“Tha hết cán bộ làm trái thì có tội với dân”
Khi chữ “thay” được sử dụng thay cho chữ “bỏ” với tội 165 Bộ luật Hình sự hiện hành về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng thì đại biểu Thuyền đã tỏ ý đồng tình hơn.
Đại biểu Thuyền cho rằng cần phải cân nhắc rất kỹ, bởi dân có nói là, phi hình sự hóa tội cố ý làm trái có phải để “giải cứu” cho cán bộ mắc tội này ra tù không?
Đại biểu Thuyền cũng cho rằng việc dự thảo luật thêm từ “đòi” tại điều 353 quy định về tội nhận hối lộ là tiếp tay cho nạn tham nhũng.
Cụ thể, khoản 1 điều 353 quy định: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Ông Thuyền phân tích, trước đây ta quy định người nào nhận tiền trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận dưới bất kỳ hình thức nào là phạm tội tham nhũng. Nhưng bây giờ ghi thêm từ “đòi” là tiếp tay cho tham nhũng, cho hối lộ.
“Không ai chứng minh được chuyện “đòi” hối lộ cả. Bởi vì thực tế người ta gây khó khăn cho anh là đương nhiên anh phải đưa” , ông Thuyền lập luận.
“Phải bỏ ngay, nếu không thì rất gay”, ông Thuyền nhấn mạnh.
Nếu có chữ “đòi”, thì theo ông nhân dân cũng không đồng tình. “Tôi đã chứng kiến một bộ trưởng trả lời trên truyền hình là cán bộ của tôi không có đồng chí nào đòi tiền hối lộ cả, toàn dân tự đưa thôi”, ông Thuyền phát biểu.
Cũng liên quan đến điều 165, bày tỏ sự đồng tình song một số vị đại biểu đề nghị cần rà soát thật kỹ để không bỏ sót tội phạm.
Còn theo đại biểu Vũ Xuân Trường (Nam Định) thì không thể thay thế tội cố ý làm trái bằng 9 tội khác được, bởi thực tế đã đang truy tố xét xử rất nhiều người tội danh này và công chúng rất quan tâm. Nếu thay điều 165 thì mặc nhiên những người đang thi hành án sẽ được đình chỉ tha tù thậm chí còn được xét bồi thường này khác.
Ông Trường cho biết là ông rất lo lắng hậu quả lớn về nhiều mặt thậm chí uy tín của Quốc hội cũng bị ảnh hưởng, nếu bỏ điều 165.
Và giải pháp được ông đề xuất là giữ điều 165, nhưng thay cụm từ “trái quy định của Nhà nước” bằng “trái pháp luật của Nhà nước”.
Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khi tham gia thảo luận sửa Bộ luật Hình sự đã đề nghị bỏ tội “cố ý làm trái”.
Quan điểm của ông là những sai phạm kinh tế phải được xử lý bằng các biện pháp kinh tế, để thu hồi khoản tiền bị chiếm đoạt phi pháp. Thậm chí có thể phạt nặng hơn rất nhiều những cái mà họ đã chiếm, để ngăn chặn tái diễn trong tương lai. Còn biện pháp hình sự chưa chắc đã đảm bảo được mục tiêu đó.
Sáng nay, ông Vinh cũng có mặt tại nghị trường, đăm chiêu nghiên cứu tài liệu và không đăng ký phát biểu.
Ông cũng từ chối trả lời câu hỏi của báo chí về nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thay tội danh cố ý làm trái bằng 9 tội danh mới ở dự thảo bộ luật mới nhất.
Theo VnEconomy