Tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria: Né S-400 và S-300 Nga thật xa
LTS: Đã hơn nửa năm trôi qua, kể từ khi Quân đội Mỹ bất ngờ tiến công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Al-Shayrat, với cớ Quân đội Sirya sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.
Tuy nhiên nhiều bí ẩn về vụ tiến công được tất cả các bên "im lặng". Tình tiết vụ tiến công được đưa tin tới tấp; khi độ nóng tin tức đã tan dần, nhưng nhiều nghi vấn về cuộc tiến công lần này vẫn chưa được làm rõ.
Xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của tác giả Trịnh Ngọc Tiến phân tích từ góc độ kỹ thuật giúp bạn đọc tìm hiểu thêm bản chất sự việc.
----
KỲ 1: TÊN LỬA TOMAHAWK ĐÃ BAY THEO HƯỚNG NÀO?
Sáng sớm ngày 7/4/2017, ngay sau cuộc tiến công bằng tên lửa của Mỹ vào căn cứ không quân Al-Shayrat; hãng tin Mỹ - CNN căn cứ vào kênh thông tin của Lầu Năm Góc, chế tác ra hình ảnh 3D về đường bay của tên lửa Tomahawk:
"Hai chiếc tàu khu trục của Quân đội Mỹ tại vùng biển phía Nam đảo Crete, trong vòng 14 phút lần lượt phóng 60 quả tên lửa Tomahawk (1 quả giữa chặng bay gặp sự cố mất liên lạc), khi tên lửa bay đến độ cao 250 đến 300 mét, động cơ trợ đẩy thuốc phóng thể rắn tách ra, bắt đầu bay chế độ hành trình cách mặt biển từ 30 đến 50 mét.
Khi bay đến bờ biển Syria, tên lửa bay xuyên qua khe núi Triparia – Homs ở giữa Tartus và Latakia, tiến vào vùng trời tỉnh Homs, sau đó thay đổi hướng bay, đến thẳng căn cứ không quân Shayrat".
Đồ họa đường bay của tên lửa Tomahawk trong cuộc tiến công vào căn cứ không quân Al-Shayrat - Sirya ngày 7/4/2017.
Điều đặc biệt đáng nói là quân cảng Tartus của Nga cách khe núi Triparia – Homs không đến 20 km, radar tên lửa phòng không S-300V4 bố trí gần quân cảng có thể trinh sát được tên lửa bí mật tiến công.
Khi hình ảnh 3D về đường bay của tên lửa Tomahawk được công bố, báo chí phương Tây tới tấp bình luận; vì sao tên lửa Tomahawk cách hệ thống phòng không của Nga gần như vậy mà Quân đội Nga và Syria lại không có phản ứng gì?
Hầu hết báo chí đều đưa ra đáp án là: Không phải hiệu quả hệ thống phòng không của Nga không tốt, cũng không phải là không phát hiện được, mà là họ đã phát hiện được tên lửa, nhưng không nhận được lệnh đánh chặn. Đồng thời, trên mạng internet xuất hiện tin một số mảnh vỡ tên lửa bị nghi là rơi xuống một làng gần cảng Tartus.
Tàu khu trục Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tập kích căn cứ không quân của Syria.
Nếu như xem lại kỹ hình ảnh chế tác của CNN, sẽ không khó để thấy trong đó tồn tại nhiều điểm nghi vấn.
Trước hết, Latakia và Tartus là hai tỉnh dân cư đông đúc nhất hiện nay của Syria, giữa thành phố và các thôn làng cách nhau không xa, khi tên lửa hành trình bay thấp sẽ phát ra tiếng gầm rít chói tai.
Giả sử khi đó trên bầu trời các thôn làng và thành phố của Syria có 60 quả tên lửa liên tiếp bay qua, nhưng tại sao không phải ban đêm, mà ngay cả ban ngày cũng không có ai phát hiện thấy, trên mạng từ đó đến nay chưa hề thấy có clip hoặc ảnh chụp tên lửa hành trình nào của cư dân tại hai địa điểm ấy; báo chí ở đó cũng không hề có tin tức gì.
Đây là điều khó được chấp nhận trong thời buổi công nghệ ghi hình được trang bị gần như đến từng người dân.
