Sinh viên được tự do trong Giáo dục khai phóng
Ngày 16/10, hội thảo về mô hình giáo dục khai phóng đã diễn ra với sự tham ra của đông đảo các chuyên gia giáo dục, học sinh, sinh viên và phụ huynh. Hội thảo tập trung làm rõ các vấn đề, tranh luận xoay quanh mô hình giáo dục khai phóng mới được áp dụng ở Việt Nam hiện nay.
Giá trị thực của giáo dục khai phóng
Tại hội thảo, GS.TS. Furuta Motoo – Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật cho biết, xã hội luôn cần giáo dục khai phóng, đặc biệt trong thế kỷ 21. Sự bùng nổ của công nghệ trong thời kỳ này khiến nhiều người nghĩ rằng đây là thời đại của khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ.
GS.TS. Furuta Motoo phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, vào giai đoạn nhân loại phải đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, phức tạp, vượt qua ranh giới của bất kỳ chuyên môn hẹp nào như khoảng cách giàu nghèo, phân biệt đối xử, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu... những người đi đầu, lãnh đạo phải giữ vững được động lực, có cái nhìn toàn cảnh, đủ kiến thức cả về tự nhiên, con người lẫn xã hội, làm việc và hợp tác với những người cùng chí hướng đến từ các lĩnh vực khác nhau, để giải quyết những vấn đề trên trong khi vẫn thúc đẩy những tiến bộ về khoa học công nghệ.
Chính vì hiểu được giá trị của giáo dục khai phóng và nhu cầu của xã hội, Trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN ngay từ những ngày đầu thành lập đã lựa chọn theo đuổi triết lý giáo dục khai phóng.
GS Furuta Motoo cho hay, tại Trường Đại học Việt Nhật, học viên được tự do lựa chọn những môn học ở những chương trình đào tạo khác ngoài học phần của mình: học viên Kỹ thuật Môi trường có thể học môn học từ chương trình Biến đổi Khí hậu và Phát triển; học viên Quản trị Kinh doanh có thể học môn học từ chương trình Chính sách công...
Người học được học tập trong môi trường mà họ được tôn trọng về sở thích và khao khát tìm kiếm tri thức, được khuyến khích chủ động thể hiện và tiếp thu tri thức thông qua các buổi hội thảo, gặp gỡ giao lưu với các diễn giả nổi tiếng, các chuyên gia đầu ngành tại Nhật Bản và Việt Nam.
GS.TS. Furuta Motoo đánh giá: “Nền giáo dục Việt Nam hiện nay coi trọng giáo dục chuyên sâu, tập trung đào tạo một số lĩnh vực hẹp, chỉ nắm bắt kiến thức chuyên môn dùng đi xin việc nếu chỉ chuyên một ngành như vậy thì coi như đã thất bại ở thế kỷ 21. Tiêu biểu là các trường đại học đơn ngành tại Việt Nam đại học ngoại ngữ, đại học y, dược.... Mô hình đại học như vậy chỉ phù hợp trong xã hội tương đối ổn định nhưng nó sẽ không tồn tại mãi và lạc hậu”.
Giải bài toán thất nghiệp hiện nay?
Triết lý của giáo dục khai phóng là coi trọng kiến thức cơ bản, giáo dục đại cương, tăng cường môn học tự chủ phù hợp với kiến thức xã hội phát triển, với bản thân người học, được tự do lựa chọn học tập, nghiên cứu theo nhu cầu.
Thống nhất với đánh giá của GS.TS Furuta Motoo, bà Đàm Bích Thủy, Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, bản chất của mô hình giáo dục khai phóng không phải là học gì mà là học như thế nào, học từ cách suy nghĩ tìm vấn đề, diễn giải ý kiến cho mọi người hiểu, học ở đây là học liên tục và học nhiều môn, nhiều khía cạnh. Đã có nhiều tranh cãi giá trị thực của giáo dục khai phóng.
Đây không phải là mô hình giáo dục duy nhất, đây chỉ là 1 trong những lực chọn của phụ huynh và học sinh, khi các học sinh bước chân vào cánh cổng đại học thì đó chính là lúc bạn đã tham gia vào giáo dục khai phóng. Không chỉ dạy 1 nghề cho sinh viên mà là giúp sinh viên có thể làm nghề 2, nghề 3, nghề thứ n+1 bằng đam mê nghiên cứu và tự do chọn lựa môn học là một trong những mục đích mô hình hướng tới.
Bà Thủy dẫn chứng: “Ông chủ Facebook - Mark Elliot Zuckerberg là điển hình về giáo dục khai phóng, cấp 3 thì học về tiếng la tinh, đại học thì học về tâm lý, trong khi ra trường thì môn kĩ thuật máy tính và môn hành sử của người tiêu dùng lại là lĩnh vực giúp Mark thành công khi lập ra một trang mạng xã hội lớn nhất thế giới”.
