Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất để không ngừng phát triển khoa học công nghệ
Chiều 12/8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp mặt 56 nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, đại diện cho 158 nhà khoa học đến từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đến Việt Nam dự Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”.
Hội nghị được Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức nhân kỷ niệm 30 năm Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của ICISE, tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam tham dự Hội nghị “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ” (Ảnh: TTXVN). |
Cùng dự buổi gặp mặt, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; GS, TS Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo.
Dẫn đầu các nhà khoa học dự buổi gặp mặt, có GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam; GS Lê Kim Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam bày tỏ tình cảm vui mừng được gặp, trò chuyện với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và được đến Việt Nam dự Hội nghị khoa học quốc tế tổ chức tại Bình Định.
Chúc mừng những thành tựu toàn diện Việt Nam đạt được trong những năm qua, các nhà khoa học cho rằng, Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển nghiên cứu khoa học, phục vụ sự phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế.
Quang cảnh buổi gặp mặt (Ảnh: TTXVN). |
Các đại biểu đã nêu ra những vấn đề, nội dung cần quan tâm trong nghiên cứu khoa học của thế giới hiện nay nói chung và của Việt Nam nói riêng. Các ý kiến đề nghị Việt Nam cần có những cơ chế, chính sách riêng, đặc thù để thu hút nhân tài, thu hút các nhà khoa học hàng đầu cống hiến cho sự phát triển của Việt Nam, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục, đào tạo,nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng khoa học cơ bản…
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại kỷ niệm đã đến thăm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ở Bình Định và rất ấn tượng với địa điểm giao lưu học thuật đặc biệt ở đây, nơi hàng trăm hội nghị quốc tế chất lượng cao được tổ chức, quy tụ hàng nghìn nhà khoa học, trong đó, có nhiều nhà khoa học quốc tế danh tiếng thế giới từng đạt giải Nobel, Fields, thu hút nhiều tổ chức nghiên cứu, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đến với Việt Nam...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi gặp mặt (Ảnh: TTXVN). |
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thông qua kết nối, liên kết hợp tác đào tạo hiệu quả, hỗ trợ nhiều hoạt động khoa học, đào tạo nhân lực chất lượng cao, Trung tâm đã dẫn dắt, truyền cảm hứng, mở ra các hướng nghiên cứu, phát triển mới, tạo điều kiện cho sinh viên, thế hệ trẻ Việt Nam được tiếp cận, phát triển, nhất là trong lĩnh vực vật lý, khoa học cơ bản.
Chủ tịch nước nêu rõ, những điều Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã làm được có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của khoa học và giáo dục Việt Nam nói riêng, sự phát triển của đất nước Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, trong thành công của Việt Nam có sự đóng góp to lớn của lực lượng trí thức kiều bào, của bạn bè quốc tế đã dành nhiều tình cảm yêu mến, quan tâm, sẻ chia cả về vật chất và tinh thần, trí tuệ cảm hứng sáng tạo.
Chủ tịch nước bày tỏ tình cảm trân trọng, biết ơn và đánh giá cao gia đình của 2 Giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc - một gia đình trí thức khoa học tiêu biểu và mẫu mực, đã rất thành danh ở nước Pháp nhưng theo tiếng gọi của trái tim, tình yêu đối với Tổ quốc đã trở về và hoạt động không mệt mỏi, vượt qua những rào cản, trở ngại, xây dựng và cống hiến, làm những việc thiết thực và ý nghĩa cho khoa học và giáo dục Việt Nam.
Đồng thời, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và học giả ở nhiều độ tuổi khác nhau, màu da khác nhau, quốc tịch khác nhau, nhưng cùng gặp gỡ nhau trong tình yêu khoa học, trong tình yêu đối với Việt Nam và trong những nỗ lực cùng nhau vun trồng những giá trị tốt đẹp cho nhân loại.
"Việt Nam là một quốc gia có nhiều khó khăn, điều kiện để thu hút, hấp dẫn có thể chưa bằng các nước phát triển, nhưng các nhà khoa học vẫn nhiệt thành đến với Việt Nam, vì tình yêu, sự cảm mến không điều kiện, rất chân thành và tự nhiên. Sức hút của Việt Nam có lẽ đến từ văn hóa, từ những nụ cười, từ niềm lạc quan, bằng lòng hoà hiếu, mến khách, sự cầu thị học hỏi, và đến từ những con người yêu nước nồng nàn, coi trọng các giá trị vững bền", Chủ tịch nước chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, trong thực tế, công tác nghiên cứu khoa học cơ bản còn chưa đạt được kết quả như mong muốn, một bộ phận thanh niên ngày nay chưa quan tâm khoa học cơ bản, chưa tha thiết với nghiên cứu khoa học. Đây là thực trạng mà Việt Nam cần nghiên cứu, điều chỉnh chính sách để thay đổi trong thời gian tới…
Theo Chủ tịch nước, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn, và cũng đứng trước cơ hội, tiềm năng bứt phá để hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch nước khẳng định: Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rõ một quốc gia muốn bứt phá thì cần có nền khoa học và giáo dục phát triển mạnh mẽ. Trên con đường đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và phát triển đất nước, thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong các quan điểm, chính sách đối với phát triển khoa học công nghệ, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm phát triển khoa học cơ bản vì đây là nền tảng, tiền đề cho khoa học ứng dụng và phát triển bền vững.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh cùng các nhà khoa học tại buổi gặp mặt (Ảnh: TTXVN). |
Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan, bộ ngành, địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định, tiếp tục đồng hành hiệu quả, tích cực phối hợp hành động, hỗ trợ Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam hiện thực hóa các ý tưởng dự án tốt đẹp, khả thi dành cho khoa học, giáo dục nước nhà, nhất là những vấn đề mang tầm chiến lược quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để tạo điều kiện, cơ chế thu hút các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam nhiều hơn, bền chặt hơn. Đặc biệt, phát huy được tiềm năng, xây dựng được các mạng lưới quy tụ các nhà khoa học Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài về cống hiến cho đất nước, cho nền khoa học và giáo dục nước nhà, để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với thế giới về mọi mặt, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, phát triển bền vững trên nền tảng của khoa học và giáo dục chất lượng.