc liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19, lên các phương án phù hợp để chuẩn bị đón học sinh quay trở lại lớp.
Để chuẩn bị cho học sinh các cấp đi học trở lại, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu triển khai bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống COVID-19.
Trong đó, các trường tự rà soát, đánh giá nghiêm túc, khách quan; báo cáo kết quả về Sở hoặc Phòng giáo dục đào tạo quận, huyện và cơ quan y tế địa phương để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tại trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), ngay từ khi nhận được thông báo về thời gian đi học trở lại của học sinh, nhà trường đã khẩn trương bắt tay vào công tác vệ sinh, khử khuẩn phòng học, phòng chức năng, chuẩn bị nước rửa tay, khẩu trang, đồng thời lên phương án dạy và học phù hợp. Theo đó, nhà trường sẽ chia mỗi lớp học thành 2 lớp nhỏ, học thành hai buổi sáng-chiều.
Như vậy, số học sinh trong một lớp sẽ chỉ còn từ 20-25 học sinh, được bố trí ngồi theo kiểu ziczac nên hoàn toàn đảm bảo yêu cầu về giãn cách. Ngoài ra, nhà trường cũng đã tạm ngưng hoạt động của căn tin và không tổ chức học bán trú để tránh tập trung đông học sinh.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Đức Dũng, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát, việc đảm bảo giãn cách này sẽ còn nhiều khó khăn cần phải khắc phục: "Phụ huynh sẽ gặp khó khăn trong vấn đề đưa đón con em của mình, chuẩn bị buổi trưa cho các cháu. Còn về phía nhà trường thì cái khó là kinh phí trả thù lao dạy thêm giờ cho giáo viên, sức khỏe của giáo viên không đảm bảo nếu dạy lâu và không có thời gian để rèn luyện, ôn tập thêm cho các em".
Cũng như trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát, tại trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3), mọi công tác cũng đã sẵn sàng để đón học sinh quay trở lại trường học, từ việc tiến hành khử khuẩn các phòng học, trang bị nước rửa tay khô trong mỗi phòng học cho đến việc chuẩn bị dụng cụ đo thân nhiệt và thiết bị để khai báo y tế.
Trường Trung học cơ sở Huỳnh Tấn Phát vạch sẵn vị trí để đảm bảo giãn cách khi các em xếp hàng khử khuẩn tay và đo thân nhiệt trước khi vào lớp (Ảnh: VOV) |
Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho biết do sĩ số mỗi lớp học của trường Lê Quý Đôn vốn đã ít, chỉ từ 20-22 học sinh một lớp nên nhà trường không cần bố trí cho các em chia thành 2 ca, mà chỉ cần kéo giãn bàn ghế ra một chút.
"Nhà trường đã thông tin với phụ huynh học sinh để nhắc nhở các bạn học sinh, tăng cường các tờ rơi, pano, áp phích về dịch COVID-19. Song song với đó là phối hợp với bên bộ phận y tế trường để thiết kế các bài trình chiếu cho học sinh xem và hiểu cách phòng chống dịch. Rồi khi học sinh trở lại thì sẽ tiến hành rà soát lại lượng kiến thức cần bổ sung và chuẩn bị bài mới theo chương trình tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo", ông Thạch cho biết.
Không giống như học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, học sinh Tiểu học vốn hiếu động và thích chạy nhảy, đùa nghịch nên bên cạnh công tác vệ sinh khử khuẩn và đảm bảo kiến thức dạy học, các trường tiểu học phải đối mặt với thách thức lớn hơn là làm thế nào để các em vẫn có thể vui chơi, vui vẻ khi đến trường mà vẫn đảm bảo an toàn về sức khỏe.
Thầy Lý Văn Huệ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) chia sẻ: "Nhà trường lên phương án hạn chế học sinh tập trung trong giờ chơi bằng cách chia ca giờ ra chơi và giới hạn khu vực ra chơi của các khối lớp. Có giáo viên quản lý để giúp các em không chạy tới chạy lui nhiều khu vực trong sân trường".
Còn với trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Quận 4), mặc dù chia thành 2 ca, số học sinh đã giảm xuống còn 1 nửa, từ khoảng 1300 em xuống còn hơn 600 em một ca nhưng nếu ra chơi ngoài sân trường thì rất khó để kiểm soát các em. Đồng thời lực lượng để kiểm tra, quản lý cũng không đủ. Do đó, nhà trường chủ trương cho các em giải lao tại lớp và lên các kế hoạch để thu hút, giúp các em giải trí.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, bên cạnh giờ ra chơi, giải quyết giãn cách vào giờ ra về của các em cũng chính là một trong những vấn đề băn khoăn của trường.
"Mặc dù một ca hiện tại có hơn 600 em, và bố trí để phụ huynh giãn ra cả ba cổng của trường để chờ đón học sinh về, giãn cả giờ về cách nhau nửa tiếng nhưng có giãn cách kiểu gì thì trước cổng trường cũng sẽ trên 30 người chứ không dưới 30 người".
Trước đó, sau khoảng 3 tháng nghỉ học, vào chiều ngày 28/4, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận về chủ trương đối với lộ trình đi học trở lại của học sinh, học viên, sinh viên các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Theo đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo và Sở Lao động thương binh xã hội thời gian nhập học bắt đầu từ ngày 4/5, được phân bổ theo từng khối lớp, không tập trung đồng loạt. Đồng thời, Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khẩn trương giao đầu mối tiếp nhận và phân phối khẩu trang cho Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện để đảm bảo phát cho tất cả học sinh trong ngày đầu tiên các em đến trường.
Từ 11/5, học sinh mầm non, tiểu học ở Hà Nội đến trường trở lại Chiều 29/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 thành phố, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung ra quyết định lịch đi ... |
40 trường đại học cho sinh viên đi học trở lại từ tháng 5 Sau thời gian tạm nghỉ vì dịch COVID-19, nhiều trường đại học, học viện trên cả nước đã có thông báo mới nhất về thời ... |
Sau nghỉ dịch COVID-19, nhiều tỉnh thành cho học sinh trở lại trường từ 27/4 Nhiều địa phương quyết định cho học sinh trở lại trường từ ngày 27/4 sau đợt nghỉ vì dịch Covid-19. |