Bên cạnh đó, bạn Ngô Ngọc Tú, cựu sinh viên ĐH Stanford chia sẻ: “Nếu đã có may mắn học đại học thì khi ra trường phải tìm được việc làm, nếu bạn không tìm được việc đó là trách nhiệm của chính bạn, chứ không phải của bố mẹ hay nhà trường hay xã hội. Chọn được một trường đại học không phải là tất cả tương lai, tương lai là cách các bạn nghiên cứu nó ra sao và trau dồi như thế nào”.
Các chuyên gia cũng đồng tình, thước đo của nền giáo dục khai phóng sẽ là những con người tự do, sáng tạo, toàn diện và quan trọng nhất, được các nhà tuyển dụng trong nước và quốc tế sử dụng. Đó cũng là giải pháp cho bài toán thất nghiệp hiện nay.
Giáo dục đại học Việt Nam có sẵn sàng với giáo dục khai phóng?
Chia sẻ về câu hỏi mức độ sẵn sàng tiếp nhận, triển khai với mô hình này, GS.TS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT: “Nền giáo dục Việt Nam đã sẵn sàng với mô hình giáo dục khai phóng, nhưng vẫn mang tính manh nha, chưa đồng loạt và cụ thể bằng hành động, kiến thức lý thuyết còn quá nặng nề, thực hành thì gần như rất yếu. Nghề nghiệp sẽ biến và thay đổi theo thời gian, nhưng năng lực con người sẽ còn mãi vậy thì yếu tố kĩ năng mới là quyết định chính trong cuộc cánh mạng công nghệ 4.0 này".
Trên thực tế, giáo dục khai phóng đã được áp dụng ở Việt Nam từ lâu. Và mô hình giáo dục đại cương ở các trường đại học trong nước chính là một thể hiện của hình thức này.
GS.TS Phạm Quang Minh chia sẻ, phản biện và cùng thảo luận tại hội thảo
GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học và Xã hội đưa ra ý kiến: “Không thể gọi mô hình giáo dục khai phóng là giáo dục đại cương mà nó chỉ là hơi hướng mang tinh thần và bao hàm nhau. Vấn đề của giáo dục khai phóng là không đào tạo chuyên sâu, chuyên nghiệp về 1 ngành nào đó mà nó tập trung vào giáo dục cơ bản, để phát huy tốt nhất năng lực cá nhân của mỗi sinh viên.
Cần thiết nhất là thiết kế lại các chương trình đào tạo giáo dục của sinh viên hiện nay cho phong phú hơn. Một sinh viên có thể học được nhiều kiến thức, từ luật học, văn hóa, kĩ thuật…thật phong phú từ đó nêu cao tính tự do trong lựa chọn chương trình học của sinh viên, loại bỏ những học phần chưa hợp lí.
GS Minh chỉ ra điểm yếu, cụ thể đơn cử riêng đối với 03 môn Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và lý luận chính trị. 3 môn học này cần phải được đổi mới từ nội dung, phương pháp giảng dạy và học cho phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng 4.0. Việc đổi mới này cần phải được chỉ đạo thống nhất trong toàn ngành giáo dục, nhưng đặc biệt các giảng viên của 3 môn này phải đổi mới.
“Câu chuyện sinh viên giỏi tốt nghiệp đại học, khó khăn vào đời là điều phổ biến, lí do chính là vì chưa tự trưởng thành, chưa tự đi tìm được việc làm cho mình, đâu phải chăm chăm chỉ riêng nghề của mình là sẽ có việc làm. Nhưng chính trong bản thân các trường áp dụng mô hình cũng hiểu chưa đúng nội hàm giáo dục đại cương. Dạy các môn về chính trị, văn hóa theo lối mòn đọc chép, không tư duy mới, chiếm quá nhiều tín chỉ của sinh viên, theo kiểu dạo chơi một cách không phù hợp với cải cách giáo dục tiên tiến”. TS Đào Quang Minh, Hiệu trường Đại học Thành Tây.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, cô Ngô Minh Thủy, phó Hiệu trưởng, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, bày tỏ: “Giáo dục khai phóng là người học được tự do học để giải quyết vấn đề chính cuộc sống của họ. Trong khi giáo dục nước ta lại chỉ chăm chăm đào tạo hướng chuyên sâu, làm nảy sinh vấn đề coi thường giáo dục nghề và coi trọng bằng cấp, hoặc lẫn lộn đào tạo giữa 2 yếu tố đó. Cử nhân thất nghiệp hàng loạt, nghề thiếu nhân lực, mâu thuẫn lớn về lựa chọn định hướng, đam mê cho giới trẻ hiện nay đang rất sai.
Tất nhiên, giáo dục khai phóng không phải là cây đũa thần để cải tổ quan điểm giáo dục chỉ có “thầy nói – trò nghe” theo lối rập khuôn. Bởi mỗi con người là một cá thể duy nhất và khác biệt.
Vì vậy, có thể giáo dục khai phóng phù hợp với người này nhưng lại không hiệu quả với người khác. Do đó, giáo dục khai phóng có lẽ nên được khuyến khích nhằm đa dạng hóa mô hình giáo dục, thay vì chỉ hiểu đơn giản là để phủ nhận hay từ bỏ các quan điểm giáo dục truyền thống.
Theo Dân trí