Sự suy tàn của kháng sinh Penicillin và mối đe dọa đến hàng triệu tính mạng trên toàn cầu
Cô Stella Ngubenkomo ở Nam Phi bị phát hiện mắc căn bệnh thấp khớp cấp vào năm 11 tuổi và bác sĩ chẩn đoán cô chẳng thế sống lâu, nhưng họ đã nhầm. Trong suốt 16 năm sau đó, cô Ngubenkomo đã sống sót và hàng tháng phải tiêm kháng sinh loại Benzathin Penicillin G vào cơ thể. Đây là loại kháng sinh duy nhất trên thế giới có hiệu quả đặc trị cho loại bệnh thấp khớp cấp với hàng triệu bệnh nhân trên toàn cầu và hàng nghìn người chết mỗi năm.
Tuy nhiên, số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy ít nhất 18 quốc gia đang lâm vào tình trạng thiếu Benzthin G trong 3 năm qua và lượng cung loại kháng sinh đặc trị này đang giảm dần do các doanh nghiệp giảm sản lượng.
Vậy vì đâu loại thuốc này không còn được các doanh nghiệp ưa chuộng dù chúng vẫn hiệu nghiệm?
Tỷ lệ mắc bệnh viêm thấp khớp cấp trên mỗi 100.000 người năm 2015 trên toàn thế giới
Thời hoàng kim của cuộc cách mạng ngành dược
Kháng sinh Penicillin được phát hiện vào năm 1928 nhưng phải đến Thế chiến thứ II khi chính phủ Mỹ tập hợp các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu lại để chế tạo kháng sinh giá rẻ cho quân đội thì loại thuốc này mới chính thức được đưa vào đại trà sử dụng.
Sau Thế chiến thứ II, kháng sinh được buôn bán rộng rãi trên thị trường và thực sự trở thành loại thuốc phổ biến. Năm 1949, Mỹ đã sản xuất 1,3 nghìn tỷ đơn vị Penicillin, cao hơn rất nhiều so với mức 1,7 tỷ đơn vị năm 1944.
Có thể nói, kháng sinh Penicillin là loại thuốc đầu tiên trong dòng này, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành dược. Trước đó, bất kỳ vết thương nào cũng có thể nhiễm trùng và gây tử vong, các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng cũng có thể khiến bệnh nhân qua đời. Những loại bệnh lậu, giang mai lây lan qua đường tình dục là bản án tử hình với nhiều người trong 500 năm trước khi kháng sinh ra đời.
Tuy vậy, một mũi tiêm Benzathin G có thể chấm dứt giai đoạn đầu của bệnh giang mai và nhiều loại bệnh hiểm nghèo khác. Thậm chí ngày nay, Benzathin G là kháng sinh hiệu quả nhất chống lại bệnh thấp khớp cấp và giang mai.
Bệnh viêm thấp khớp cấp khiến 300.000 người tử vong năm 2015.
Bất chấp điều đó, các tập đoàn dược phẩm ngày nay không còn mặn mà với Penicillin khi danh sách kháng sinh mới điều trị ngày một nhiều và hiệu quả hơn. Hầu hết các nhà sản xuất chuyển sang tập trung vào những loại thuốc kinh niên như ung thư hay tiểu đường, vốn đem lại lợi nhuận nhiều hơn Benzathin G chỉ chữa 1 số bệnh với liều lượng không nhiều.
Ngày nay, thế giới chỉ còn 4 tập đoàn sản xuất thành phần hoạt tính cho Benzathin G và sản lượng có thể đạt 600 tấn mỗi năm, nhưng tất cả họ chỉ hoạt động dưới 20% công suất. Mỗi liều Benzathin G chỉ có giá từ 0,2-2 USD và hầu như bệnh nhân chỉ cần 1 liều cho các bệnh đau họng, giang mai… và điều này khiến các công ty dược phẩm không có lợi nhuận.
Thêm vào đó, nhu cầu của thế giới với loại vắc xin này cũng không cao khi nhiều nước kém phát triển không đủ nguồn lực để đối phó với các dịch bệnh thấp cấp như đau họng hay giang mai, trong khi những quốc gia phát triển có các biện pháp điều trị và phòng bệnh hữu hiệu hơn cho những loại bệnh này.
Đối với những căn bệnh như viêm thấp khớp cấp, hầu như các bệnh nhân nằm ở những vùng nghèo khó và Benzathin G xem ra là một sản phẩm không mấy lợi nhuận.
Bệnh giang mai đang gia tăng tại các nước Tây Âu
Theo WHO, Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ người tử vong vì viêm thấp khớp cấp nhiều nhất thế giới với 111.000 trường hợp năm 2015. Tuy nhiên con số này có thể nhiều hơn thế bởi rất nhiều người nghèo Ấn Độ không thể truy cập được hệ thống y tế của nước này. Với thông tin không chính xác về nguồn cung cũng như giá bán thấp, Benzathin G đã bị thiếu hụt trên thị trường Ấn Độ trong 15 năm nay, gây ra cái chết của hàng trăm người như trên.
