Tại sao đi xế sang Lexus, Cadilac vẫn cố tình ăn trộm vài chục, vài trăm nghìn đồng?
Nhiều tài xế đi có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, có hành vi thiếu văn hóa
Buổi tọa đàm với nội dung “Cách nào quản xe hộ đê tràn lan trốn phí đường bộ”, diễn ra tại tòa soạn báo Giao thông vào sáng 3/10.
Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin tại buổi tọa đàm, năm 2018, Trung ương cấp 568 phù hiệu xe hộ đê, trong khi đó, các địa phương cấp 1.867 biển.
-
Xe Lexus gắn ‘bùa’ hộ đê, đại diện đơn vị cấp phù hiệu: ‘Đề nghị 9, chúng tôi chỉ cấp 1’
Một số địa phương cấp nhiều nhất như Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Nam Định..., đều cấp trên 200 xe.
Qua báo cáo, thẩm tra bước đầu từ các địa phương hiện chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm.
Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận, danh sách hơn 2.000 xe được cấp biển "xe hộ đê" này chỉ có cơ quan cấp mới nắm rõ, còn các cơ quan quản lý khác như Tổng cục Đường bộ, các đơn vị khai thác đường bộ cũng không thể biết được.
Xe ô tô gắn phù hiệu xe hộ đê "giả" qua Trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sáng 7/9. Ảnh: Báo Giao thông
Trao đổi về vấn đề này, Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC (Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam) cho biết: Trong quá trình quản lý khai thác, VEC phát hiện rất nhiều xe dùng phù hiệu hộ đê giả, không đúng quy định.
"Đáng chú ý, các xe này thường gây khó khăn cho đơn vị thu phí, đầu vào không trưng phù hiệu, vẫn lấy thẻ thu phí song chỉ tới đầu ra mới đẩy lên phù hiệu "xe hộ đê", không trả thẻ cho đơn vị quản lý. Điều này gây thất thoát kép vừa tiền thu phí lẫn tiền thẻ (có giá hơn 200.000 đồng/chiếc).
Theo ước tính, mỗi năm chúng tôi mất hơn 4.000-5.000 chiếc thẻ trên toàn hệ thống. Đặc biệt, không ít trường hợp lái xe có phù hiệu hộ đê lái rất ẩu, khi bị nhân viên thu phí phản ứng, họ có hành vi thiếu văn hóa, thậm chí còn nhục mạ, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Nhiều lần chúng tôi phải phối hợp với lực lượng CSGT trên tuyến để xử lý", báo Công an nhân dân ghi lời Phó Tổng giám đốc VEC.
Sử dụng phù hiệu hộ đê trục lợi chính là ăn cắp tiền
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, sử dụng phù hiệu hộ đê trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của nhà nước.
Ông Thanh kiến nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra trách nhiệm cơ quan tổ chức buông lỏng quản lý cấp phù hiệu; hoặc đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi.
"Đáng nói là các công ty quản lý, khai thác cao tốc cũng có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với thực trạng này.
Nhiều năm trời thất thoát hàng chục tỷ mà không phản ánh đề xuất giải pháp. Phải chăng là nếu hụt thu thì các đồng chí lại xin kéo dài thời gian thu phí? Tôi cho rằng phải chỉ rõ trách nhiệm ai cấp phát biển sai, ai buông lỏng kiểm soát? Ai làm giả giấy tờ để trục lợi?", ông Thanh đặt vấn đề.
Sử dụng phù hiệu hộ đê giả sẽ xử phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1-3 tháng. Ở đây là dùng cờ, còi giả xe ưu tiên hộ đê.
Còn nếu chủ động làm giả phù hiệu giả sẽ bị xử lý hình sự.
Tại đây, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đã chia sẻ một câu chuyện: "Cách đây 10 năm, tôi có người nhà làm tại Chi cục đê điều Hà Nội vào Huế họp đã bị cơ quan chức năng bắt thu phí.
Anh này gọi điện cầu cứu tôi khi đó vẫn đang làm Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN. Tôi bảo thôi anh nộp phí đi. Oai gì chuyện xin miễn phí.
Ở đây phải đặt câu hỏi tại sao người đi xế sang Lexus, Cadilac lại được cấp phù hiệu xe hộ đê? Có phải họ thiếu tiền không? Sao đã sở hữu ô tô vài tỷ mà vẫn cố tình ăn trộm vài chục tới vài trăm nghìn đồng?
Theo tôi, ở đây có chuyện thích ra oai, coi thường kỷ cương pháp luật chứ không chỉ chuyện trốn phí đường bộ. Những người này hẳn phải thân quen với ai đó có quyền cấp phù hiệu xe hộ đê", ghi nhận trên báo Giao thông.
Tổng hợp
PV