Su-57 bộc lộ điểm yếu đầu tiên trong quá trình triển khai tại Syria?
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hàn thông tấn Interfax, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết: "Với những bức ảnh chụp từ vệ tinh, tôi có thể nói rằng bây giờ không phải là những năm 95, những chiếc máy bay như vậy không bao giờ đứng cạnh nhau".
"Những bức ảnh đã được công bố - tôi không biết chúng từ đâu, vì tất cả các máy bay lúc nào cũng ở trong nhà trú ẩn. Tôi hy vọng năm nay chúng ta sẽ hoàn thành một chu kỳ thử nghiệm đầy đủ và đây sẽ là một bất ngờ đối với các đồng nghiệp", ông Shoigu nói thêm.
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã để lộ trong đó một thông tin rất đáng để quan tâm, ngoài việc cất Su-57 tại một vị trí bí mật trong nhà nhằm bảo đảm an toàn cho nó trước các phương tiện trinh sát của Mỹ hay Israel thì liệu rằng đây có phải là yêu cầu bắt buộc trong quá trình đảm bảo kỹ thuật cho chiếc chiến đấu cơ tối tân này?
Tiêm kích Su-57 được bảo quản trong khu nhà chứa máy bay với kết cấu và tiện nghi đặc biệt
Như đã biết, một trong những kỹ thuật tàng hình của chiến đấu cơ thế hệ 5 nằm ở lớp sơn phủ công nghệ cao của nó. "Chiếc áo" đặc biệt này có tác dụng hấp thụ sóng radar và triệt tiêu nhiệt lượng phát ra từ động cơ hay ma sát với không khí trong quá trình hoạt động.
Tác dụng rất lớn, tuy nhiên lớp sơn này còn là một ác mộng đối với đội ngũ làm công tác bảo trì máy bay vì nó vô cùng nhạy cảm, đặc biệt dễ tổn thương khi gặp phải điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chỉ một vết xước nhỏ cũng đủ khiến khả năng hấp thụ sóng radar giảm đi trông thấy.
Chính vì vậy, thông thường tiêm kích F-22 Raptor hay F-35 Lightning II của Mỹ yêu cầu phải có một khu nhà chứa máy bay công nghệ cao được lắp điều hòa không khí để duy trì nhiệt độ và độ ẩm lý tưởng, quá trình thao tác với thiết bị cũng phải đặc biệt thận trọng.
Yêu cầu khắc nghiệt và nghiêm ngặt như trên bị coi như một trong những điểm yếu lớn của tiêm kích thế hệ 5.
Máy bay tàng hình của Mỹ yêu cầu một chế độ "chăm sóc" vô cùng đặc biệt
Cần lưu ý rằng xét riêng công nghệ sản xuất và vận hành tiêm kích thế hệ 5 thì Mỹ đã đi trước Nga tới vài thập kỷ, rắc rối trong quá trình bảo dưỡng F-22 và F-35 chưa thể giảm nhẹ mặc dù họ đã cố gắng rất nhiều, bởi vậy thật khó tin rằng một quốc gia đi sau như Nga lại vượt qua rào cản trên.
Qua lời tuyên bố của ông Shoigu, chúng ta đã nhận ra được phần nào vấn đề, chiếc Su-57 không được tập kết bên cạnh những chiến đấu cơ thế hệ 4 khác, bất chấp điều đó sẽ làm lực lượng bảo vệ của Nga phải căng sức và kéo giãn đội hình vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của mình.
Việc Nga cấp tốc rút 2 chiếc Su-57 về nước sau chỉ vỏn vẹn 2 ngày hoạt động tại Syria với vài vòng "dạo chơi" quanh bờ biển Latakia phải chăng là do điều kiện khí hậu và bảo dưỡng tại Syria không đủ để đảm bảo sức chiến đấu cho chiếc tiêm kích tối tân này?
Dĩ nhiên những điều trên mới chỉ là phỏng đoán nhưng cũng không thể loại trừ khả năng Su-57 của Nga cũng mang điểm yếu cố hữu như máy bay của Mỹ đó là có một lớp áo quá mỏng manh.
Chí Linh