Tàu sân bay Ford 13 tỷ USD gặp vấn đề, Nga "cười nhẹ": Không bên nào sánh bằng người Mỹ!
Mặc dù được Hải quân Mỹ tiếp nhận vào cuối tháng trước nhưng USS Gerald R. Ford, tàu sân bay đắt đỏ nhất trong lịch sử Mỹ vẫn chưa sẵn sàng triển khai máy bay. Nguyên nhân phần lớn nằm ở hệ thống phóng công nghệ cao trên tàu.
Theo Bloomberg, hệ thống máy phóng trên tàu Ford không thể triển khai các tiêm kích hạm F/A-18 Super Hornet và máy bay tác chiến điện tử E/A-18 Growler khi chúng mang bình dầu phụ để thực hiện các nhiệm vụ tầm xa.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy Hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) đã gặp vấn đề về phần mềm, khiến các thùng dầu ở cánh máy bay bị rung lắc quá mức.
Bên cạnh đó, hệ thống EMALS đòi hỏi kíp vận hành lớn hơn và nếu một máy phóng của hệ thống gặp sự cố thì toàn bộ các máy phóng còn lại sẽ phải ngừng hoạt động, trong khi đây là điều không được phép xảy ra trong quá trình chiến đấu.
Hệ thống phóng điện từ nhẹ hơn nhiều so với hệ thống phóng hơi nước trên các tàu sân bay khác do tạo ít áp lực hơn lên máy bay trong quá trình đẩy nó cất cánh khỏi boong tàu. Hệ thống này cũng đòi hỏi chi phí duy trì ít hơn. Tuy nhiên, nó cũng có những hạn chế nhất định.
Ngoài trục trặc với hệ thống máy phóng, còn có một số lo ngại về hệ thống thang máy vận chuyển đạn dược lên boong tàu, năng lực của hệ thống radar trên tàu khi thực hiện nhiệm vụ kiểm soát không lưu... Theo Naval Technology, tất cả những vấn đề đó có thể khiến dự án tàu Ford tiếp tục bị chậm trễ.
Giải quyết bằng tiền
Ông Andrei Frolov, tổng biên tập tạp chí Arms Export, cho biết đó là các vấn đề thường xảy ra trong giai đoạn đầu phát triển của bất cứ dự án tàu hay máy bay thế hệ mới nào.
"Những chuyện như vậy thường xảy ra khi chế tạo một mẫu tàu chiến mới và phức tạp. Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp còn ngắn tới mức máy bay không thể cất và hạ cánh một cách tử tế.
Trong trường hợp tàu Gerald Ford, nếu các vấn đề (về hệ thống phóng và thu hồi máy bay) không liên quan tới kết cấu tổng thể của tàu thì trước sau gì người Mỹ cũng sẽ khắc phục chúng" - ông Frolov cho hay.
"Họ có thể giải quyết vấn đề nếu chịu chi thêm vài tỷ USD nữa. Họ có hàng tỷ USD cơ mà" - ông Frolov cười nói - "Người Mỹ là những người đi tiên phong trong lĩnh vực chế tạo tàu sân bay. Không bên nào có thể sánh bằng hoặc thậm chí là bám sát họ".
USS Gerald R. Ford, chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay thế hệ mới của Hải quân Mỹ, dự kiến được đưa vào trang bị trong năm 2014 nhưng trên thực tế, tới cuối tháng 5/2017, nó mới được đưa vào biên chế.
Với chi phí lên tới 13 tỷ USD, Gerald Ford là tàu hải quân đắt nhất trong lịch sử Mỹ từng được chế tạo. Theo kế hoạch, tàu John F. Kennedy, chiếc tiếp theo thuộc lớp Ford, sẽ hoàn thành vào năm 2020.
QS