Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự trong đời sống và việc làm của công nhân
Tại diễn đàn, ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM thông tin, tới cuối năm 2023, cả nước đã có 14.006 bản thỏa ước lao động tập thể, gấp hơn 10 lần so với 5 năm trước, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.324 bản, đạt tỷ lệ 71,68% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,03%). Trong đó có 22 bản thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia được ký kết với 224 doanh nghiệp, đơn vị tham gia và 119.336 lao động.
Ông Tạ Chí Tâm khẳng định: “Thực tế cho thấy, nơi nào quan tâm thực hiện tốt công tác thương lượng, đối thoại thì quan hệ lao động, phúc lợi đoàn viên nơi đó tốt hơn...".
Diễn đàn “Các giải pháp nắm chắc tình hình công nhân, ổn định quan hệ lao động, đảm bảo an ninh trong công nhân”. |
Theo Thượng tá Bùi Đức Tài, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát Hình sự (Bộ Công an), sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đời sống công nhân càng khó khăn hơn, nhất là việc làm và thu nhập. Lợi dụng tình hình đó, các loại tội phạm về tín dụng đen, lừa đảo tuyển dụng ngày càng nổi cộm.
Thượng tá Bùi Đức Tài lưu ý: "Cần tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn các cấp, tính chủ động của mỗi đoàn viên, người lao động trong phong trào oàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc".
Còn theo ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhiều năm qua, việc tham gia bảo đảm an ninh trật tự trong công nhân luôn được Tổng LĐLĐ Việt Nam coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn.
“Thời gian qua Tổng LĐLĐ Việt Nam đã xây dựng hệ thống văn bản tổ chức triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân, viên chức, lao động, tiêu biểu có thể kể đến việc 2 lần ký Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo đảm an ninh trật tự”, ông Vũ Mạnh Tiêm cho biết.