"Sự cố" hy hữu và xe tăng T-90 bị thất sủng trong Lễ duyệt binh Ngày chiến thắng Phát xít?
Từ "sự cố" hy hữu...
Theo kịch bản Lễ duyệt binh Ngày chiến thắng Phát xít 9/5 ở Nga năm nay sẽ diễn ra rất hoành tráng với sự tham gia của 10.000 binh sĩ cùng hàng trăm khí tài quân sự.
Tuy nhiên, vì lý do thời tiết xấu, đội hình máy bay vốn rất được kỳ vọng sẽ bay qua Quảng Trường Đỏ đã không thể thực hiện được màn trình diễn đẳng cấp của mình. Trời mưa, nhiều mù khiến các máy bay không thể cất cánh, tập hợp đội hình để phục vụ buổi Lễ. Thật đáng tiếc!
Được biết, dự báo thời tiết xấu nên quân đội Nga đã cố gắng bằng mọi giá dùng máy bay vận tải thả hóa chất đuổi mây từ 0h ngày 9/5 nhưng bất thành.
Vẫn biết nắng mưa là chuyện của trời, thời tiết xấu là điều bất khả kháng nhưng "sự cố" này khiến đông đảo người xem truyền hình và những người có mặt trực tiếp tham dự Lễ duyệt binh tại Quảng trưởng Đỏ không khỏi hẫng hụt.
Trong lịch sử các cuộc diễu (duyệt) binh của các quốc gia nhiều năm qua, có không ít lần phải cắt ngắn hoặc hủy bỏ chương trình vì lý do thời tiết.
Đối với các máy bay, khí tượng xấu, mưa, nhiều mây mù tầm nhìn kém là cản trở rất lớn, có thể uy hiếp an toàn bay, không chỉ với máy bay và phi công mà còn hàng chục nghìn người, gồm cả những nguyên thủ, các nhân vật đặc biệt quan trọng đang dự lễ ở phía dưới.
Chắc chắn các chỉ huy của Lễ duyệt binh cũng sẽ không dám mạo hiểm cho các máy bay thực hiện màn trình diễn theo kịch bản. Và, Lễ duyệt binh Ngày chiến thắng Phát xít 9/5 ở Nga năm nay cũng vậy. Điều đó là không thể khác được, họ đã làm đúng.
... tới xe tăng T-90 bị thất sủng?
So với năm ngoái, sự kiện năm nay đã diễn ra có sự xuất hiện của một số loại vũ khí trang bị mới mà Nga chế tạo để trang bị cho các đơn vị đóng quân ở Bắc Cực có băng giá tuyết trắng điển hình, nhưng lại không có sự tham gia của xe tăng T-90.
Thay vào đó là các xe tăng T-72B3 nâng cấp trên cơ sở các xe tăng T-72 cũ. Sự thiếu vắng này đã khiến dư luận nảy sinh những tranh cãi trái chiều, thậm chí có ý kiến cực đoan cho rằng T-90 đã hết thời, bị thất sủng! Sự thật có phải thế không?
Xe tăng T-72B3 diễu qua Quảng Trường Đỏ trong Lễ duyệt binh hôm nay ở Nga.
Thứ nhất, khi mà xe tăng T-14 Armata thế hệ mới đã bắt đầu đưa vào sản xuất loạt nhỏ và sắp tới sẽ chính thức được đưa vào trang bị cho Lục quân Nga với số lượng lớn, T-90 không còn phải là hàng gia bảo, là vũ khí tối mật của Quân đội Nga.
Dây chuyền chế tạo các biến thể xe tăng T-90 hiện giờ tập trung vào các đơn hàng phục vụ xuất khẩu, còn quân đội Nga chỉ được cung cấp một số lượng khá nhỏ giọt dòng xe tăng này.
Có lẽ đây là điểm mấu chốt mà phe cho rằng T-90 đã hết thời, bị thất sủng bám vào.
Thứ hai, trong khi đó, xe tăng T-72B3 lại được chọn để tham gia Lễ duyệt binh năm nay. Chúng đang được đẩy mạnh nâng cấp (từ những phiên bản T-72 đời cũ) và trang bị ồ ạt cho các đơn vị, trở thành "bộ mặt" - quả đấm thép trên bộ của lục quân Nga.
Rõ ràng, tại thời điểm này, vị thế của T-72B3 đang lên, chúng được báo chí Nga cũng như nước ngoài liên tục đề cập tới trong thời gian gần đây như một ngôi sao sáng. Ngược lại, ngoài những thông tin về quảng bá, xuất khẩu ra nước ngoài, T-90 trong quân đội Nga ít được báo chí nhắc tới.
Lại thêm một lý do khiến T-90 bị cho là thất sủng!
Tuy nhiên, cũng như T-90, T-72B3 cho dù vẫn sẽ là xương sống của Lục quân Nga trong vài chục năm nữa nhưng chúng đều là những loại vũ khí được trang bị trong giai đoạn "quá độ" lên hiện đại, so ra thì sau nâng cấp, tính năng của T-72B3 không thua kém so với T-90 là bao.
Xe tăng chiến đấu chủ lực T-90A trong Lễ duyệt binh năm ngoái.
Như vậy, về thực chất T-90 hay T72B3 xuất hiện trên Quảng Trường Đỏ cũng không khác nhau nhiều lắm. Quy mô có hạn, mỗi loại vũ khí sẽ đại diện cho một lực lượng chủ chốt trong Quân đội Nga, các nhà hoạch định sẽ không thể nhắm mắt "nhồi" T-90 chạy cùng T-72B3. Họ chỉ có 1 lựa chọn mà thôi và kết quả nghiêng về T-72B3.
Xe tăng T-90 của Nga ở Syria vẫn sống sót khi bị trúng tên lửa TOW của Mỹ.
Nên nhớ, T-90 đã chứng minh khả năng tuyệt vời ở chiến trường khốc liệt Syria nhưng có thể trong giai đoạn này, T-90 đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều khách hàng và giành được khá nhiều hợp đồng xuất khẩu lớn, với số lượng hàng nghìn chiếc nên Nga ưu tiên quảng bá để bán xe tăng T-72B3 ra nước ngoài chăng?
Thị trường nâng cấp hàng chục nghìn chiếc xe tăng T-72 đời cũ khá hấp dẫn, có thể đem lại cho các nhà thầu quốc phòng nhiều tỷ USD trong những năm tới, chả thế mà không chỉ Nga, nhiều tập đoàn quốc phòng lớn trên thế giới đang cạnh tranh quyết liệt để giành giật phân khúc béo bở này.
Mai Anh