Hai là, khi phân tích thêm về mảnh vỡ rơi ở gần Tartus, rất khó xác định những mảnh vỡ đó là của tên lửa Tomahawk.
Nếu so sánh với các mảnh vỡ của Tomahawk rơi tản mát xuống căn cứ Shayrat, sẽ phát hiện, những mảnh vỡ rơi ở gần Tartus không có nhãn mác nhà sản xuất, cũng không có ký hiệu nhận biết kỹ thuật, bề mặt nhìn rất thô, hoàn toàn không giống sản phẩm công nghệ cao.
Điều này khiến người ta không khỏi liên tưởng đến lực lượng nhà nước Hồi giáo IS tự xưng thường hay sử dụng những linh kiện máy bay không rõ ký hiệu nhận biết hoặc linh kiện cơ khí chế tác thủ công để làm giả mạo mảnh vỡ tên lửa hành trình Club (Kalibr) của Nga.
Phân tích tổng thể, chúng ta có thể mạnh dạn đưa ra khả năng: Tên lửa Tomahawk không hề bay theo đường bay qua Tartus đến Latakia để thực hiện cuộc tiến công. Trên thực tế, quân đội Mỹ đã phải tính toán lựa chọn rất kỹ thời điểm tiến công và đường bay của tên lửa Tomahawk.
Trước hết, họ lựa chọn thời gian phát động cuộc công kích vào 20 giờ 40 phút ngày 6/4 theo giờ miền Đông nước Mỹ, khi đó là 2 giờ 40 phút sáng 7/4 theo giờ Syria.
Đó là thời điểm không những người ta đang mệt mỏi nhất, mà cũng là thời điểm dễ lơ là nhất trong sẵn sàng chiến đấu. Thứ hai, mặc dù quân đội chính phủ Syria thiếu giải pháp phòng không hiệu quả, nhưng hệ thống phòng không tiên tiến của Nga được triển khai tại Syria vẫn là mối lo ngại lớn của Mỹ.
Không ảnh căn cứ không quân Syria sau đòn tập kích bằng tên lửa Tomahawk của Mỹ.
Vì vậy, đường bay của tên lửa Tomahawk rất có thể lựa chọn đường bay thấp từ Địa Trung Hải bay vào vùng trời Li-băng, bay theo hướng Đông, sau đó bay theo hướng Nam giữa biên giới Jordan và Syria, sau lại chuyển hướng Bắc để công kích.
Với đường bay như vậy, có thể giúp Tomahawk tránh được khu vực phòng không của Quân đội Nga tại Syria và mạng lưới phòng không dày đặc của quân đội chính phủ Syria ở Damascus và khu vực xung quanh.
Trong quá trình bay, Tomahawk cách hệ thống phòng không S-400 và S-300V4 của Nga ít nhất 300 km, cách trận địa phòng không ở Damascus của Syria cũng khoảng 100 km, giảm thấp đáng kể xác suất bị phát hiện và đánh chặn.
Theo tin báo chí nhà nước Syria ngày 8/4, sân bay Shayrat bị tiến công về cơ bản là từ hướng Nam, đã gián tiếp làm chứng cho phán đoán về đường bay của Tomahawk.
Trên thực tế, theo Hiệp định tránh đụng độ trên bầu trời Syria được ký kết giữa Nga và Mỹ, Quân đội Mỹ đã thông thuộc bố trí lực lượng phòng không của Nga ở Syria như trong lòng bàn tay, nên họ không dễ lao vào chỗ nguy hiểm, khi vạch ra đường bay của tên lửa họ cũng né tránh khu vực phòng không dày đặc của Syria.
Tuy nhiên có thể vì lý do bí mật quân sự hoặc có thể là mục tiêu tiến công của quân đội Mỹ chỉ có tính chất cảnh báo cho chính phủ Sirya, nên đường bay của tên lửa vẫn còn chưa được công khai.
Nhưng với bất cứ lý do gì chăng nữa, một điều phải khẳng định công tác trinh sát, xác định phương án tấn công của Mỹ đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, nhất là về thời cơ tiến công cũng như tính toán đường bay của tên lửa, tạo được yếu tố bất ngờ, gây khó khăn cho việc phòng chống đánh trả của đối phương.
Tàu khu trục Mỹ bắn tên lửa hành trình Tomahawk tập kích Syria.
(Còn tiếp)
Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng