Sự trở lại của con trai Qaddafi: Bảy năm xung đột ở Libya sẽ kết thúc?
Cuộc tấn công của Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ đứng đầu lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Libya, Đại tá Muammar Al-Qaddafi năm 2011 đã chia cắt đất nước và thổi bùng lên ngọn lửa của cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn tại Libya.
Cuộc xung đột kéo dài hơn bảy năm nay đã đưa Libya từ một đất nước từng được xếp vào hàng giàu nhất thế giới bỗng chốc trở nên điêu tàn. Người dân đã quá mệt mỏi và luyến tiếc cuộc sống trước đây.
Thời gian gần đây, tình hình Libya có nhiều diễn biến mới thu hút sự chú ý của các nhà quan sát khu vực và quốc tế. Trong tình hình khủng hoảng và nội chiến, các phe phái Libya đang chuẩn bị tiến hành bầu cử Tổng thống và Quốc hội dự kiến vào giữa năm nay.
Hiện nay trên chính trường Libya, cái tên Seif Al-Islam Al-Qaddafi, người con trai thứ hai của Đại tá Muammar Al-Qaddafi được nhắc tới nhiều nhất tại Libya và được coi là ứng cử viên sáng giá nhất cho chức vụ này. Dư luận Libya dự đoán có nhiều khả năng Seif Al-Islam Al-Qaddafi sẽ trở lại cầm quyền.
Khả năng của Seif Al-Islam
Bảy năm qua, Libya sống trong lửa đạn. Sau khi chế độ của Đại tá Muammar Al-Qaddafi sụp đổ, đất nước bị chia rẽ cần một người có khả năng chấm dứt xung đột, hàn gắn sự rạn nứt và đoàn kết được các bộ tộc. Người đó chỉ có thể nằm trong các bộ tộc lớn có uy tín ở miền Trung, miền Nam và miền Tây Libya.
Seif Al-Islam Al-Qaddafi là người của bộ tộc Al-Zintan, bộ tộc lớn nhất của Libya và có quan hệ rất tốt với các bộ tộc ở các khu vực trên.
Giống như các nước Ả rập khác, ở Libya bộ tộc đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị và kinh tế của đất nước. Chế độ của Muammar Al-Qaddafi giữ được ổn định từ năm 1969 đến khi NATO can thiệp là nhờ sự ủng hộ của các bộ tộc, trước hết là bộ tộc Al-Zintan.
Seif Al-Islam có nhiều tố chất mà người khác không có. Ông là con trai của nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi, lớn lên trong chế độ cũ và được chế độ của cha ông dạy dỗ, được giáo dục lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc Ả rập.
Ảnh của Gaddafi và con trai trong cuộc biểu tình ủng hộ chế độ cũ. Ảnh: AP
Người phát ngôn Liên đoàn các bộ tộc Libya Bassim Al-Saul nói: Seif Al-Islam được đại bộ phận các bộ tộc Libya ủng hộ. Đại đa số người dân Libya muốn Seif Al-Islam trở lại hoạt động chính trị bởi ông là người có khả năng thực hiện hoà giải dân tộc.
Hầu hết các bộ tộc đều có cảm tình với chính quyền cũ. Ông được nhiều người trong chế độ cũ, kể cả những người lãnh đạo cuộc nổi dậy lật đổ cha ông tháng 2/2011 ủng hộ.
Ông đã tốt nghiệp đại học Tripoli (1994), tiến sỹ quản trị kinh doanh tại IMADEC Vienna (2000), khoá đào tạo kinh tế-chính trị học tại London (2008). Được học tập ở phương Tây, có thời gian ở tù 5 năm, Seif Al-Islam mang tư tưởng cải cách, hiểu những gì cha ông đã làm được và chưa làm được, đồng thời biết mình cần phải làm gì để đưa Libya tiến lên.
Gần đây, tại thủ đô Tripoli và một số thành phố lớn của Libya đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình giương cao ảnh của Seif Al-Islam và cha ông.
