Syria: Khủng hoảng y tế nghiêm trọng ở Đông Aleppo
"Sự phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống của người dân ở vùng bị cô lập, bao gồm cả trẻ em và người lớn tuổi cũng như phụ nữ, khiến không còn bất kỳ cơ sở y tế nào cung cấp dịch vụ điều trị... khiến họ (người dân) tử vong" - hãng tin Reuters trích dẫn thông báo của một quan chức địa phương.
Trong khi đó, bà Elizabeth Hoff, đại diện của WHO tại Syria, hôm 19/11 cho biết: một tổ chức viện trợ do Liên Hợp Quốc dẫn đầu ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận rằng "tất cả các bệnh viện ở miền Đông Aleppo đã ngừng hoạt động".
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), chỉ một số ít bệnh viện còn hoạt động ở khu vực này, nhưng phần lớn người dân không dám tới khám chữa bệnh vì sợ trúng không kích.
Nguồn tin y tế, người dân và phiến quân nổi dậy địa phương khẳng định rằng: các bệnh viện bị hư hại nặng nề sau chiến dịch ném bom mà quân đội Syria tiến hành trong những ngày gần đây, bao gồm nhiều cuộc tấn công nhằm thẳng vào các tòa nhà.
Cảnh tan hoang trong một bệnh viện ở Atared, gần Aleppo hôm 14/11. (Ảnh: Reuters)
Chiến dịch không kích Đông Aleppo được nối lại vào ngày 15/11, sau nhiều ngày quân đội chính phủ Syria và đồng minh tạm hoãn. Damascus muốn giành lại quyền kiểm soát Aleppo - thành phố lớn nhất còn nằm trong tay phiến quân đối lập.
Có tới 48 người - ít nhất 5 trẻ em - bị thiệt mạng ở khu vực này vào ngày 19/11 do các cuộc không kích, đạn pháo - tổ chức SOHR cho hay.
Phát biểu về thông tin mà Reuters đăng tải, Cố vấn an ninh Nhà Trắng Susan Rice tuyên bố: Mỹ lên án "một cách mạnh mẽ nhất" các cuộc không kích nhằm vào bệnh viện ở Aleppo, đồng thời kêu gọi Nga - đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad - từng bước ngăn chặn bạo lực leo thang.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng, báo cáo về các cuộc không kích nhằm vào dân thường và các bệnh viện ở phía Đông Aleppo là "bệnh hoạn" và kêu gọi các bên quay trở lại với giải pháp ngoại giao.
Trọng Sang