Thanh long đao – huyền thoại và sự thật
Theo tương truyền thì phải cần đến 3 người lính mới đủ sức mang thanh đại đao này. Tuy nhiên, Quan Vũ, với sức vóc hơn người, có thể sử dụng thành thạo Thanh Long Đao chỉ với 1 tay và biến nó thành một vũ khí cực kỳ lợi hại trên chiến trường.
Hình tượng Quan Vũ luôn đi cùng với thanh long đao
Và cũng vì Quan Vũ được xem là người đã khai sinh ra binh khí này, loại đại đao tương tự như Thanh long đao sau này được gọi là Quan đao. Đây là loại binh khí hạng nặng, gồm một lưỡi đao cong được gắn vào đầu một thanh gỗ hay kim loại dài khoảng từ 1,5 – 1,8m.
Đuôi của phần cán dài này có một đối trọng nặng bằng kim loại để giúp cân bằng với phần đao, và đồng thời có thể được dùng để tấn công đối phương. Nhưng thanh long đao có thực sự tồn tại trong lịch sử?
Trên thực tế, loại vũ khí này không hề tồn tại vào thời kỳ Tam quốc, tức thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, mà chỉ bắt đầu xuất hiện vào đời Tống.
Hình ảnh Quan Vũ và thanh long đao cũng chỉ được đề cập đến và trở nên nổi tiếng trong "Tam quốc diễn nghĩa", một tác phẩm thiên về tính văn học hơn là sự thật lịch sử. Nói cách khác, loại vũ khí được gọi là "quan đao" này có thực sự tồn tại, nhưng không phải ở thời của Quan Vũ, và "thanh long đao" chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Một bức tranh cổ với Quan Vũ và thanh long đao
Câu hỏi được đặt ra là tại sao hình ảnh Quan Vũ lại được gắn với loại vũ khí này? Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là do trong nhiều truyền thuyết và câu chuyện dân gian thì quan đao được xem là vũ khí có phép thần thông, có thể đánh đuổi ma quỷ.
Trong khi đó, bản thân Quan Vũ cũng đã được dân gian Trung Quốc phong thánh. Vì vậy, quan đao là loại vũ khí thích hợp cho hình ảnh thần thánh của Quan Vũ.
Một nguyên nhân khác, quan trọng hơn, nằm ở thời điểm "Tam quốc diễn nghĩa" ra đời, vào triều đại nhà Minh. Quan đao khi đó đã trở nên rất phổ biến và mang tính biểu tượng cao.
Mặc dù vai trò của nó trong thực chiến là rất hạn chế nhưng loại binh khí này lại được sử dụng nhiều trong việc huấn luyện thể lực và sự dẻo dai cho các võ quan. Trong vai trò này, quan đao được chế tạo với nhiều mức trọng lượng khác nhau, cái nặng nhất có trọng lượng trên 80 kg.
Một thanh quan đao được trưng bày trong thực tế
Như vậy, vào thời điểm La Quán Trung viết "Tam quốc diễn nghĩa", quan đao là loại binh khí tượng trưng cho sức mạnh của các võ quan. Có lẽ đây là lí do vì sao tác giả này đã gán loại binh khí mang nhiều tính biểu tượng này cho Quan Vũ.
Nhật Huy