TerraCycle - Startup có khả năng tái sinh những vật liệu khó tái chế
Con người đang vùi lấp Trái Đất trong rác thải. Mỗi năm, chúng ta thải ra 2,1 tỷ tấn rác vào hệ sinh thái. 8 triệu tấn trong số đó trôi ra đại dương. Bất chấp các số liệu lạc quan, quá trình thay đổi đang diễn ra rất chậm. Chúng ta đang tiêu thụ nhiều hơn bao giờ hết, nhưng lại chưa phát minh ra được các cách thức để xử lý lượng rác thải này.
Tuy nhiên, một số công ty đang biến chúng thành đồ dùng có thể tái sử dụng được. TerraCycle là một trong những công ty như vậy và được coi là “một công ty hàng đầu về tái chế các chất thải thường khó tái chế.”
Mô hình của TerraCycle rất đơn giản. Mọi thứ đều có thể tái chế được, vấn đề duy nhất là thu thập và phân chia. Công ty giải quyết vấn đề này bằng cách nhờ người tiêu dùng thực hiện 2 công đoạn khó khăn này. Khách hàng phân loại và bỏ rác thải tại các điểm thu gom cố định, từ các trường học đến các hộ gia đình, hoặc tự vận chuyển rác thải miễn phí.
Đối với mỗi kg rác thải nhận được, một khoản phí nhỏ sẽ được gửi tới một tổ chức phi chính phủ theo lựa chọn của người “quyên góp” rác thải. Quá trình này được chi trả thông qua quan hệ đối tác với các thương hiệu bao gồm Febreze, Colgate và Bic. Ngược lại, những đối tác này xây dựng được hình ảnh tích cực và giảm các hình phạt tài chính đối với các chất thải công nghiệp mà các công ty này thải ra môi trường.
Nhờ TerraCycle, những mẩu vải denim đã được chuyển thành những chiếc túi đựng thư; những đôi găng tay phẫu thuật được tái chế thành ghế trong công viên; các máy fax và máy tính cũ được tái sinh làm chậu cây; những hộp đựng bút chì được làm từ các gói cà phê Kenco… Tàn thuốc lá được thu thập, làm sạch và cắt nhỏ trước khi được hóa thân thành các tấm ván hoặc máy tạo khuôn.
TerraCycle cũng có một số dự án được nhiều người biết đến. Vào tháng 6 năm ngoái, một phòng tập ngoài trời được làm từ 2500 can aerosol tái chế đã ra mắt tại khu vực diễn ra thế vận hội Olympic London 2012. Vào tháng 3/2017, TerraCycle đã hợp tác với công ty hóa học hàng đầu Henkel để xây dựng một sân chơi từ các chai sữa tắm tại Áo.
Tom Szaky, CEO của TerraCycle
TerraCycle là sản phẩm trí tuệ của Tom Szaky, một doanh nhân Canada đã tự đặt cho mình nhiệm vụ “loại bỏ ý tưởng về rác thải”. Tất cả bắt đầu từ năm 2001 tại Princeton, Szaky ở cùng với những người bạn sở hữu một trang trại giun. Ấn tượng bởi “năng lực siêu nhiên” biến thực phẩm bỏ đi thành phân bón của những “nhà tái chế tự nhiên” này, anh đã bỏ đại học để tập trung vào rác thải.
Trong vòng một vài năm đầu, anh đã bán rau quả hữu cơ được đóng gói trong các lon soda tái sử dụng ở Walmart và Home Depot. Một thời gian ngắn sau đó, TerraCycle làm túi tote từ chai lọ tái chế, bắt đầu một luồng kinh doanh mới.
Szaky giải thích: “Rác thải không phải là một ý tưởng tự nhiên. Nó không tồn tại trong tự nhiên ở bất kỳ mức độ nào. Nó tồn tại vì hai điều. Điều đầu tiên là tiêu thụ, đó là khi chúng ta mua nhiều hàng hóa hơn mức cần thiết, và chúng ta mua những thứ mà chúng ta không giữ. Thứ hai là các vật liệu phức tạp. Rất ít thứ chúng ta chạm trong cuộc sống được làm từ những vật liệu mà tự nhiên biết phải giải quyết như thế nào. Do đó, khi bạn kết hợp hai điều đó lại với nhau, bạn có một khái niệm rất hiện đại về rác thải.”
Szaky cũng chia sẻ thêm rằng các giới hạn trong tái chế như chúng ta tái chế lon nhưng không tái chế nắp chai là hoàn toàn do hiệu quả chi phí. Phần nhôm trong lon có giá trị lớn hơn chi phí thu thập và làm tan chảy nó. Tuy nhiên, theo lý thuyết, thì mọi vật liệu đều có thể và nên được tái sử dụng. Trong các văn phòng của TerraCycle trên toàn thế giới, mọi bàn ghế và giá treo tường – mọi đồ vật trừ máy tính – đều được làm từ vật liệu tái chế.
Văn phòng của TerraCycle
TerraCycle đã khởi động một phong trào. Các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi đang khám phá ý tưởng đưa các vật liệu khó tái chế quay trở lại với nền kinh tế tuần hoàn.
Nike đóng gói sản phẩm của mình bằng các hộp sữa tái chế. Trong khi đó, đôi giày thể thao Parley của Adidas sử dụng sợi có nguồn gốc từ nhựa bị thải ra đại dương. Công ty thiết kế Pentatonic ở Berlin, hoạt động dưới một phương châm tuyệt vời “tương lai là rác thải”, đã hợp tác với Starbucks để làm lại những chiếc ghế “bean” nổi tiếng của chuỗi cửa hàng này từ các chai nhựa và cốc cà phê.
K Nguyễn