Tâm sự của nhà văn viết về cuộc giao hoan giữa người và động vật
Nhà văn Trương Thanh Thuỳ - người được cho là có sản phẩm văn học 'lai Tây' khi viết về cuộc giao hoan giữa người và động vật (con mèo) đã có những chia sẻ rất thật với phóng viên báo VietNamNet khi chị ra mắt combo: “2030 – Tuyệt diệt, suy vong hay hưng thịnh” và tập truyện ngắn: Thiên linh cái & Linh thú .
Đây có phải là thời điểm 'vàng' mà chị chọn để ra mắt bộ combo: 2030 - Tuyệt diệt, suy vong hay hưng thịnh và Thiên linh cái & Linh thú, khi mà cơn bão tản văn của các nhà văn trẻ đã tạm lắng xuống?
Về thời gian ra 2030 thì có lẽ đã rõ ràng quá rồi (cười), nó rơi vào thời kỳ mà bà mù Vanga đưa ra lời tiên tri về sự sụp đổ của châu Âu. Nên, ấp ủ đề tài đủ lâu thì tất nhiên đến 2015 buộc phải hoàn thành tác phẩm để kịp cho công tác xuất bản, cho phù hợp thời điểm thôi. Còn về hai truyện dài Thiên linh cái - Linh thú, thì thật ra Thùy đã viết từ rất lâu, gửi đi cũng 2 năm trước khi có thể xuất bản, vì nhiều lý do nên phải tạm hoãn lại.
Thùy tin rằng, mỗi tác phẩm đều có một sự đầu tư nhất định. Văn học trẻ, tản văn, ngôn tình… đều có cái hay riêng. Được các nhà phê bình quan tâm, dĩ nhiên là may mắn của mỗi tác giả, nhưng điều đó lại là áp lực. Bởi, khi hôm nay ra mắt sách này, được đánh giá tốt thì ngày mai đâu dám để mình tuột dốc. Mà, chuyện cảm xúc lên xuống là chuyện rất bình thường của người cầm viết. Trước mỗi đề tài, cảm xúc sẽ khác nhau. Việc chọn dòng văn học đòi hỏi sự logic này là một bước tiến mới với cá nhân Thùy về mức độ đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa là Thùy mãi mãi đi theo dòng sách này. Thùy muốn mình là người dám viết nhiều thể loại, dám đi đường dài với văn chương… nên mọi đề tài, mọi thể loại rồi đều sẽ là tự mình thách thức mình. Và, Thùy tin, như thế thì mình không bao giờ bị trở thành nhàm chán.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng nhà văn Trương Thanh Thùy tại buổi tọa đàm ra mắt tiểu thuyết: 2030 và tập truyện dài Thiên linh cái & Linh thú!
Đề tài về người sói, ma cà rồng hay những câu chuyện tâm linh không phải là đề tài quá mới lạ với phương Tây. Nhưng ở Việt Nam, dòng sách này thực sự vẫn khá "lạ" lại được chắp bút bới chính tác giả Việt. Không gian trong sách của chị bị "tây hóa", nhiều chi tiết độc giả đánh giá là có nét "bệnh hoạn" khi đọc đến phần "giao hoan" giữa người và động vật (con mèo). Chị nghĩ sao về điều này?
Các bạn có để ý thấy rằng, một nhóm các tác giả trẻ bị đánh giá là đem đề tài nhạy cảm về thế giới thứ ba, về những cô gái bán thân, về chuyện lên giường… làm đề tài hút độc giả không? Thật ra, vấn đề nằm ở cách xử lý mà thôi! Nếu, các bạn nhìn bằng cặp mắt đẹp, nghệ thuật, và bằng trái tim bao dung, thì tất cả mọi đề tài, mọi tình tiết đều xứng đáng được khai thác! Bối cảnh Tây hay ta, thật ra chỉ là bối cảnh để kể câu chuyện. Nhân vật Tây hay ta, thật ra chỉ là người dẫn chúng ta đi đến đích của vấn đề.
