Thái Lan: Cơn ác mộng 31,801 con trăn, rắn chui lên từ bồn cầu ám ảnh người dân
Vào một ngày tháng Bảy, khi đang sử dụng phòng vệ sinh tại nhà riêng thì cô Panarat Chaiyaboon bỗng cảm thấy nhói đau ở phần đùi: "Tôi sẽ ngất nếu gặp cảnh tượng ấy thêm một lần nữa.
Bạn có tin không, một con trăn dài gần 2,5m đã bò lên từ bên dưới bồn cầu và cắn tôi đấy! Tám vết răng sâu hơn 1cm mà nó gây nên trên da thịt khiến tôi phải nhập viện cấp cứu vì mất máu quá nhiều".
Cô Panarat Chaiyaboon bị một con trăn dài gần 2,5m cắn vào đùi.
Dẫu con trăn đáng sợ đã bị lực lượng cứu hộ bắt giữ ngay thời điểm cô Panarat được đưa tới bệnh viện, song chưa đầy một tuần sau thì con gái 15 tuổi của nạn nhân lại phát hiện một loài vật tương tự đang chui lên từ chính chiếc bồn cầu hôm trước.
Cô này cho biết: "Gia đình tôi cảm thấy rất hoang mang và quyết định chuyển tới nhà họ hàng sống tạm. Tôi không muốn chứng kiến thêm sự việc tương tự, như thế là đủ lắm rồi đấy!".
31,801 trường hợp bị bò sát "xâm lược"
Toàn bộ thủ đô Bangkok đều phát triển trên vùng đồng bằng châu thổ sông Chao Phraya, nơi từng là thiên đường của những loài bò sát nguy hiểm. Thậm chí, khu Sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan cũng được xây dựng trên đầm lầy Nong Ngu Hao, hay Đầm Hổ mang.
Đại diện Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ địa phương cho biết: "Chúng tôi luôn bận rộn với công việc bắt rắn ‘đi lạc’ vào nhà dân. Họ luôn gọi điện tới đường dây nóng với tâm trạng hoảng loạn và như muốn ngất xỉu ngay lúc đó, đôi khi còn quên đọc cả địa chỉ vì quá sợ hãi".
Đa phần những con vật gớm ghiếc đều sẽ bị đem tới trung tâm bảo vệ động vật hoang dã, chờ thời điểm trả về với tự nhiên.
Tính tới ngày 27/11 vừa qua, Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ thủ đô Bangkok đã nhận được 31.801 cuộc gọi cầu cứu có liên quan tới vấn đề "bò sát xâm lược" – cao gấp ba lần con số 10.492 được ghi lại vào năm 2012.
Đơn vị này nhấn mạnh: "Có những ngày, chúng tôi phải tiếp nhận 173 cuộc gọi nhờ loại bỏ rắn độc từ người dân, trong khi cũng chỉ có khoảng năm vụ hỏa hoạn xảy ra mỗi ngày thôi đấy.
Con số trên vẫn chưa bao gồm hàng ngàn trường hợp do họ trực tiếp xử lý, hoặc bị các lực lượng cứu hộ giải quyết ngay tại chỗ".
Lượng rắn xâm nhập vào nhà dân tăng cao
Phó giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ thủ đô Bangkok ông Prayul Krongyos cho biết những con số mà họ vừa cung cấp thực sự không đáng ngại như mọi người vẫn nghĩ.
"Năm nay, do điều kiện thời tiết có phần ẩm ướt hơn bình thường, mưa nặng hạt lại kéo dài nên một lượng lớn bò sát sống ngoài tự nhiên buộc phải tìm một nơi trú ẩn thích hợp ở trong nhà dân.
Nhiều đợt triều cường còn khiến vài con phố thuộc thủ đô Bangkok trở thành ‘đường cao tốc của loài rắn’. Chính vì nước ngập sâu nên chúng mới rời khỏi hang ổ và bò tới địa hình cao hơn để lánh nạn.
Ngoài ra, khi mà thành phố có hơn 8 triệu người sinh sống vẫn còn đang phát triển ra khu vực đất hoang thì lượng rắn xâm nhập vào các hộ gia đình cũng ngày càng gia tăng đáng kể", ông Prayul nói.
Phó giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ thủ đô Bangkok ông Prayul Krongyos.
Phần lớn những cuộc gọi cầu cứu liên quan tới bò sát đều bắt nguồn từ nhu cầu sinh hoạt của người dân ở khu vực ven đô, nơi mà các dự án phát triển bất động sản đã và đang phá hủy môi trường sống tự nhiên mà chúng yêu thích.
Ông Prayul khẳng định việc xây dựng nhà cửa trên vùng lãnh thổ ấy sẽ khiến loài rắn phải chuyển tới làm tổ trong một vài căn hộ rộng rãi hơn. Bởi trên thực tế, chúng đâu còn nơi khác để đi.
"Đột kích" từ bên dưới bồn cầu
Không phải ai cũng chấp nhận lời giải thích hết sức hợp lý của ông Prayu và thông cảm cho tình cảnh của loài rắn, nhất là khi chúng đang sở hữu thói quen "đột kích" người dân từ bên dưới bồn cầu.