Không riêng gì Ấn Độ, khoảng 33 triệu người trên thế giới cũng đang mắc căn bệnh viêm thấp khớp cấp và cần Penicillin hàng tháng nhưng sự thiếu hụt nguồn cung đã khiến khoảng 300.000 người tử vong mỗi năm.
Tổ chức WHO cũng cho biết khoảng 5,6 triệu người trên thế giới đang bị nhiễm giang mai và 1 mũi tiêm Penicillin có thể cứu được 53.000 trẻ sơ sinh tại 30 quốc gia đã tử vong vì sinh ra trong tử cung nhiễm bệnh vào năm 2012.
Không riêng gì những nước nghèo, ngay cả 1 cường quốc như Mỹ cũng đang phải đau đầu với tình trạng thiếu Penicillin. Sự thiếu hụt Benzathin G từ tháng 4/2016 khiến nền kinh tế số 1 thế giới không thể chấm dứt căn bệnh giang mai trên toàn quốc và điều này đe dọa tới sức khỏe cộng đồng.
Tỷ lệ mắc bệnh giang mai trên 100.000 người tại Mỹ đang tăng trở lại
Trong 10 năm qua, bệnh giang mai đã tăng gấp đôi tại Mỹ và những đứa trẻ sinh ra trong tử cung nhiễm bệnh sẽ mắc chứng bệnh điếc, mù, dị dạng về xương, sinh non và thậm chí tử vong.
Hãng dược lớn tại Mỹ là Pfizer không thể đáp ứng được nhu cầu Benzathin G với lý do “chậm trễ sản xuất”, nhưng cụ thể là gì thì Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (USFDA) không cho biết bởi đây là “thông tin tuyệt mật”.
Chất lượng kém nhưng vẫn phải nhập
Với loại thuốc có lợi nhuận thấp như Penicillin, các nhà sản xuất thường không tự điều chế mà mua các thành phần hoạt tính từ nơi khác về để nén trộn thành viên, đóng gói và bán.
Trên thị trường hiện nay, Trung Quốc đang là nhà cung cấp thành phần hoạt tính lớn nhất cho nhiều loại thuốc bao gồm Benzathin G. Điều này có nghĩa là chỉ một trục trặc trong quá trình sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc cũng sẽ khiến hàng triệu bệnh nhân ở nhiều nước phải điêu đứng.
Tháng 11/2016, chính quyền Bắc Kinh yêu cầu các nhà máy ở Shijiazhuang-Hà Bắc ngừng hoạt động trong 45 ngày do vi phạm quy định ô nhiễm môi trường. Ngay lập tức, 2 trong số 4 công ty sản xuất nguyên liệu hoạt tính cho Benzathin G duy nhất trên thế giới tại đây đã phải ngừng hoạt động.
Ngoài ra, chất lượng của những nguyên liệu hoạt tính này cũng là một vấn đề với nhiều bệnh nhân. Một trong 4 nhà sản xuất duy nhất thế giới nguyên liệu hoạt tính cho Benzathin G là Semisyntech thuộc tập đoàn dược NCPC của Trung Quốc. Trong vài năm qua, rất nhiều trường hợp cơ quan kiểm soát của nước ngoài phát hiện những công ty con của NCPC sản xuất thuốc kém chất lượng hoặc không tuân thủ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu.
Tổng kim ngạch nhập khẩu kháng sinh của Mỹ từ Trung Quốc (triệu USD)
Tháng 11/2014, nhân viên kiểm tra của cơ quan an toàn sức khỏe và dược phẩm Pháp (FNAMHPS) đã thăm cơ sở sản xuất của Smisyntech và phát hiện rất nhiều trường hợp làm giả tài liệu cũng như tình trạng hạ tiêu chuẩn sản xuất đến mức có nguy cơ ô nhiễm sản phẩm cao.
Ngay lập tức, nhân viên đoàn kiểm tra đã đề nghị Liên minh Châu Âu (EU) ngừng nhập khẩu sản phẩm của Semisyntech nhưng Cục quản lý dược phẩm Châu Âu (EDQM) đã đưa ra các giấy chứng nhận chất lượng của công ty này và cho rằng họ đạt tiêu chuẩn. Phần lớn chuyên gia nhận định động thái này của Châu Âu là bất đắc dĩ khi NCPC có vị thế vô cùng lớn trong ngành dược cũng như là nguồn cung cấp lớn để sản xuất Benzathin G.
Hàng loạt các thị trường khác như Hongkong, Ethiopia, Liberia cũng ngừng nhập khẩu sản phẩm của các hãng dược có sử dụng nguyên liệu hoạt tính nhập từ Trung Quốc. Vào năm 2015, Brazil cũng quyết định từ chối đề nghị bán Benzathin G của Semisyntech bất chấp dịch bệnh giang mai đang bùng phát mạnh mẽ tại đây.