Thùy không muốn tự so sánh mình với bất kỳ ai, vì Thùy muốn Trương Thanh Thùy là Trương Thanh Thùy biết học hỏi, biết lĩnh hội nhưng không bị chi phối. Nên, khi nhắc đến những đề tài này, Thùy chỉ mong các bạn độc giả, đặc biệt là nhà báo, hoặc phê bình, nhìn với góc độ thật sự khách quan về mức độ đầu tư của tác giả vào tác phẩm của họ. Nếu tâm họ không tĩnh, tự họ bị chi phối bởi những thứ xoàng xĩnh, thì họ sẽ tạo ra những tác phẩm hời hợt, nhưng ngược lại, khi họ đầu tư nghiêm túc thì tác phẩm của họ sẽ phản ánh những hiện thực của cuộc sống mà ai cũng có thể nhìn thấy, theo một cách đẹp đẽ hơn.
Nên, với Thùy, “2030” hay “Thiên linh cái - Linh thú” nếu bảo Thùy “khác” thì thật ra chỉ là vì Thùy chọn góc nhìn khác một chút so với những gì Thùy từng viết mà thôi. Nhưng, chung quy lại, mức độ đầu tư cho tác phẩm của mình vẫn thế, tình cảm Thùy dành cho nhân vật mình vẫn thế, và ham muốn học hỏi, trau dồi để tiếp tục tiến bộ với chữ nghĩa vẫn thế mà thôi! Mà, ai cầm viết thì cũng đều biết rằng, sự sáng tạo là vô biên, là điều tất yếu cần phải có ở tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống này, chứ không riêng ở nghệ thuật hay văn chương. Nên, có lẽ Thùy chỉ có thể chia sẻ rằng, mình là một đứa trẻ trước chữ nghĩa và bắt đầu đi được những bước vững vàng trên con đường dài bất tận, chứ chưa phải là người đủ quyết liệt để thay đổi gì cả!
Hai tác phẩm 2030 và Linh thú "đậm chất phương tây" như thế. Có người đã gọi nôm na rằng văn của Trương Thanh Thùy là tác phẩm "lai Tây". Chị nghĩ sao về điều này?
Thùy là người khá thoải mái khi được đón nhận danh xưng (cười rất lớn), nên khi các bạn gọi Thùy là tác giả, hay nhà văn, hoặc cô gái nghiện chữ thì Thùy đều thấy phấn khích như nhau cả! Nên, với tác phẩm của mình, cho dù những anh chị trong giới phản bác cụm “văn học lai Tây”, nhưng bản thân Thùy lại thấy thoải mái hoàn toàn. “Lai” có gì là xấu đâu? Thậm chí, chúng ta thừa biết, con lai luôn đẹp mà, nên, với Thùy, đấy lại là một lời khen. Thùy biết, mỗi tác giả luôn định hướng cho mình một con đường, một bút pháp, để khi từng đọc rồi thì độc giả sẽ nhận ra họ ở tác phẩm khác.
Nhưng với Thùy, khi chọn “lai Tây” nghĩa là chọn ngược với vốn những gì Thùy đã thể hiện trước đây, có thể sẽ làm độc giả bỡ ngỡ. Nhưng, Thùy luôn mong mình để lại dấu ấn trong lòng độc giả là ở cá tính văn chương chứ không phải chỉ ở cách sử dụng từ, vận câu. Thùy không muốn một lúc nào đó bị đánh giá là tác phẩm này giống tác phẩm nào trước đó, nên, thay đổi là tiêu chí của chính bản thân Thùy. Nghĩa là, Thùy luôn muốn mình bứt phá hoài, chứ không phải chỉ ở lần này, nên, sự thật là Thùy chưa bao giờ bị rơi vào “sự quen thuộc” như bạn vừa nói cả.
Khi viết bối cảnh Tây, nhân vật Tây, Thùy cũng tự hỏi, rồi độc giả sẽ gọi văn Thùy là gì chứ! May sao chẳng ai gọi là “rác” cả, nên, còn lại đều là sự đón nhận, sự góp ý. Và, “lai Tây” nếu có thiếu thiện cảm đi chăng nữa, thì vẫn là một đánh giá rất đáng giá với chính bản thân Thùy để tiến bộ hơn sau này. Làm gì có lời khuyên nào gọi là công bằng hay thiếu công bằng? Lời khuyên là sự giúp ích cho chúng ta sáng ra, ngộ ra. Và, sự đánh giá lần này cho tác phẩm của Thùy từ độc giả vẫn là nguồn khích lệ quá lớn mà Thùy thật tâm ghi nhận, thật lòng biết ơn!
Trong những sáng tác văn học trong nước cũng như nước ngoài, Thùy thích dòng văn học nào: Giả tưởng, trinh thám, kinh dị hay lãng mạn tình yêu?
