Thái Nguyên: Năm 2023 là năm “bản lề” để phát triển kinh tế - xã hội
Phát huy những tiềm năng thế mạnh của Thái Nguyên… |
Một là, tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng và có kết quả cụ thể. Nhất là nội dung Kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Tạo bước phát triển mới về trí tuệ, bản lĩnh chính trị, thực sự là đạo đức, là văn minh, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tin tưởng.
Hai là, các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với các giải pháp, cơ chế mang tính đột phá, khả thi, chú trọng việc tạo ra các động lực tăng trưởng mới phù hợp với các đặc điểm, xu thế và điều kiện phát triển trong tình hình mới; Tập trung huy động mọi nguồn lực, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023; Tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu của cả giai đoạn 2021-2025.
Bà Nguyễn Thanh Hải, Bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên. |
Năm 2023, là năm đầu tiên tỉnh Thái Nguyên thực hiện điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ điều tiết là 4%. Do vậy, cần tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách Nhà nước, phấn đấu tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên. Thực hiện tốt công tác chống thất thu ngân sách, xử lý quyết liệt tình trạng nợ đọng thuế, các hành vi trốn thuế; phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách năm 2023.
Ba là, tiếp tục cải thiện mạnh môi trường đầu tư và kinh doanh để thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các thành phần kinh tế cho phát triển những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI). Đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có sức lan toả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh và của vùng trung du miền núi Bắc Bộ.
Ông Nguyễn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên. |
Bốn là, tiếp tục cơ cấu các ngành, lĩnh vực theo hướng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm trà.
Về công nghiệp: Tập trung phát triển theo chiều sâu, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu trong ngành công nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao. Phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung (Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, Khu công nghiệp Tây Phổ Yên, Khu công nghiệp Phú Bình,...), gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống đô thị hiện đại. Chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, xây dựng các thiết chế văn hóa ở khu vực tập trung đông dân cư, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Về nông nghiệp: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường. Đẩy mạnh việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu nông sản, tạo thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng của từng vùng miền trong tỉnh.
Năm 2023, Thái Nguyên phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. |
Về thương mại, dịch vụ: Phát triển nhanh, đa dạng, chất lượng và bền vững các loại hình dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao, tương xứng với lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch để mở rộng các loại hình dịch vụ và thị trường tiêu thụ hàng hoá. Tăng cường xã hội hoá đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ nhất là dịch vụ du lịch kết hợp với du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, về nguồn (ATK Định Hóa).
Năm là, thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; Phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội...
Tin tưởng rằng, với sự đoàn kết của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, doanh nhân và Nhân dân, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, chung sức, đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, phấn đấu hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong thời gian tiếp theo.