Liên minh với tướng Khalifa Haftar
Ngày 10/6/2017, theo tuyên bố của đạo quân Abu Bakr Al-Saddiq ở tỉnh Zintan Libya, Seif Al-Islam, con trai của nhà lãnh đạo Libya bị lật đổ Muammar Qaddafi đã được trả tự do sau 5 năm cầm tù.
Việc trả tự do cho Seif Al-Islam được thực hiện theo lệnh tổng ân xá của chính phủ đóng ở Tobruk được tướng Khalifa Haftar, một trong hai chính quyền hiện nay ở Libya ủng hộ.
Ngay sau khi được trả tự do, Seif Al-Islam đã đi đến thành phố Al-Baida thuộc miền Đông Libya hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tobruk và quân đội quốc gia Libya do tướng Khalifa Haftar lãnh đạo. Như vậy, nếu Seif Al-Islam tham gia vào cuộc xung đột chính trị giữa các phe phái hiện nay, rất có thể ông sẽ đứng về phía tướng Khalifa Haftar.
Tướng Khalifa Haftar. Ảnh: AP
Nhóm chiến binh Al-Zintan đã bắt Seif Al-Islam trên đường ông chạy trốn sang Niger và bỏ tù ông sau khi cha ông Muammar Al-Qaddafi bị giết tháng 11/2011.
Tháng 7/2015, toà thượng thẩm Libya kết án tử hình Seif Al-Isam về tội ác chiến tranh, giết người biểu tình chống chính phủ. Tuy nhiên, bản án đã không được thi hành do bộ tộc Al-Zintan thân tướng Khalifa Haftar không chịu trao Seif Al-Islam cho chính quyền ở Tripoli và Toà án hình sự quốc tế La Hay (The Hague).
Mới đây, trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng truyền hình Nước Nga Ngày nay (RT), ông Seif Al-Islam nói rằng không có ai ra lệnh bắn vào cuộc biểu tình cả mà là những người bảo vệ buộc phải hành động khi các phần tử manh động quá khích tấn công đốt phá các cơ quan của chính phủ.
Trở lại chính trường, Seif Al-Islam có thể đặt cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozi vào tình thế khó xử
Nhiều nhà quan sát cho rằng, việc Seif Al-Islam được trả tự do không chỉ sẽ làm nóng lên cuộc xung đột tại Libya mà còn có thể đem lại những bất ngờ cho thế giới.
Không ai có thể loại trừ khả năng Seif Al-Islam tiết lộ toàn bộ sự thật về việc cha ông Muammar Al-Qaddafi tài trợ cho chiến dịch tranh cừ của Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozi năm 2007 và các giao kèo khác mà các chính trị gia một số nước châu Âu thỏa thuận đằng sau hậu trường với chế độ Libya trước đây của ông Muammar Al-Qaddafi.
Tháng 3/2012, Nicolas Sarkozi bị tố cáo nhận 50 triệu Euro (67 triệu đô la) của Muammar Qaddafi để phục vụ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp năm 2007, một cáo buộc mà ông Nicolas Sarkozi đã phủ nhận.
Ngày 7/12/2017, Cơ quan an ninh của Anh đã bắt giữ doanh nhân một nước Bắc Phi mang quốc tịch Pháp Alexander Al-Jawhari tại sân bay quốc tế Heathrow London theo lệnh truy nã của châu Âu để điều tra việc ông được nhà lãnh đạo Libya Muammar Al-Qaddafi giao nhiệm vụ chuyển 50 triệu euro tài trợ cho ông Nikolas Sarkozy trong chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống Pháp năm 2007.
Khi NATO mở các cuộc không kích Libya để hỗ trợ cho phe đối lập lật đổ Muammar Al-Qaddafi, chính phủ Nicolas Sarkozi đã ủng hộ các lực lượng đối lập. Theo tờ báo Corriere della Sera của Italia, lúc đó Muammar Qaddafi đã công khai dọa sẽ công bố chi tiết các mối quan hệ của ông với Nicolas Sarkozi.