Thùy thích đọc mọi thể loại, nghe có vẻ tham lam, nhỉ?! Nhưng, bạn biết không, để bản thân mình học hỏi chứ không bị ảnh hưởng, thì chúng ta phải thay đổi đề tài đọc liên tục. Văn học nước ngoài vốn quá hấp dẫn, nhất là những tác phẩm kinh điển, lột tả xã hội ở những bối cảnh lịch sử đặc biệt, nhưng văn học trẻ Việt Nam cũng đầy những điều thú vị, nhất là giúp Thùy biết sở thích của các bạn trẻ thời này, và tài năng của tác giả trẻ để không dám cho mình dừng lại, buộc phải tiến bộ để không bị bỏ lại phía sau.
Dan Brown là bậc thầy trinh thám, đọc tác phẩm của ông rồi, ít ai không háo hức đợi tác phẩm sau cả! Nhưng, trên tinh thần độc giả, tự bản thân Thùy nghĩ, Mật mã Davinci và Thiên thần & ác quỷ là “đỉnh” rồi, nên nếu như mình cứ đinh ninh, cứ khăng khăng chỉ đọc Dan Brown là hay, thì có phải tự mình chuốc thất vọng về mình hay không? Có phải mình tự giới hạn khả năng lĩnh hội của mình hay không? Nên, Thùy không có tác giả nào là yêu thích nhất cả! Cũng như, thể loại nào cũng hấp dẫn với Thùy, không cái nào hơn cái nào.
Chị đánh giá thế nào về thị trường đọc sách của độc giả Việt? Có người cho rằng độc giả trẻ Việt hơi dễ dãi khi chọn những tác phẩm văn học thậm chí được viết khá "non tay"! Nhu cầu mua cuốn sách của nhiều độc giả đôi khi chỉ mang tính "giải trí" thay vì "đọc" để khám phá?
Cho Thùy chia sẻ quan điểm này trên tinh thần mình là một con người chứ khoan tính đến chuyện mình là tác giả. Thùy muốn hỏi bạn rằng, nếu cho bạn chọn giữa việc các bạn trẻ đọc sách bị liệt vào hàng “dễ dãi” của các tác giả bị đánh giá là “non tay” với cắm đầu vào game, thì bạn chọn cái nào? Sách có giá trị riêng của sách và đương nhiên luôn mang tính tích cực. Thùy luôn nghĩ, thà nhìn các bạn trẻ đọc sách hơn là thấy họ chúi mũi vào thế giới ảo.
Về việc tác giả đầu tư nhiều vào tác phẩm mà không biết cách đầu tư để quảng bá tác phẩm của mình, thì thật ra là vì họ dở đấy chứ! Thùy là người dở! Thùy không biết tự bán sách đâu! Thùy càng chẳng biết làm cho mình thành ra hay ho, đẹp đẽ trong mắt người khác. Nhưng, thay vì chúng ta cứ ngồi lên án những tác giả “tô vẽ” mình, thì chúng ta hãy học họ. Dẫu sao, cũng phải thừa nhận rằng, ở riêng vấn đề tự quảng bá, họ giỏi hơn mà! Sao lại cứ lên án người giỏi nhỉ? Như thế là đối kỵ! Mà, người lớn đi đối kỵ thì xấu quá!
Tuy nhiên, Thùy cũng phải nói thêm vài điều với các độc giả trẻ tuổi, rằng, lý tưởng cuộc đời không nằm ở trí tưởng tượng. Các bạn có quyền viễn vông về một anh chàng/ cô nàng đẹp, giỏi, tình… xuất hiện trong đời mình, nhưng đừng để sự viễn vông ấy hạ gục các bạn khi sự thật cuộc đời rất khác. Các bạn có quyền lãng mạn mình bằng một thế giới sạch đẹp với những con người hào nhoáng xung quanh, nhưng hãy hiểu, thực tế để có những điều ấy là khi các bạn ra sức trau dồi, học hỏi và buộc bản thân mình phải giỏi. Văn học trẻ không có lỗi! Mơ ước cũng không sai! Nhưng, giá trị thật cuộc đời nằm ở đâu, hy vọng các bạn đủ tỉnh táo để chọn lựa hướng đi đúng.
Cuối cùng, xin cảm ơn các bạn đã cho Thùy cơ hội chia sẻ thoải mái, thẳng thắn về đam mê và về tác phẩm của mình! Rất mong nhận được những lời góp ý chân thành từ các bạn!