Siêu chiến hạm mới hạ thủy của Mỹ thừa sức đánh bại Type 001A
Tiến độ thi công chiếc LHA-7 Tripoli đã được nhà sản xuất Huntington Ingalls Industries (HII) đẩy nhanh 13 tuần so với kế hoạch, theo dự kiến con tàu sẽ chính thức hoạt động trong Hải quân Mỹ từ năm 2018.
Được biết USS Tripoli cũng là chiếc cuối cùng thuộc "Flight 0" trong lớp tàu đổ bộ tấn công America. Thế hệ "Flight 1" bắt đầu bằng tàu USS Bougainville (LHA-8) sẽ có khoang chuyên dụng để triển khai xe bọc thép lưỡng cư, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào máy bay như hiện nay.
Tàu đổ bộ tấn công USS Tripoli (LHA-7) lớp America trong ngày hạ thủy
Mặc dù phân loại là tàu đổ bộ tấn công tuy nhiên kích thước của USS Tripoli không thua gì tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle của Hải quân Pháp, với chiều dài 257 m, chiều rộng 32 m, lượng giãn nước đầy tải trên 45.000 tấn.
Tàu có thể mang theo 38 máy bay các loại trong cấu hình tiêu chuẩn, bao gồm 10 tiêm kích tàng hình F-35B, 12 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 8 trực thăng tấn công AH-1Z Cobra, 4 trực thăng vận tải CH-53E Super Stallion và 4 trực thăng tìm kiếm cứu hộ MH-60S Seahawk.
Đặc biệt, LHA-7 còn có khả năng hoạt động như một tàu sân bay cỡ nhỏ. Khi thực hiện nhiệm vụ này, con tàu sẽ mang tới 20 tiêm kích thế hệ 5 F-35B cùng 2 trực thăng MH-60S. Với lực lượng trên, LHA-7 tỏ ra vượt trội nhiều tàu sân bay hạng trung khác.
Tàu sân bay Type 001A của Hải quân Trung Quốc
So sánh với tàu sân bay mới hạ thủy của Trung Quốc - chiếc Type 001A, lớp hàng không mẫu hạm này mang được tối đa 48 máy bay các loại, trong đó đáng kể nhất là 24 tiêm kích Shenyang J-15. Trong trường hợp cần thiết, con tàu sẽ "cất bớt" trực thăng ở nhà để tăng cường số lượng J-15 lên khoảng 30 chiếc.
Tuy nhiên do không có máy phóng (tương tự như chiếc Liêu Ninh) mà J-15 vẫn chưa thể cất cánh từ tàu sân bay Type 011A với đầy đủ tải trọng cũng như cấu hình vũ khí tối ưu.
Trong khi đó, chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35B nhờ sở hữu khả năng cất cánh đường băng cực ngắn và hạ cánh thẳng đứng ưu việt mà nó vẫn hoạt động tốt trên một "tàu sân bay dự bị" như LHA-7 Tripoli.
Tiêm kích F-35B thử nghiệm hạ cánh trên tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp
Mặc dù còn nhiều tranh cãi về tính năng, tuy nhiên chương trình tiêm kích tiến công kết hợp của Mỹ vẫn đang tiến những bước vững chắc về đích. Trung tá Không quân Mỹ Matt Hayden cho biết "Sau khi trực tiếp lái F-35, tôi nghĩ rằng mình không muốn ngồi vào một chiếc phi cơ nào khác ngoài nó. Tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin đưa nó đến bất kỳ vùng chiến sự nào".
F-35 nói chung và F-35B nói riêng được nhận định thừa sức đánh bại các loại tiêm kích thế hệ 5 đang được Trung Quốc nghiên cứu, do vậy chiếc J-15 chắc chắn không phải đối thủ xứng tầm. Bắc Kinh hay Moskva có lẽ cũng thực sự cảm nhận được sức mạnh của chiếc tiêm kích đặc biệt này, thể hiện qua việc họ liên tục chê bai hòng gây sức ép khiến chương trình bị hủy bỏ.
Nếu thực sự F-35 tốn kém tiền bạc mà chẳng mang lại tác dụng nào, chỉ là một cỗ máy phá ngân sách, làm suy yếu Quân đội Mỹ thì chắc chắn người Nga hay Trung Quốc đã "ủng hộ nhiệt tình" và "đặc biệt lo ngại" để khuyến khích đẩy mạnh dự án chứ không như hiện nay.
Bởi vậy, tuy rằng chỉ có 20 chiếc F-35B nhưng năng lực chiến đấu của chúng tỏ ra vượt xa 30 chiếc J-15 của Type 001A, tàu đổ bộ tấn công LHA-7 Tripoli hoàn toàn đủ sức đánh bại tàu sân bay Type 001A trong tình huống đối đầu trực tiếp.
Bất ngờ lớn: Tiêm kích F-5E "tái xuất" từ kho lưu trữ của Quân đội Việt Nam
Nam Đồng