Tập đoàn Monsanto bị kết tội phá hoại môi trường Việt Nam
Monsanto là một trong những nhà cung cấp chính thuốc trừ cỏ và chất độc da cam mà quân đội Mỹ từng sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam. Đây cũng là công ty chủ chốt từng bị các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam khởi kiện tại Mỹ (trong các năm 2004-2009) để đòi đền bù thiệt hại.
Theo bản kiến nghị tham vấn công bố ngày 18/4 tại The Hague (Hà Lan), phiên tòa quốc tế về Monsanto đã xem xét 6 vấn đề liên quan tới việc tập đoàn Mỹ kinh doanh các sản phẩm hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Đối với 4 vấn đề tôn trọng "các quyền của con người về một môi trường và lương thực lành mạnh, y tế và tự do nghiên cứu khoa học", tòa kết luận Monsanto đã vi phạm các quy định và xâm phạm các quyền cơ bản này.
Tòa tuyên bố: Monsanto đã làm ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe các các nông dân và những người khác khắp thế giới khi sản xuất và bán nhiều loại hóa chất nguy hiểm như thuốc diệt cỏ Roundup và các loại hạt giống biến đổi gen.
Biểu tình phản đối Monsanto ở gần trụ sở tập đoàn. (Ảnh: Reuters)
Vấn đề thứ 5 liên quan tới sự đồng lõa của Monsanto trong các tội ác chiến tranh trong cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Trong giai đoạn 1962-1973, hơn 75 triệu lít chất độc da cam (chứa dioxin) mà Monsanto là nhà cung cấp chính đã bị rải xuống gần 2,6 triệu ha đất tại Việt Nam.
Tòa cho rằng vì tình trạng luật quốc tế hiện tại và do không có bằng chứng cụ thể nên không thể đưa ra kết luận. Tuy nhiên, các thẩm phán nhấn mạnh rằng lượng chất độc da cam nói trên đã gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân Việt Nam cũng như binh sĩ Mỹ và các nước liên quan.
Về vấn đề thứ 6, tòa kết luận rằng Monsanto đã cung cấp phương tiện cho quân đội Mỹ với nhận thức đầy đủ rằng sản phẩm của họ sẽ được sử dụng tại chiến trường Việt Nam, cũng như các tác hại của chúng lên sức khỏe và môi trường. Căn cứ theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế, hoạt động của Monsanto tại Việt Nam có thể xem là hành động hủy hoại môi trường.
Nếu tội sử dụng "thuốc hủy hoại hệ sinh thái" được thừa nhận trong luật hình sự quốc tế thì các hoạt động của Monsanto đã phạm tội danh này. Song song với việc đưa ra kết luận, tòa nhấn mạnh rằng tội danh nói trên nên được quy định chính xác và rõ ràng, phải được thừa nhận bởi luật hình sự quốc tế.
Một cuộc biểu tình phản đối Monsanto ở Chile năm 2015. (Ảnh: AFP)
Phán quyết của tòa là đòn quyết định đối với vị thế của Monsanto, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc chiến của các nhà hoạt động, nông dân, người tiêu dùng trên khắp thế giới nhằm giúp thực phẩm tương lai tránh khỏi độc tố, sự biến đổi gen...
Phiên tòa về Monsanto không những chỉ trích hoạt động của công ty này trên toàn thế giới mà còn chỉ ra những nguy cơ tiềm tàng trong bối cảnh diễn ra các vụ sáp nhập, mua bán và thỏa thuận giữa những tập đoàn khổng lồ như Monsanto-Bayer, Dow-Dupont và Syngenta ChemChina.
Kết quả của các thương vụ nói trên là 3 tập đoàn hạt giống, nông nghiệp, hóa chất khổng lồ đang kiểm soát thực phẩm và ngành nông nghiệp của chúng ta với những ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của người nông dân cũng như người tiêu dùng.
Tại Việt Nam, Monsanto đã được cấp phép trồng 3 giống ngô biến đổi gen làm thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, công ty này cũng được cấp chứng nhận bán đại trà ngô biến đổi gen và sản phẩm thuốc trừ cỏ Maxer.
Với việc cấp phép cho Monsanto, Việt Nam hiện là quốc gia thứ 29 trồng cây biến đổi gen. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tồn tại mối quan ngại về sự lệ thuộc của nông dân vào các nguồn giống do các tập đoàn đa quốc gia nắm độc quyền.
Hồng Anh