Ta khen ta hết lời nhưng… vẫn kém xa bạn!
Chuối Việt Nam
Ngày trước, táo hạng nhất của ta là các giống Thiện Phiến, hồng đào, Gia Lộc… Ta duy trì chúng cho mãi tới đầu những năm 1990.
Lúc này giao thương với các nước láng giềng đã bắt đầu cởi mở nên các đoàn đi về đều nhận ra rằng, hoa quả ở bên bạn khá hơn bên ta nhiều. Các giống táo của Đài Loan và Thái Lan được đưa về và rục rịch nhân giống để cấp cho các nơi.
Thế rồi, chỉ một thời gian ngắn sau đó, táo của bạn phủ kín hầu như toàn bộ vườn tược của chúng ta. Giống của họ cho quả vừa to, vừa giòn và lại ngọt hơn các giống táo của ta.
Dân mình quên hẳn các giống cũ, họ chỉ nói tới các giống táo của bạn. Dần dần, hàng loạt các giống cây ăn quả khác từ những nước láng giềng cứ ồ ạt tràn vào mình. Ổi, xoài, cam, chanh, đu đủ, mít, sầu riêng… của các nước cứ thế chỗ dần các giống cũ của ta. Hình như mình chỉ còn hơn bạn được một vài giống bưởi ở phía Nam và quả vải ở phía Bắc.
Lúc đầu, tôi tưởng quả chuối của mình cũng là loại hạng nhất. Nhưng khi đi thăm Trung Quốc mới thấy họ làm khá hơn mình nhiều. Chuối của họ trồng bạt ngàn trên ruộng, cây cao lớn, đều tăm tắp, buồng nào cũng dài cả mét, quả mập và to bự. Hỏi ra mới biết, toàn bộ cây giống của bạn đều được nhân bằng phương pháp cấy mô. Họ trồng nhiều vậy nhưng vẫn không đủ vì dân họ quá đông nên vẫn phải mua thêm chuối của chúng ta.
Nhưng ở vị trí phụ này thì làm sao ta có thể chủ động sản xuất được. Thị trường do họ khống chế. Đã có nhiều mùa, hàng nghìn xe ô tô đưa dưa hấu, đưa thanh long lên tới cửa khẩu nhưng bị chê là nhạt, là không đều họ không mua. Ta phải quay đầu xe, hối hả chở về tìm chỗ… đổ bỏ!
Nhưng lỗi này cũng một phần tại ta. Tôi đã lên tận cửa khẩu để tìm hiểu. Một đầu nậu người Trung Quốc nói tiếng Việt lơ lớ, đưa tôi tới chỗ đậu của các xe chứa đầy dưa hấu. Anh bảo tôi: “Bác chọn đi, quả nào cũng được”. Tôi lấy xuống một quả và đưa cho anh. Anh liền lấy dao và bổ đôi quả dưa ra. Thật bất ngờ, ruột quả dưa không đỏ mà cứ nhờ nhờ nửa hồng, nửa trắng. Anh bạn người Trung Quốc phân trần: “Dưa thế này tôi có đưa về thì cũng không ai mua đâu, lỗ to đấy! Việt Nam phải làm chặt chẽ để hàng hóa không bị lộn xộn như thế này…”.
Chắc đây chỉ là trường hợp cá biệt. Nhưng đấy cũng nên là một bài học để chúng ta nhìn nhận lại việc sản xuất hoa quả phục vụ xuất khẩu.
Tôi cũng hết sức ngạc nhiên khi thấy người Malaysia năm vừa rồi mới biết tới quả vải của Việt Nam. Vậy, lâu nay không ai giới thiệu cho họ ư? Để bước vào hội nhập ta cần có một lộ trình chặt chẽ nhằm kiện toàn tất cả các khâu trong sản xuất trái cây của chúng ta.
Chuối Philippines
Khâu đầu tiên phải là giống. Ta nên chọn những giống nào để đưa vào sản xuất? Muốn cạnh tranh được với bạn thì giống của ta ít nhất phải bằng hoặc hơn họ. Điều này đòi hỏi các cơ quan khoa học của ta phải làm việc cật lực và tránh việc giả tạo.
Lâu nay có phải ta không chú ý tới vấn đề này đâu! Hàng loạt đề tài nghiên cứu đã được cấp rất nhiều kinh phí để thực hiện. Các báo cáo thì vẫn luôn luôn được đánh giá cao nhưng thực tế lại giống cảnh “ếch ngồi đáy giếng”. Ta khen ta hết lời nhưng… vẫn kém xa bạn!
