Thăm lại những con "chiến mã" thân thương và mái nhà chung ấm áp - Lữ đoàn xe tăng 203
Có một nơi mà mỗi người lính đều mong muốn được về thăm ít nhất một lần trong đời- đó chính là đơn vị cũ của họ. Nơi đó, họ đã sống những tháng năm tươi đẹp nhất của đời mình. Nơi đó đã rèn giũa họ, tôi luyện họ trưởng thành, nên người.
Nơi đó họ có thêm biết bao người anh em tuy không cùng một mẹ sinh ra nhưng yêu quý nhau còn hơn ruột thịt. Và đó cũng là nơi lưu giữ những truyền thống vẻ vang mà chính họ đã bằng tất cả sức lực và trí tuệ, thậm chí cả máu của mình góp phần dựng xây lên...
Chính vì vậy, khi nghe tin cuộc Gặp mặt truyền thống năm 2017 được tổ chức tại chính đơn vị cũ, nhiều cựu chiến binh (CCB) của Lữ đoàn xe tăng 203 đã mừng đến phát khóc lên.
Không mừng sao được khi đã rời quân ngũ mấy chục năm rồi, nay lại được về chứng kiến sự trưởng thành của các thế hệ con cháu và nhất là được thăm lại những con "chiến mã" đã từng cùng mình tung hoành khắc các chiến trường ngày xưa. Chỉ nghĩ đến là đã thấy hạnh phúc rồi.
Và ngày 18.6 vừa qua, gần 200 CCB của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ khắp các miền quê đã hội tụ về đơn vị của mình. Cuộc hàn huyên giữa những người đồng đội mà trong đó có những người hơn 40 năm nay mới được gặp lại nhau tưởng như bất tận. Có cả nước mắt, nụ cười và nỗi nhớ thương khôn xiết về những người đồng đội đã không thể về dự gặp mặt hôm nay.
Cựu chiến binh của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ khắp các miền quê đã hội tụ về đơn vị. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt
Nơi trân trọng từng mảnh nhỏ của quá khứ
Lữ đoàn xe tăng 203 được thành lập ngày 22 tháng 6 năm 1965. Là đơn vị xe tăng thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam song lại là đơn vị đầu tiên đưa xe tăng vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Vết xích của lữ đoàn đã trải khắp dọc dài đất nước và cả bán đảo Đông Dương.
Từ Tà Mây- Làng Vây đến Quảng Trị, Đông Hà. Từ Huế - Đà Nẵng qua khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung đến dinh Độc Lập giữa Sài Gòn hoa lệ. Từ biên giới Tây Nam mênh mông bát ngát những cánh đồng đến biên cương phía Bắc trập chùng đồi núi...
Những chiến công oanh liệt, những trận thắng vẻ vang đã làm nên tên tuổi một lữ đoàn "Thần tốc, táo bạo, đã ra quân là đánh thắng" hết sức gần gũi thân thương với đồng bào cả nước.
Song để viết lên truyền thống đó cũng chẳng dễ dàng chút nào! Dọc đường chiến đấu của lữ đoàn đã có 384 cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, hàng trăm người còn mang thương tật trong mình cùng những câu chuyện chiến đấu đầy bi tráng như huyền thoại.
Thấu hiểu điều đó, thế hệ cán bộ chiến sĩ hiện tại của lữ đoàn đã hết sức trân trọng, ghi nhớ đến từng mảnh nhỏ của quá khứ. Ngay từ khi về nơi đóng quân ổn định bây giờ, cùng với việc xây dựng doanh trại và khu kỹ thuật ngày một cơ bản, khang trang các anh đã có ý tưởng quy hoạch xây dựng những công trình nhằm tôn vinh truyền thống vẻ vang của đơn vị.
Xe tăng số hiệu 380 do chính Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt lái đang tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/04/1975. Ảnh tư liệu.
Công trình đầu tiên được các anh chăm chút rất kỹ càng là Phòng truyền thống của đơn vị. Ở đó tập hợp rất nhiều hiện vật minh chứng cho quá trình xây dựng và chiến đấu của đơn vị mấy chục năm qua.