Người Libya đón nhận tin Seif Al-Islam được trả tự do với thái độ khác nhau.
Những người tham gia lật đổ chế độ Muammar Al-Qaddafi đã tỏ phẫn nộ đối với luật tổng ân xá, bởi vì nó cho phép phóng thích rất nhiều quan chức và những nhân vật đã từng phục vụ chế độ cũ. Nếu những người này được trả tự do thì họ sẽ trở lại hoạt động chính trị nhằm khôi phục lại chính quyền Muammar Al-Qaddafi.
Nhiều người khác tỏ vui mừng về việc người con trai của nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi được ra tù và có nhiều khả năng liên minh với tướng Khalifa Haftar nhằm khôi phục lại luật pháp và trật tự ở Libya.
Dư luận Libya cho rằng Seif Al-Islam hoàn toàn có thể tập hợp những người ủng hộ chính quyền trước đây và nhiều người dân Libya luyến tiếc những năm tháng được sống trong hoà bình, an ninh và ổn định dưới thời Muammar Al-Qaddafi.
Như vậy, tên tuổi của Seif Al-Islam sẽ là ngọn cờ tập hợp lực lượng để thành lập một mặt trận đấu tranh vì một nước Libya mới.
Tuy nhiên, Seif Al-Islam chưa phải là một nhà hoạt động chính trị ngang tầm với tướng Khalifa Haftar. Nếu Seif Al-Islam muốn tham gia các hoạt động chính trị thì không loại trừ khả năng liên minh với tướng Khalifa Haftar. Còn tướng Khalifa Haftar muốn có một quân đội mạnh thì cũng phải tranh thủ ảnh hưởng của Seif Al-Islam.
Seif Al-Islam sinh năm 1972, là người con thứ hai trong số 9 người con của nhà lãnh đạo Muammar Al-Qaddafi.
Trước khi nổ ra phong trào "Mùa Xuân Ả rập" và cuộc nổi dậy năm 2011 tại Libya, Seif Al-Islam là người có quyền lực thứ hai tại Libya và được coi là người thừa kế sự nghiệp của cha mình.
Tháng 2/2011, Liên Hợp Quốc đã đưa ông vào danh sách bị cấm xuất cảnh. Tháng 6/2011, Seif Al-Islam tuyên bố cha ông sẵn sàng tiến hành bầu cử và từ bỏ quyền lực nếu thất cử. Tuy nhiên, Liên minh quân sự NATO đã bác bỏ đề nghị này và mở cuộc tấn công Libya lật đổ toàn bộ chính quyền của Muammar Al-Qaddafi.
Cuối tháng 6/2011, Tòa án Hình sự Quốc tế ICC đã ban hành lệnh bắt Seif Al-Islam, nhưng ông vẫn không bị bắt cho đến khi cha ông Muammar Qaddafi và anh trai Mutassim của ông bị giết ngày 20/10/2011. Sau các cuộc thương lượng kéo dài, ICC đã ủy quyền cho các quan chức Libya xét xử Seif Al-Islam tại Libya về tội ác chiến tranh trong cuộc nổi dậy năm 2011.
Vào thời điểm đó, các luật của Seif Al-Islam lo ngại rằng một phiên xử ở Libya sẽ không công bằng vì có thể xuất phát từ những động cơ trả thù. LHQ ước tính có tới 15.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong khi Hội đồng chuyển tiếp quốc gia của Libya cho rằng con số này là 30.000 người.
Vào năm 2014, toà án Tripoli đã xét xử Seif Al-Islam qua liên kết video, vì vào thời điểm đó ông bị giam tại Al-Zintan. Tháng 7/2015, tòa án Tripoli đã kết án tử hình vắng mặt ông.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai