Sự kết hợp hiệu quả từ nhiều mô hình tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển nhìn nhận, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả; sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương; các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội; cơ quan thông tấn, báo chí; các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội..., công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện các quy định của luật từng bước ăn sâu, bén rễ trong đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong chấp hành pháp luật trên biển.
Thiếu tướng Bùi Quốc Oai - Chính ủy Cảnh sát biển báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Đề án. |
Nâng cao một bước về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân; làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng Cảnh sát biển, từ đó tích cực chung sức, đồng lòng cùng Cảnh sát biển và các lực lượng chức năng trên biển thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn cho các vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Thông qua các hoạt động phối hợp tuyên truyền còn góp phần xây dựng mối đoàn kết, đồng thuận cao giữa các bên, tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, lực lượng, địa phương.
Trong Luật cảnh sát biển Việt Nam Chương III: Hoạt động Cảnh sát biển Việt Nam, Mục 3: Hợp tác quốc tê của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 21. Hình thức hợp tác quốc tế
1. Trao đổi thông tin về an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
2. Tổ chức hoặc tham dự hội nghị, hội thảo quốc tế về an ninh, trật tự, an toàn và thực thi pháp luật trên biển.
3. Tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế với lực lượng chức năng của quốc gia khác, tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật trên biển.
5. Tham gia diễn tập, huấn luyện; tổ chức đón, thăm xã giao lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
6. Thực hiện các hoạt động của cơ quan thường trực, cơ quan đầu mối liên lạc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.
7. Các hình thức hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế.
Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, tác động, ảnh hưởng xấu tới kinh tế, chính trị thế giới; tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội với nhiều thủ đoạn tinh vi, công khai và quyết liệt hơn... Công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên các vùng biển ngày càng phức tạp.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, nhanh chóng đưa luật vào thực tiễn cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả trong bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển và xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị có liên quan đến biển; phát huy trách nhiệm của ban chỉ đạo, cơ quan thường trực ban chỉ đạo, lực lượng chuyên trách các cấp trong triển khai thực hiện đề án; tăng cường lồng ghép, kết hợp nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong các lớp tập huấn, hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các cuộc vận động, phong trào của đơn vị, địa phương.
Phát huy hơn nữa vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, các thiết chế văn hóa-thông tin cơ sở; tăng cường số lượng, thời lượng các chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến luật. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến luật gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; thông qua các kênh hợp tác, phối hợp, chú trọng mở rộng tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra khu vực, đến lực lượng thực thi pháp luật của các nước có biển liền kề...
Giới thiệu tài liệu tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho học sinh thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. |
Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo sự nhịp nhàng, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là ban chỉ đạo, cơ quan thường trực giúp việc ban chỉ đạo các cấp trong triển khai thực hiện đề án. Coi trọng và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; tranh thủ nguồn lực, bộ máy, thiết chế và kinh nghiệm của hội đồng để triển khai tốt các hoạt động tuyên truyền.
Duy trì tốt mối quan hệ công tác, thực hiện tốt quy chế phối hợp đã ký giữa ban chỉ đạo đề án các cấp với các ban, bộ, ngành, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Gắn công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở địa phương, đơn vị quân đội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương sản xuất nhiều sản phẩm tuyên truyền có chất lượng, theo chuyên đề để lan tỏa Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành luật vào cuộc sống...
Với sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trên cả nước, Đề án “Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023” đã và đang từng bước đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Qua đó, thiết thực làm giảm vi phạm pháp luật trên biển, đưa phong trào tìm hiểu pháp luật, thực hiện đúng pháp luật trên biển lan tỏa trong toàn xã hội; góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Văn Cường