Tại nhà máy của adidas, con robot làm áo siêu nhanh này sẽ cướp đi hàng nghìn việc làm
Theo Softwear, con robot này có tên là "Sewbot", sử dụng camera và chương trình tự động để cắt và may vải mềm. Đây là một trong những công việc "chậm" bị tự động hóa nhất vì khá phức tạp và dường như chỉ phù hợp với thợ may lành nghề.
Cỗ máy này là sự kết hợp giữa camera và hệ thống kim khâu để theo dõi vị trí của các phần vải trước khi may chúng lại với nhau, hứa hẹn sẽ đem lại hiệu quả và độ chính xác cao hơn so với mắt người.
Dưới đây là cận cảnh "Sewbot" gia công một chiếc quần jeans:
"Sewbot" gia công quần jeans
"Sewbot" được cung cấp bởi công ty Softwear Automation ở Atlanta, đây là kết quả của một hợp đồng trị giá 1,25 triệu USD vào năm 2012. Đến nay, công ty Trung Quốc Tianyuan Garments sẽ sử dụng con robot này tại nhà máy ở Little Rock, Arkansas.
Tang Xinhong, chủ tịch của Tianyuan, cho biết:
"Chúng tôi sẽ lắp đặt 21 dây chuyền sản xuất. Khi hoàn toàn đi vào hoạt động, hệ thống này sẽ làm xong một chiếc áo trong vòng 22 giây. Đồng nghĩa với việc có thể sản xuất ra 800.000 chiếc áo phông mỗi ngày cho adidas. Ngay cả thị trường lao động rẻ nhất trên thế giới này cũng không thể cạnh tranh với chúng tôi. Tôi thực sự hứng thú với điều đó."
Như vậy, từ chi phí cho tới thời gian sản xuất sẽ giảm xuống rất nhiều lần, sản phẩm may mặc của adidas sẽ giảm giá thành đến chóng mặt. Cũng có nghĩa là, hàng nghìn lao động sẽ bị con robot này cướp mất việc làm.
Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu có thể sản xuất nhanh và rẻ đến vậy cho một công ty lớn, "Sewbot" sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào công nghiệp may mặc?
Theo TNW
Long.J