Từ những kỷ vật của các liệt sĩ đến những lá cờ trận mạc nhuốm màu khói súng, từ những vật dụng thông thường của những người lính đến những phần thưởng của Nhà nước v.v... đều có mặt tại đây.
Đặc biệt, tại vị trí trang trọng nhất ở đây là ban thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các liệt sĩ của lữ đoàn. Tên tuổi, quê quán và ngày hy sinh của các liệt sĩ được khắc trên tấm bia đá khổ lớn như là lời nhắc nhở các thế hệ sau này về những hy sinh vô bờ bến của các thế hệ đi trước.
Vào những ngày lễ tết hoặc những dịp kỷ niệm, Ban chỉ huy và cán bộ chiến sĩ toàn lữ đoàn lại về đây làm lễ dâng hương, kính cáo với Bác và hương hồn các liệt sĩ những gì mình đã làm được.
Và nghi lễ đầu tiên của cuộc gặp mặt truyền thống CCB năm 2017 cũng được bắt đầu tại đây với Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đứng trước ban thờ liệt sĩ khói hương nghi ngút, mắt nhiều CCB ầng ậng nước. Trên tấm bia đó là tên tuổi những đồng đội, những thằng "Quê" của họ chứ ai!
Đảm bảo kỹ thuật ở Lữ đoàn xe tăng 203. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Gặp lại những con chiến mã trung thành - dẫu tuổi đã cao vẫn vững vàng
Một trong những lý do làm cho các CCB càng thêm háo hức về thăm "mái nhà xưa" là về đây họ sẽ được thăm lại những con "chiến mã" trung thành - những chiếc xe tăng đã từng gắn bó với họ tung hoành trên các chiến trường mấy chục năm về trước.
Mấy thập kỷ đã trôi qua từ khi họ rời đơn vị, Lữ đoàn đã được bổ sung nhiều trang bị mới hiện đại hơn. Nhưng bên cạnh số trang bị mới đó, những con chiến mã trung thành của họ- dẫu tuổi đã cao- song với sự chăm chút của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sau này giờ đây vẫn đang vững vàng trong đội ngũ, sẵn sàng lên đường đến bất cứ nơi nào khi Tổ Quốc cần.
Sau khi tham quan sơ bộ một vòng toàn bộ khu kỹ thuật, đoàn xe dừng lại cạnh khu xe sẵn sàng chiến đấu. Cửa xe vừa mở, nhiều CCB đã lao xuống chạy như bay về phía lán xe. Họ như trẻ lại hàng chục tuổi.
Rất nhiều người trong số họ đã tìm lại được con chiến mã thân thương của mình. Họ săm soi những dấu vết mà đạn bom quân địch đã ghi lại trên thân thể chúng. Họ trầm trồ ngạc nhiên về sự "cải lão hoàn đồng" của chúng...
Nhưng cũng có những người bần thần, buồn bã bởi không thể gặp lại chiến mã của mình. Có thể nó đã được điều chuyển đi đơn vị khác hoặc cũng có thể nó đã nằm lại ở một nơi nào đó sau khi rời bàn tay chăm bẵm của họ.
Nhưng rồi cuộc vui nào rồi cũng đến lúc kết thúc. Ban chỉ huy lữ đoàn cùng các cán bộ chiến sĩ trong lữ đoàn mời các CCB cùng ăn một "bữa cơm lính" để mãi nhớ về những ngày xưa và tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các thế hệ. Toàn thứ cây nhà lá vườn của nhà làm được song bữa cơm lính hôm nay cũng tươm tất, thịnh soạn như một bữa cỗ của họ ngày xưa.
Vào tiệc, các CCB và những người lính của lữ đoàn hôm nay cùng nhau hát bài "binh chủng ca - Năm anh em trên một chiếc xe tăng". Dư âm của bài hát còn vang mãi như sự gửi gắm lòng tin của những người lính già vào thế hệ trẻ đang tiếp bước mình viết tiếp bài ca truyền thống của lữ đoàn.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt