Tăng thuế VAT, nhưng giảm thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân: Chìa khóa cho sự hồi phục kinh tế Nhật Bản
Số liệu Chính phủ Nhật Bản vừa công bố cho thấy GDP nước này tăng 4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều dự báo 2,5% trước đó. Nước này đang có chuỗi tăng trưởng dài nhất trong một thập kỷ, nhờ tiêu dùng và đầu tư tăng.
Tính đến tháng 4 vừa qua, nền kinh tế này đã có 53 tháng liên tiếp tăng trưởng và là một thành công lớn với chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe. Đặc biệt, việc Nhật Bản không rơi vào suy thoái sâu sau khi nâng thuế tiêu dùng, hay tương đương với thuế VAT ở nhiều nước, từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 đã giúp chính quyền Tokyo tự tin hơn trong việc nâng thuế lần này.
Trên thực tế, nền kinh tế Nhật Bản đã có biến động nhẹ khi nâng thuế VAT vào năm 2014. Nước này tăng trưởng âm trong quý II cùng năm và là mức suy giảm lớn nhất kể từ năm 2011. Chính điều này đã khiến lần nâng thuế VAT thứ 2 lên 10% bị hoãn từ năm 2015 lùi đến tận năm 2019.
Dẫu vậy, những tăng trưởng gần đây cho thấy việc nâng thuế VAT tại Nhật Bản là cần thiết khi chính phủ giảm thuế doanh nghiệp và thực hiện một loạt các chính sách kích thích kinh tế, gây xói mòn ngân sách.
Tăng trưởng nhờ thuế
Trong nhiều thập niên, Nhật Bản đã gặp khó khăn trong việc thúc đẩy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm của mình bằng hàng loạt các chính sách kích thích nhưng đều không đem lại thành công rõ rệt.
Nhu cầu nội địa giảm cùng đồng Yên tăng giá đang khiến mảng xuất khẩu của Nhật chịu ảnh hưởng, trong khi dân số già hóa khiến lực lượng lao động của nước này dần thiếu. Tính đến năm 2015, tỷ lệ nợ công của nước này đã lên mức 226% GDP và chính quyền Tokyo đang phải chịu áp lực vô cùng lớn.
Bên ngoài những khoản tiền cung ra thị trường để kích thích kinh tế, gánh nặng an sinh xã hội với một dân số ngày càng già nua khiến ngân sách Nhật Bản dần không chịu nổi. Mặc dù phần lớn các khoản trái phiếu được mua tại nội địa cũng như sở hữu bởi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) nhưng rủi ro tài chính của nước này cũng khá lớn khi tỷ lệ nợ ngày một tăng cao.
Tuy vậy, chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Abe lần này đi kèm với việc tăng thuế VAT đã đem đến hiệu quả nhất định. Với việc giảm thuế doanh nghiệp nhằm kích thích đầu tư kinh doanh, giảm thuế thu nhập để tăng cường thị trường lao động trong nước, Nhật Bản đã thành công thúc đẩy xuất khẩu trở lại qua các mảng smartphone và chip điện tử. Ngoài ra, việc nâng thuế VAT giúp chính phủ cân bằng lại ngân sách vốn đang chịu sức ép rất lớn từ các nguồn chi.
Năm 2015, khoảng 41% số tiền thuế của Nhật Bản được đóng góp từ các nguồn như lương hưu, đóng bảo hiểm… Tuy nhiên những khoản tiền này sẽ phải chi trực tiếp cho các quỹ hưu trí, an sinh xã hội và bảo hiểm. Với dân số ngày một già nua, số tiền thu ngân sách này coi như không thể sử dụng để cân bằng ngân sách vốn đang eo hẹp hiện nay.
Trái ngược với các nước trong Tổ chức hợp tác và phát triền kinh tế (OECD) với khoảng 33% thuế từ hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhật Bản chỉ thu khoảng 18% từ hoạt động này và 9% từ thuế VAT.
Mức thuế VAT hiện nay của Nhật là 8% bao gồm 6,3% thuế chính phủ và 1,7% thuế địa phương. Lần cuối cùng Nhật Bản tăng thuế VAT là vào năm 2014 và kế hoạch nâng thuế lên 10% đã bị hoãn nhiều lần cho tới năm 2019 trước kết quả nghèo nàn của kinh tế nước này khi mới điều chỉnh thuế.
Song song với việc tăng thuế VAT, Nhật Bản cũng thông qua việc giảm thuế doanh nghiệp từ 32,11% năm 2015 xuống 29,97% năm 2016 và 29,74% vào năm 2018. Đối với thuế thu nhập cá nhân, đóng góp khoảng 19% cho tổng tiền thuế, Nhật Bản cũng đang xem xét hạ mức thuế. Tuy nhiên, do thuế thu nhập cá nhân khá phức tạp ở Nhật Bản khi dao động từ 5-45% nên kế hoạch này vẫn còn chậm.
Mức thuế thu nhập cá nhân tại Nhật
Sẽ còn tăng tiếp
Tính từ thập niên 1990 đến năm 2016, Nhật Bản đã tung ra 26 gói kích thích kinh tế và BoJ đang nắm giữ khoảng 358 nghìn tỷ Yên (3,19 nghìn tỷ USD) trái phiếu chính phủ tính đến tháng 1/2017. Nói đơn giản, khoảng 40% số tiền vay trái phiếu trong tổng số 894 nghìn tỷ Yên của chính phủ Nhật Bản là từ BoJ và chúng hầu hết là để đầu tư cho các chương trình kích thích kinh tế, an sinh xã hội.
Với khoản nợ lớn như vậy, Nhật Bản cấp thiết cần một nguồn thu để cân bằng ngân sách. Những thành công bước đầu trong công cuộc cải cách hệ thống thuế cho thấy Nhật Bản sẽ tiếp tục con đường tăng thuế VAT.
Trên thực tế, thuế VAT của Nhật Bản vẫn còn khá thấp so với mức bình quân 19,2% của các nước thành viên OECD và khả năng tăng thuế còn khá lớn. Tuy nhiên, vấn đề này lại liên quan rất nhiều đến chính trị cũng như ảnh hưởng lớn đến kinh tế, nhất là khi Nhật Bản đã có một năm tồi tệ sau khi nâng thuế VAT vào năm 2014.
Tháng 5/2014, tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản đã tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục trong 32 năm trước đó do tác động từ việc nâng thuế VAT. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật tiếp tục tăng và khiến những kế hoạch của chính quyền Tokyo bị chậm trễ. Tồi tệ hơn, tỷ lệ lạm phát bắt đầu nguội dần vào cuối năm 2014 và khoảng thời gian sau đó, cho thấy các chính sách kích thích kinh tế của Nhật Bản chưa đủ mạnh.
Lạm phát tăng trong khi mức lương không theo kịp đã buộc nhiều người dân Nhật chuyển qua tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu, qua đó ảnh hưởng tiêu cực đến chính các doanh nghiệp.
May mắn thay, tỷ lệ lạm phát của Nhật bắt đầu tăng trở lại thời gian gần đây, đạt 0,4% vào tháng 5/2017 so với cùng kỳ năm trước đó kèm với sự hồi phục của ngành sản xuất đã cho thấy các tác động từ chính sách của Thủ tướng Abe đã bắt đầu có hiệu nghiệm.
Mới đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định Nhật Bản cần tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế của mình nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng yếu trong nước. Đây là một tín hiệu rõ ràng về sự thừa nhận các chính sách của Thủ tướng Abe cũng như việc cải cách hệ thống thuế VAT.
AB