Sự thực: dải Ngân hà của chúng ta đang bị đẩy ngang qua Vũ trụ bởi một khoảng tối chưa xác định
Nghiên cứu hồi tháng Tám vừa rồi chỉ ra rằng Dải Ngân hà của chúng ta đang bị đẩy đi bởi một lực vô hình nào đó. Mặc dù hành động xô đẩy này nghe chừng không thực sự thân thiện lắm, nhưng Vùng Đẩy Lưỡng Cực (Dipole Repeller) được khám phá hồi giữa năm ngoái này đang giúp thiên hà của chúng ta phiêu lưu xa hơn trong cái vũ trụ chưa có điểm kết thúc kia.
Trong suốt 30 năm qua, các nhà nghiên cứu biết rằng thiên hà này đang di chuyển với một vận tốc nhất định nhưng họ chưa thể tìm ra tí do tại sao.
“Giờ đây chúng tôi đã tìm ra một khoảng trống nằm trực tiếp đối diện với hướng bị đẩy tới, chính nó đã cung cấp một thứ lực đẩy đưa thiên hà chúng ta di chuyển”, chuyên gia Brent Tully, nhà thiên văn tại Viện Thiên văn học tại Honolulu cũng là tác giả nghiên cứu phát biểu.
“Giống như trong trò kéo co, nếu như một đầu có đông người hơn, điểm giữa sẽ trôi về hướng đó và trôi xa khỏi bên có lực yếu hơn”.
Không biết người bình thường chúng ta có cẩm nhận được thiên hà này đang được kéo đi không nhỉ?
Đừng nghĩ là một thứ khổng lồ như Dải Ngân hà của chúng ta không thể di chuyển được, đây không hề là một sự bất ngờ khi xét tới sự thực rằng mọi thứ đều chuyển động.
Trái Đất chúng ta quay quanh trục của nó và quay quanh Mặt Trời. Bản thân quả cầu lửa ấy cùng mọi hành tinh khác trong Hệ Mặt Trời đều quay quanh tâm Dải Ngân hà. Mà Dải Ngân hà cùng với các ngân hà khác trong Siêu Đám Thiên hà Laniakea đang băng xuyên Vũ trụ với vận tốc 2 triệu km/giờ.
Đây là Siêu Đám Thiên hà Laniakea và Dải Ngân hà của chúng ta cũng nằm tại đây.
Tuy nhiên đây không phải là một chuyến hành trình vô định. Đã từ lâu các nhà nghiên cứu tin rằng thiên hà chúng ta bị thu hút bởi một khu vực gồm nhiều đám thiên hà khác, xa nơi đây 750 triệu năm ánh sáng. Chúng được gọi là Khu tập trung Shapley hay Khu vực thu hút Shapley.
“Trung bình, các thiên hà bay ra xa khỏi nhau là vì Vũ trụ vẫn liên tục nới rộng ra”, nhà nghiên cứu Tully nói. “Tuy nhiên, mỗi một thiên hà lại chịu một lực hấp dẫn gần đó, tạo nên một chuyển động về một hướng nhất định – chúng hướng về phía có mật độ thiên hà dày đặc và xa khỏi nơi có mật độ thiên hà thấp. Hệ Mặt Trời của chúng ta nằm vỏn vẹn trong một phần nhỏ của một thiên hà có tên Dải Ngân hà. Khi mà thiên hà ấy trôi theo hướng nào đó, hiển nhiên là chúng ta cũng trôi theo nó rồi”.
Với sự giúp đỡ của những kính thiên văn hiện đại khổng lồ, các nhà nghiên cứu đã có thể tạo ra bản đồ 3D của dòng chảy thiên hà. Những thiên hà như Dải Ngân hà trôi theo mật độ vật chất, vì thế chúng sẽ bị thu hút bởi những điểm đông đúc, nơi tụ họp dày đặc của vật chất.
“Chúng tôi tìm thấy một dòng chảy gợi sự liên tưởng tới một dòng nước chảy, bị ảnh hưởng bởi lực hấp dẫn, trôi từ sườn núi xuống vùng đồng bằng”, giáo sư Tully nói.
Những thiên hà sáng có khối rất đặc, chính điều đó đã tạo nên lực kéo của Khu vực thu hút Shapley và giờ thì các nhà nghiên cứu tin rằng Dải Ngân hà không chỉ bị kéo, mà còn bị “đẩy” bởi khu vực trống mang tên Vùng Đẩy Lưỡng Cực đằng sau Dải Ngân hà kia.
Bởi lẽ Vùng Đẩy Lưỡng Cực có độ đặc thấp, chỉ có một vài thiên hà nằm trong khoảng tối khổng lồ ấy thôi, nên vùng trống này tạo ra một thứ lực đẩy riêng biệt. Vũ trụ này đẩy những vùng đẩy và hút như vậy, nhưng những vùng hút rất sáng nên rất dễ phát hiện ra. Còn với những vùng tối, do độ đậm đặc thấp, chúng luôn luôn là một khoảng không tối lớn trên vũ trụ, dù có kích cỡ nhỏ hay lớn.
Chúng ta vẫn chưa biết được nhiều về Vùng Đẩy Lưỡng Cực cũng như các thiên hà năm bên trong nó. Nếu như ta biết được nhiều hơn, và có lẽ ta sẽ biết được nhiều hơn với những kính viễn vọng ngày càng hiện đại, ta sẽ hiểu được rõ hơn về vũ trụ này và cách thức mà nó hoạt động.
Tham khảo CNN
Dink