Sự khác biệt giữa kẻ bình dân và người xuất chúng: Quá dễ dàng nói "đồng ý" khiến bạn mãi mãi chỉ là kẻ "trung bình"
Chúng ta được dạy nói “Vâng ạ!” hoặc “Đồng ý” từ khi còn nhỏ và hầu như nó đem lại tác động tích cực trong hầu hết các hoàn cảnh. Thế nhưng càng lớn lên, chúng ta phải đối diện với càng nhiều hoàn cảnh mà chỉ lúc đó bạn mới nhận ra, nói “Đồng ý” không phải là cách giải quyết tốt nhất!
Khi nói “Đồng ý”, chúng ta ngừng suy nghĩ và phản biện
Nhanh chóng nói “Đồng ý” khi đang trong một tình huống thảo luận, điều đó không những chẳng giúp giải quyết vấn đề tốt hơn mà còn khiến trách nhiệm của bạn với vấn đề giảm đi.
Thay vì hòa hoãn khi giải quyết vấn đề, bạn nên đưa ra những ý kiến phản hồi. Điều đó không những làm cho não bộ suy nghĩ linh hoạt hơn mà còn kích thích những đồng nghiệp cùng đẩy vấn đề lên cao hơn, tìm cách cải thiện cho đến khi tốt nhất.
Luôn nghĩ mọi việc sẽ ổn làm cho bạn cảm thấy nhàm chán
Những người luôn giải quyết vấn đề theo hướng này có xu hướng lười suy nghĩ và đánh đồng tất cả các câu hỏi, vấn đề thú vị thành một chủ đề nhàm chán.
Giao tiếp là một quy trình hai chiều, và khi người khác đã muốn lắng nghe ý kiến của bạn thì bạn nên tập trung để đưa ra ý kiến có giá trị, thay vì trả lời một cách qua quýt và ỡm ờ theo kiểu “Tôi không có ý kiến gì”, “Cũng được”, “Được thôi”… Ngay cả người trò chuyện với bạn cũng sẽ thấy chán nản khi không nhận được phản biện tích cực. Chẳng ai thích nói chuyện với một bức tường cả!
Dễ dàng thỏa hiệp khiến bạn trở nên dễ dãi trong mắt người khác
Hợp tác làm việc là quá trình cần sự đóng góp từ cả hai phía (hoặc nhiều phía). Trong quá trình thảo luận, người đưa ý tưởng luôn muốn nhận được càng nhiều phản hồi càng tốt để công việc đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu là bạn thì bạn có thích những ý kiến mình đưa ra nhận được phản ứng hời hợt, nhạt nhẽo không? Bạn có đủ tin tưởng là với những ý tưởng bình bình đó thì mình có thể thành công?
Nhiều người cho rằng dễ dàng thỏa hiệp là một hình ảnh tốt, người khác sẽ nghĩ bạn là người dễ chịu, thoải mái nhưng đôi khi điều đó trở thành rào cản khiến bạn không thể nói lên suy nghĩ, phản hồi mang tính chất xây dựng của mình. Khi ai đó tìm đến bạn và xin ý kiến, tức là họ kỳ vọng nhiều vào những lời nhận xét của bạn sẽ đem đến một cái gì đó tốt đẹp hơn. Và rồi, bạn thờ ơ trả lại họ những ý kiến vô giá trị sao?
Một số người khác lại ngại nói ra ý kiến vì sợ sẽ làm tổn thương ai đó. Điều này có thể đúng, nhưng không tốt vì trung thực luôn là cách tốt nhất để cải thiện vấn đề. Sự thận trọng thái quá đôi khi chính là con dao hai lưỡi khiến công việc và các mối quan hệ chẳng đi đến đâu.
Thay vì dễ dàng đồng thuận, hãy tập đưa ra các phản hồi chi tiết
“Đồng ý” không giúp gì được cho kỹ năng giao tiếp của bạn đâu. Thay vào đó, hãy tập đưa ra chính kiến trước bạn bè và đồng nghiệp để thể hiện tính cách, cá tính rõ ràng hơn. Đó không cần là vấn đề gì quá sâu sắc, bạn chỉ cần nêu ra những điều khiến mình còn băn khoăn để cả hai phía tiếp tục đào sâu thêm vấn đề. Càng đi vào chi tiết thì các vấn đề càng rõ ràng, việc giải quyết cũng đưa lại kết quả tốt hơn.
Không thỏa hiệp với chính mình
Thỏa hiệp chưa bao giờ là một cách giải quyết tốt, kể cả khi trả lời vấn đề của người khác, hay giải quyết vấn đề của chính mình. Bạn có thể cho rằng, cuộc sống của mình đang rất ổn nhưng điều đó đồng nghĩa với không có động lực nào để tạo ra bước đột phá tốt hơn.
Khi đối diện với khó khăn, chúng ta thường có xu hướng tự hòa hoãn, ám thị bản thân rằng Mọi chuyện sẽ ổn thôi, mình có thể kiểm soát được vấn đề. Nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì, lại càng khiến vấn đề tồi tệ hơn mà thôi. Thay vì thế, bạn có thể bộc bạch trung thực: “Tôi sợ ngày mai mọi chuyện sẽ không được tốt đẹp gì” để có động lực thúc đẩy.
Hãy nhớ rằng, không ai thành công khi bước đi trên một con đường trải hoa hồng. Họ gặp khó khăn và mạnh dạn đối diện với chúng. Tự tin đưa ra ý kiến đóng góp sẽ giúp công việc chung đạt được hiệu quả cao hơn, con người bạn cũng được bộc lộ rõ ràng và tích cực hơn.
Thu Hoài