"Lũ rắn xuất hiện ở khắp mọi nơi! Đáng ra chúng không được lẻn vào bên trong nhà riêng, sau đó tấn công vợ tôi như vậy chứ", anh Kanok Praditkranok, chồng của cô Panarat thốt lên.
Những con rắn thường "đột kích" người dân từ bên dưới bồn cầu.
Theo thống kê, hiện Thái Lan đang sở hữu tới hơn 200 loài rắn khác nhau, bao gồm khoảng hơn 30 loài rắn độc. Điều đó có nghĩa là phần lớn những con bò sát này đều không hề gây nên mối nguy hại quá lớn cho sức khỏe con người.
"Những câu chuyện về việc rắn bò vào nhà dân thường nghe rất đáng sợ, song nếu bạn không chủ động gây hấn thì chúng cũng sẽ không tấn công trước đâu. Hãy tin tôi đi!", ông Prayul khẳng định.
Đa phần cư dân ở xứ sở Chùa Vàng đều cảm thấy sợ hãi loài rắn.
Rắn là loài động vật bị hiểu lầm nhiều nhất trên thế giới. Tại thủ đô Bangkok, chúng đã giúp con người loại bỏ lũ chuột và động vật gặm nhấm gây hại khi mà những túi rác luôn bị vứt thành đống bên vệ đường.
Tuy nhiên, đa phần cư dân ở xứ sở Chùa Vàng đều cảm thấy sợ hãi loài rắn, thậm chí còn ra tay giết hại theo cách thức tàn nhẫn mà không hề quan tâm tới việc nó có mang nọc độc hay không.
Kênh trợ giúp "Snake at Home"
Nhằm giúp những loài bò sát vô hại không bị con người tấn công một cách vô lý, chuyên gia sinh học ông Nonn Panitvong đã hỗ trợ thành lập kênh nhắn tin "Snake at Home" (Rắn trong nhà) trên ứng dụng di động Line.
Nếu gặp phải một con rắn trong nhà, người dân có thể gửi hình ảnh của nó lên nhóm này để nhận sự tư vấn chính xác từ các chuyên gia.
"Nếu chúng tôi tư vấn cho họ kịp thời thì nhiều sinh mạng sẽ nhận thêm cơ hội sống sót, bao gồm cả loài rắn lẫn con người", ông Nonn chia sẻ.
Những con rắn luôn là nỗi khiếp sợ của cư dân tại thủ đô Bangkok, Thái Lan.
Mặc dù mới ra đời vào đầu năm nay, song kênh nhắn tin "Snake at Home" đã thu hút tới 29.000 người đăng ký theo dõi và tiếp nhận trung bình gần 30 yêu cầu trợ giúp trực tuyến mỗi ngày.
Trong đó, có tới hơn một nửa lượt yêu cầu đến từ các bác sĩ. Họ muốn nhờ xác định liệu loài rắn vừa cắn bệnh nhân của mình có mang nọc độc hay không, hoặc xin sự tư vấn về loại thuốc giải độc phù hợp trong tình huống xấu nhất.
Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ thủ đô Bangkok đã nhận được 31.801 cuộc gọi cầu cứu có liên quan tới vấn đề "bò sát xâm lược" trong năm nay.
Nhờ những nỗ lực trên mà vào tháng 08/2017 vừa qua, vị chuyên gia này đã trở thành người Thái Lan đầu tiên nhận giải thưởng "Người hùng Đa dạng sinh học ASEAN" nhằm vinh danh các cá nhân có đóng góp to lớn trong công tác bảo tồn thiên nhiên tại khu vực Đông Nam Á.
Ông Nonn nhận xét: "Ở Thái Lan, nhiều khu vực dân cư vẫn tiếp tục phát triển trên vùng đất tự nhiên chưa từng được khai phá, vì thế mà lượng rắn xâm nhập vào nhà dân sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới".
"Thà góa chồng còn hơn phải gặp rắn"
Sau lần thứ hai gặp phải trăn chui lên từ bồn cầu, gia đình cô Panarat đã thuê người tới xem xét và vô cùng bất ngờ khi phát hiện bên dưới nền đất tại căn nhà của họ có dấu hiệu sụt lún, tạo thành vết nứt đủ lớn trên đường ống thoát nước khiến cho những con rắn đủ điều kiện chui vào.
"Gia đình tôi lập tức sửa chữa nên không hề gặp thêm bất kỳ rắc rối nào nữa. Thực sự quá may mắn", cô Panarat nói.
Cô Panarat thà góa chồng còn hơn phải chứng kiến loài vật đáng sợ này.
Do văn hóa Thái Lan cho rằng việc gặp phải một chú bò sát thường được coi là điểm lành nên ngay sau khi chia sẻ câu chuyện của mình lên trang Facebook cá nhân, cô Panarat lập tức nhận về hàng chục lượt tin nhắn từ những người lạ mặt.
Đa phần họ đều muốn tới nhà cô này trước khi mua vé số nhằm mục đích cầu xin sự may mắn cho mình.
"Bạn biết không, dù bà thím của tôi từng nói rằng nếu gặp một con rắn thì bạn sẽ tìm thấy người bạn đời lý tưởng. Nhưng tôi thà góa chồng còn hơn là phải nhìn thấy loài vật đáng sợ ấy", cô Panarat hài hước kể.
HƯƠNG CHERRY