Sửa đổi tiền lương đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi người lao động
Hiện nay Luật BHXH quy định, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động (bao gồm cả lương và các phụ cấp). Đối với một số khoản phúc lợi (hỗ trợ) người lao động của đơn vị sử dụng lao động có tính chất thường xuyên, ổn định, như: hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại, ăn trưa, tiền nhà… pháp luật hiện hành quy định không dùng làm căn cứ tính đóng BHXH.
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, lợi dụng quy định trên, một số doanh nghiệp "lách luật" chia nhỏ các khoản phụ cấp thành các khoản hỗ trợ này để trốn đóng, đóng không đủ BHXH.
Lương hưu là nguồn thu nhập ổn định, quan trọng của nhiều người khi hết tuổi lao động (Ảnh minh họa: KT). |
Vì vậy, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, BHXH Việt Nam đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án khi sửa đổi tiền lương làm căn cứ đóng BHXH theo hướng: người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm: mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Ngoài ra, cần nghiên cứu để hài hòa 03 loại thu nhập của người lao động và có căn cứ pháp lý xác định rõ thu nhập của người lao động làm căn cứ đóng BHXH, tránh tình trạng chênh lệch quá lớn giữa thu nhập của người lao động để quyết toán thuế và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động, tạo điều kiện đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nội dung này cần có ý kiến của các ngành liên quan như Tài chính, Lao động, Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…
Trước thực trạng một số đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH không đúng mức thu nhập thực tế của người lao động theo mức tiền lương được hưởng, BHXH Việt Nam khuyến nghị: Để đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho bản thân, khi ký hợp đồng lao động, người lao động cần chú ý đến thỏa thuận về tiền lương được hưởng, tiền lương đóng BHXH trong hợp đồng và có kiến nghị với đơn vị nếu mức tiền lương đóng BHXH của mình thấp so với tiền lương được hưởng hoặc thấp hơn so với quy định về mức lương tối thiểu vùng.
Đồng thời, người lao động cần thường xuyên theo dõi, tra cứu quá trình đóng, hưởng BHXH của mình qua các kênh (như Cổng TTĐT BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID- BHXH số…) để kịp thời nắm bắt thông tin đóng BHXH của đơn vị sử dụng lao động; phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng các hành vi đóng BHXH không đầy đủ của chủ sử dụng lao động cho người lao động (nếu có).
Tại tờ trình dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động. Theo ban soạn thảo, thực tế tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương. Do vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất do Chính phủ công bố. Mức cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng của vùng cao nhất. Dự thảo luật còn quy định cụ thể hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định. Theo đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Trên cơ sở đó, Chính phủ quy định chi tiết nhằm xác định cụ thể các khoản phải đóng, không phải đóng BHXH bắt buộc; việc xác định tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với trường hợp thỏa thuận trả lương theo giờ, ngày, tuần và theo sản phẩm, khoán. |