Vì vậy, nên chấm dứt cách quản lý các đề tài như kiểu hiện nay. Ta nên khoán tới sản phẩm cuối cùng. Ai làm được thì thưởng lớn. Ai không có năng lực nghiên cứu thì nên chuyển sang đơn vị sản xuất. Đừng lấy tiền của Nhà nước chia đều ra để nuôi một bộ máy. Giống là vấn đề cấp bách, ta phải tập trung làm thật tốt.
Bước thứ hai, xem xét kỹ càng để tìm ra những giống cây ăn quả mà chúng ta có lợi thế hơn bạn. Ta nên ưu tiên phát triển những đối tượng đó. Gần đây, quả vải của ta đưa ra, bạn đánh giá nó ngon hơn vải của Trung Quốc. Bưởi da xanh, bưởi Năm Roi của mình được nhiều nước ưa chuộng, Mỹ và châu Âu thích trái thanh long và quả nhãn của ta. Người Trung Quốc thì nhăm nhăm thu mua hết quả trám của mình (kể cả quà cà na ở Tây Nguyên)…
Nếu sau này mắc ca sản xuất được lớn, chắc chắn sẽ có nhiều nước tới tìm hiểu để đặt hàng. Ngoài ra, dứa, chuối, mít, na, bơ, xoài, ổi, táo, sầu riêng, vú sữa, măng cụt, cam, chanh, quýt, đu đủ, cóc, khế, mâm xôi, nhót, lạc tiên... sẽ có giống nào được thế giới ưa chuộng? Việc này nên xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành và của cả bà con nữa.
Bước thứ ba là phải quy hoạch vùng sản xuất và kiện toàn về kỹ thuật canh tác. Phải tìm cách cơ giới hóa được càng nhiều càng tốt trong các khâu sản xuất (như kiểu Hoàng Anh Gia Lai trồng mía ở Lào).
Tôi có một kỷ niệm ở Mỹ: Có một bãi đất trống rất rộng ở sau nhà của anh bạn ở Califonia nhưng chỉ sau một đêm đã trở thành một vườn cây ăn quả. Trong đêm, họ đưa máy tới và múc thành các hố rộng rồi đặt vào đó những thùng gỗ lớn chứa những cây táo cao tới 3-4m và trĩu quả. Sau đó, đất được san lấp và tưới ẩm. Sáng hôm sau, khu đất đó đã trở thành một vườn táo với hàng trăm cây đứng thẳng hàng và tươi tốt như đã trồng cách đấy nhiều năm!
Tôi nghĩ, việc này nếu quyết tâm thì ở ta cũng có thể làm được. Ta nên sớm hình thành những vùng sản xuất lớn đối với từng loại cây ăn quả. Nên chấm dứt việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tản mạn. Từng địa phương phải cố gắng quy hoạch được việc này.
Việc nhân giống đối với cây ăn quả phải hết sức coi trọng. Ta phải giữ được các đặc tính tốt cho cây và đảm bảo được sự đồng đều. Chuối, dứa, dâu tây… nên nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các loại cây khác cũng cần rất thận trọng khi chiết, ghép hoặc gieo hạt. Phải áp dụng các biện pháp tiên tiến trong khâu trồng và chăm sóc cho cây ăn quả…
Bước cuối cùng là khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến. Có vẻ khâu này ta yếu hơn các nước bạn nhiều. Vì vậy, phải tập trung trong đầu tư để khắc phục những nhược điểm đó.
Tôi luôn mơ, các nhà khoa học sẽ để tâm làm cho các loại hoa quả của mình nâng thêm giá trị sau chế biến. Ở Thái Lan, quả me thô kệch như thế mà họ chế ra được hàng loạt sản phẩm hấp dẫn. Ở Trung Quốc, loại hạt dẻ lớn được làm thành rất nhiều loại bánh thơm ngon. Ngay quả trám của ta, họ mua về, đánh hết lớp vỏ cu-tin và chế thành những loại mứt, kẹo tuyệt vời…
Tôi không chuyên sâu về cây ăn quả nên rất mong các chuyên gia đầu ngành hãy lên tiếng để giúp cho ngành trồng cây ăn quả của chúng ta sớm hội nhập được với khu vực và toàn thế giới.
Nguyễn Lân Hùng/Nông nghiệp Việt Nam