Tấm lòng của nữ kiều bào Pháp với quê hương Việt Nam
Bà Pierrette Lamorlette, kiều bào Pháp
Chúng tôi và không ít người ở Nha Trang biết đến bà Pierrette Lamorlette và chồng là ông Gérard Lamorlette từ trước bởi ông bà tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng cũng như từ thiện ở địa phương đã nhiều năm qua. Đến thăm nhà ông bà vào một ngày giáp Tết khi bà Lamorlette vừa tham dự sự kiện ở thủ đô Hà Nội trở về, bà đón chúng tôi với nụ cười ấm áp, nhân hậu thường thấy. Kể về chuyến đi, bà không giấu được niềm vui: “Sự kiện chỉ kéo dài 1 ngày nhưng có nhiều hoạt động ý nghĩa. Chúng tôi được Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch nước và các vị lãnh đạo khác đón tiếp nồng hậu, thân tình. Tôi rất cảm động. Các hoạt động trong chương trình cũng rất phong phú, giúp kiều bào hiểu thêm về đất nước, thêm yêu đất nước và tăng tình đoàn kết dân tộc.”
Nhưng khi chia sẻ về lý do được Trung ương chọn là 1 trong 90 kiều bào tiêu biểu, cũng là đại diện duy nhất ở Khánh Hòa tham dự sự kiện này, bà lại khá khiêm tốn vì với bà, khi tham gia các hoạt động cộng đồng và làm từ thiện là việc làm xuất phát từ tâm, muốn giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, muốn làm một điều gì đó góp phần cho đất mẹ, nơi mình đã sinh ra chứ không nghĩ đến được việc được công nhận, tôn vinh.
Bà Pierrette Lamorlette sinh năm 1947, tại Hải Phòng. Bà sang Pháp vào năm 1955. Từ năm 2006, bà trở về Việt Nam với vai trò là đại diện của Hội Giúp đỡ người nghèo (Féùdération du Cher du Secours Populaire Francais - FCSPE) - một tổ chức phi chính phủ của Pháp hoạt động trên lĩnh vực từ thiện nhân đạo. Nhiều năm qua, bà Pierrette Lamorlette đã hợp tác với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết hữu nghị, vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài cho những hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Hàng năm, trong 1-2 tháng trở lại Pháp, bà mang các tài liệu về Việt Nam sang Pháp để giới thiệu văn hóa, đất nước, con người của Việt Nam đến với bạn bè Pháp cũng như vận động, quyên góp mang về Việt Nam để thực hiện các hoạt động từ thiện như trao học bổng, sách vở cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, trẻ khuyết tật, trao quà Tết cho các hộ nghèo, bếp ăn từ thiện…Từ năm 2014 đến nay, do tuổi cao nên bà không tiếp tục xin phép gia hạn hoạt động của Hội Giúp đỡ người nghèo, nhưng bà vẫn dành toàn bộ lương hưu của mình để thực hiện các hoạt động thiện nguyện ở Khánh Hòa. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, bà đã mang đến nhiều hoạt động hữu ích cho Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa. Bà không chỉ giúp Bệnh viện đặt mối quan hệ với Trung tâm Bệnh viện Edouard Toulouse tại Marseille của Pháp mà còn giới thiệu và là cầu nối cho các tổ chức về chuyên khoa tâm thần và các chuyên gia về tâm lý, tâm thần của Pháp đến đào tạo và trao đổi chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa. Với những đóng góp của mình, bà đã nhận được nhiều bằng khen của Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa…về thành tích xuất sắc trong công tác xã hội - từ thiện tại Khánh Hòa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Pierrette Lamorlette thường xuyên làm việc thiện nguyện tại Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa
Nói về bà Pierrette Lamorlette, ông Trần Đại Thắng, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa cho biết: “Trong 10 năm công tác của tôi tại Liên hiệp, bà Pierrette Lamorlette đã kết hợp với Liên hiệp làm nhiều hoạt động xã hội rất ý nghĩa. Bà không chỉ đóng góp bằng sức của mình mà còn vận động được rất nhiều bạn bè ở Pháp cùng chung tay cho các hoạt động xã hội ở Việt Nam. Rất nhiều trường hợp đã từng được bà giúp đỡ. Những kiều bào yêu nước như bà rất đáng trân trọng.”
Ông Lý Bá Lin, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa cũng đánh giá trong những người nước ngoài sống là làm việc ở Khánh Hòa hiện nay, ông bà Lamorlette có nhiều đóng góp rất nổi bật. “Với tấm lòng nhân ái, bao dung, bà là người đồng hành cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Khánh Hòa trong các hoạt động xã hội từ thiện cũng như giao lưu hữu nghị. Có thể nói bà Lamorlette là bạn của những người nghèo ở Khánh Hòa”, ông nói.
Mặt khác, đối với các hoạt động giao lưu hữu nghị, tăng cường sự hiểu biết và tình đoàn kết hữu nghị Việt - Pháp bà cũng góp không nhỏ công sức của mình. Thông qua Bảo tàng tỉnh, bà Pierrette Lamorlette đã mang các tài liệu sang Pháp để giới thiệu văn hóa, đất nước, con người của Việt Nam đến với bạn bè tại Pháp. Đặc biệt, bà đã giới thiệu họa sĩ Claude Bovie đến tham dự Festival biển Nha Trang. Yêu mến đất nước Việt Nam, họa sĩ người Pháp đã vẽ 2 bức chân dung lớn về Bác Hồ, được ghép từ 70 bức vẽ thể hiện văn hóa đất nước Việt Nam. Hiện nay, 1 bức đang được trưng bày tại Hội quán Hòn Chồng, Nha Trang, và bức còn lại đã được bà Lamorlette tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh…Trong suy nghĩ của người kiều bào yêu nước này, làm cho bạn bè thế giới biết đến Việt Nam, yêu mến Việt Nam và sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam là trách nhiệm chung của mỗi người con đất Việt. Bà muốn làm chiếc cầu nối giữa bạn bè quốc tế nói chung, đặc biệt là người Pháp với đất nước và con người Việt Nam.
Bà Pierrette Lamorlette và những người bạn tặng quà cho trẻ em nghèo
Cũng trong chuyến đi Hà Nội tham dự sự kiện “Xuân quê hương 2018 – Việt Nam rạng ngời tương lai”, bà Pierrette Lamorlette được đến thăm Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình. Bà chia sẻ, “Đó là niềm vinh dự và hạnh phúc đối với tôi. Những người từng là bạn của bà Nguyễn Thị Bình ở Pháp luôn mong mỏi biết được tình hình hiện nay của Nguyên Phó Chủ tịch nước. Được đến thăm bà Nguyễn Thị Bình, tôi đã gửi gắm lời thăm hỏi của họ, và bà Nguyễn Thị Bình cũng nhờ thôi chuyển lời thăm hỏi đến những người bạn quốc tế của bà hiện đang sống ở Pháp.”
Tích cực hoạt động ở nhiều lĩnh vực và có những đóng góp ý nghĩa cho địa phương, cũng như đất nước trong suốt 12 năm, mong mỏi lớn nhất của bà Pierrette Lamorlette hiện nay là được nhập quốc tịch Việt Nam. “Tôi muốn trở thành một người Việt Nam, một công dân Việt Nam thực sự. Tôi muốn ở lại quê hương Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn của mình và cống hiến cho đất nước đến hết cuộc đời”, bà nói.