Sôi động thị trường vàng mã cúng ông Công, ông Táo
Đã thành tục lệ, cứ ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng và lễ vật (bao gồm mũ, áo, hài, tiền, vàng) cùng một con cá chép để thả, với mong muốn tiễn ông Công, ông Táo về chầu Trời tâu với Ngọc Hoàng những việc gia chủ đã làm trong năm qua và cầu chúc cho một năm mới sắp đến với những bình an và may mắn.
Theo ghi nhận, tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như phố Hàng Mã, Lương Văn Can… hay các khu chợ như chợ Hôm, chợ cóc nhỏ gần các khu dân cư và cả trên các gánh hàng rong bên đường phố, các mặt hàng phục vụ Tết ông Công, ông Táo được bày bán nhiều, chủ yếu là đồ vàng mã truyền thống như bộ táo quân, thần linh, quần áo, mũ, hài, cá chép giấy, tiền, vàng, hương, nến.
Những đồ vàng mã để cúng ông Công, ông Táo gồm mũ, hài, quần áo, vàng...
Sôi động nhất phải kể đến phố Hàng Mã, với người qua kẻ lại rất tấp nập. Đây là thời điểm ăn nên làm ra của các cửa hàng tại phố Hàng Mã khi lượng đồ cúng được tiêu thụ trên thị trường tăng cao đặc biệt trong năm.
Phố Hàng Mã là nơi bán đồ vàng mã tấp nập nhất Thủ đô
Năm nay, giá cả các mặt hàng không biến động nhiều so với ngày thường. Giá bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo, gồm mũ, hài, cá chép dao động từ 35.000 – 300.000 đồng tùy chất liệu, kích cỡ; quần áo từ 10.000 – 20.000 đồng/bộ; ngựa từ 25.000 – 100.000 đồng/con tùy loại to, nhỏ; tiền vàng, thỏi vàng thần tài có giá từ 30.000 đồng/vật phẩm; bộ tiền vàng giá từ 10.000 – 20.000 đồng/tập tùy loại…
Ngoài những bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo thông thường như mọi năm thì năm nay còn có những bộ vàng mã kích thước lớn hơn và mẫu mã bắt mắt. Đây là những sản phẩm cao cấp và có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/bộ. Điểm khác biệt của những bộ vàng mã này ngoài kích thước lớn thì cá chép không chỉ được làm từ giấy mà các sở sản xuất còn sử dụng thêm khung tre để làm hình cá chép 3D.
Những gánh hàng rong bán đồ cúng ông Công, ông Táo cũng đắt khách
Những đồ hàng mã phục vụ Tết ông Công, ông Táo chủ yếu được lấy từ làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) và Văn Hội (Thường Tín, Hà Nội).
Những năm gần đây ở một số nơi, một số gia đình, không chỉ cúng lễ bộ vàng mã truyền thống mà đi kèm theo là các sản phẩm hiện đại như nhà lầu, xe hơi...đủ chủng loại.
Chị Hoa, một chủ của hàng bán vàng mã tại phố Hàng Mã cho biết: “Từ sau Rằm tháng Chạp là người dân bắt đầu đi mua đồ cúng ông Công, ông Táo vì sợ mua thời điểm cận ngày rất đông và đắt. Năm nay, đồ cúng ông Công, ông Táo mẫu mã và màu sắc bắt mắt hơn. Thị hiếu của người dùng cũng dần thay đổi. Ngày càng nhiều người quan tâm đến mẫu mã kiểu dáng hơn là giá thành. Mặt hàng bán chạy nhất vẫn là bộ cúng quan thần linh, táo quân”.
Những bộ cúng Táo quân truyền thống được nhiều người ưa chuộng
So với các dịp lễ, Tết khác như Rằm tháng Bảy hay Rằm tháng Giêng thì Tết ông Công ông Táo nhu cầu của người dùng về vàng mã luôn tăng cao. Nhờ vậy mà doanh thu của nhiều cửa hàng bán vàng mã tại những tuyến phố của Hà Nội cũng lên đến cả trăm triệu. Một chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã tiết lộ, năm trước, Tết ông Công, ông Táo doanh thu nhờ bán vàng mã luôn cao gấp đôi so với Rằm tháng Bảy và gấp ba so với ngày Rằm, mồng Một hàng tháng. Năm nay, tính từ Rằm tháng Chạp, tại cửa hàng này đã có doanh thu cao nhất có ngày lên đến 22 triệu đồng tính cả bán buôn.
Không khí mua sắm nhộn nhịp trên các con phố
Dù phải mua một số mặt hàng với giá đắt hơn vào thời điểm này nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chấp nhận, vì với họ, mỗi năm chỉ có một dịp lễ ông Công, ông Táo và điều quan trọng nhất là những ước mong trong dịp này sẽ trở thành hiện thực.
Chị Phương (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường hay mua đồ vàng mã cúng ông Công, ông Táo trước 1 tuần. Vì mua sớm có thể chọn lựa kĩ càng mà không sợ đông. Hơn nữa, mua trước thì giá sẽ thấp hơn một chút so với cận ngày. Bình thường thì tôi hay mua một bộ mũ, hài, tiền, vàng, cá loại đẹp nhất, giá cao hơn một chút nhưng cả năm mới có một ngày mà, đồ cúng lễ không thể xuề xòa quá được”.
Dù nhiều mặt hàng đắt hơn ngày thường nhưng người dân vẫn vui vẻ chấp nhận
Cùng với đồ vàng mã, cá chép cũng là mặt hàng bán chạy trong dịp này. Tại các chợ dân sinh tại Hà Nội, các chủ bán cá hàng ngày đều nhập cá chép, cá vàng về phục vụ nhu cầu của nhân dân trong Tết ông Công, ông Táo với đủ các chủng loại, giá cả.
Minh Châu