Dẫu vậy, tình hình quá căng thẳng cũng như sự khan hiếm nguồn cung buộc Brazil phải chấp nhận mua khẩn cấp 2,7 triệu lọ Benzathin G từ Mỹ vào tháng 4/2016. Đến tháng 7/2016, Brazil buộc phải chấp nhận cho Semisyntech nhập khẩu Benzathin G vào nước này.
Vào năm 2013, chỉ khoảng 14.000 trẻ sơ sinh được sinh trong tử cung nhiễm bệnh giang mai và việc thiếu Benzathin G đã khiến con số này tăng 35% lên 19.000 trường hợp vào năm 2015.
Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sinh ra từ tử cung nhiễm giang mai trên mỗi 1.000 trẻ đang tăng mạnh tại Châu Phi
Thông thường, Brazil chỉ nhập những sản phẩm của các công ty dược có đầy đủ giấy tờ đăng ký chất lượng, đảm bảo tính an toàn của dược phẩm. Tuy nhiên, trường hợp của Semisyntech là một ngoại lệ khi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận cho hãng được nhập khẩu cả những dược phẩm sử dụng nguyên liệu hoạt tính chưa được đăng ký sản xuất tại Trung Quốc.
Đây là một biện pháp đầy rủi ro khi những nguyên liệu không rõ nguồn gốc có thể khiến bệnh nhân ngộ độc và nhập viện.
Vào năm 2008, sản phẩm thuốc làm loãng máu của Baxter Healthcare Corporation có sử dụng nguyên liệu của Changzhou SPL Company đã khiến ít nhất 81 người tử vong. Trong khi đó có nhiều báo cáo tại Đức cho thấy bệnh nhân có dị ứng nặng với sản phẩm thuốc làm loãng máu của Rotexmedica có sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc.
Ngay sau các vụ việc trên, USFDA đã kiểm tra nơi sản xuất thuốc và thu hồi loại dược phẩm trên do một số tiêu chuẩn đã bị làm giả.
Dẫu vậy, việc có các biện pháp trừng phạt mạnh tay với chất lượng thuốc penicillin lấy nguyên liệu từ Trung Quốc là khá khó khăn bởi tình trạng thiếu cung trầm trọng hiện nay.
Siêu virus nhờn kháng sinh
Việc thiếu hụt Penicillin khiến nhiều bác sĩ buộc phải sử dụng những loại dược phẩm thay thế như Macrolides, qua đó làm gia tăng nguy cơ biến thể của virus, tạo ra những con virus nhờn thuốc kháng sinh.
Macrolides được phát minh vào thập niên 1950 như một lựa chọn thay thế cho Penicillin chữa trị bệnh đau họng hay giang mai. Dẫu vậy, nghiên cứu trong 10 năm qua cho thấy ngày càng có nhiều trường hợp nhờn thuốc với Microlides ở nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Pháp…
Hiện các siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh đang là rủi ro rất lớn với nhân loại. Báo cáo của chính phủ Anh ước tính khoảng 700.000 người sẽ tử vong mỗi năm do tình trạng nhờn thuốc. Đến năm 2050, những siêu vi khuẩn kháng thuốc sẽ giết chết khoảng 10 triệu người mỗi năm.
Mới đầu khi phát minh ra kháng sinh, vấn đề siêu vi khuẩn kháng thuốc không được chú ý do con người liên tục tạo ra các dòng thuốc mới trong khoảng thập niên 1950-1980. Tuy nhiên, tốc độ phát minh những dòng kháng sinh mới chậm lại, số trường hợp nhờn thuốc tăng lên và tình trạng thiếu cung của các kháng sinh loại cũ đang khiến ngành y tế phải đau đầu.
Mỹ đang ngày càng phát triển ít kháng sinh mới hơn
Số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDCP), quốc gia này chỉ có 9 dòng kháng sinh mới được phát triển trong khoảng 2005-2014, thấp hơn rất nhiều so với 27 loại vào thập niên 1980. Báo cáo của Viện QuintilesIMS cho thấy trong 2.240 dược phẩm mới năm 2016, chỉ có 8% là thuộc dòng kháng sinh.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là phát triển kháng sinh giờ đem lại ít lợi nhuận hơn so với các loại thuốc đặc trị những bệnh mãn tình cần sử dụng nhiều và phổ biến như ung thư hay tiểu đường. Nghiên cứu năm 2011 của Trường Kinh tế London cho thấy tỷ suất NPV (giá trị hiện tại ròng) của mảng kháng sinh tiêm chỉ vào khoảng 100 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 1 tỷ USD của dòng dược phẩm chữa rối loạn cơ xương hay viêm khớp mãn tính.
BT