"Sẽ còn nhiều ông Hà Văn Thắm nữa nếu..."
Theo ông Cao Sỹ Kiêm, mấu chốt của tình trạng sai phạm và tội phạm trong l
ĩnh vực ngân hàng hiện nay là do nhà nước buông lỏng quản lý.
Ngày 24/10, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh khám xét, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Hà Văn Thắm (42 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đại Dương – OceanBank).
Qua vụ việc ông Hà Văn Thắm, dễ nhận thấy trong thời gian qua tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đang ngày càng gia tăng và có diễn biến phức tạp.
Bình luận về những vụ sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng trên: “Trước hết do việc rèn luyện cán bộ chấp hành các nguyên tắc của ngành,quy định của pháp luật ở nhiều ngân hàng chưa tốt, còn nặng vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích doanh nghiệp dẫn tới những sai phạm. Thứ hai, bản thân cán bộ trong ngành này cũng có sự thoái hóa, biến chất.
Cuối cùng do sự quản lý của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, chưa có sự phát hiện kịp thời, xử lý trực tiếp, đôi khi có chuyện “người này nhìn người khác”, cái nọ vướng cái kia thành ra luật không được thực thi nghiêm”.
Trong khi đó, ông Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lại cho rằng, sở dĩ tội phạm tài chính ngân hàng ngày càng gia tăng nguyên nhân chính vẫn là do thiếu cơ chế, chính sách và do đội ngũ cán bộ của ta vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Nói về khó khăn, rào cản trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm ngành ngân hàng, TS Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh: “Tôi không nghĩ có khó khăn, rào cản gì trong việc xử lý tội phạm ngân hàng. Quan trọng là các cơ quan chức năng phải phát hiện sai phạm đúng lúc, kịp thời, rõ ràng và thực thi luật nghiêm minh”.
Cũng theo ông Kiêm, ngoài ra các ngân hàng cũng phải thực hiện tốt việc giáo dục đội ngũ cán bộ hoặc có cơ chế buộc cán bộ của mình thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành, của nhà nước thì mới chấm dứt được tình trạng trên.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng không có khó khăn gì trong việc xử lý tội phạm ngân hàng. Vấn đề ở chỗ các cơ quan quản lý phải đánh giá rõ mức độ sai phạm thì Đảng mới xử lý được.
“Dù trình độ thấp tới đâu người ta cũng phải biết làm thế nào thì đúng/sai, có lợi cho nước, cho dân. Chỉ có điều nhận thức của mỗi người khác nhau”, ông Duyệt nêu quan điểm.
Với việc ông Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Dương bị bắt, theo ông Kiêm, nguyên nhân cũng bắt nguồn từ 1 trong 3 tồn tại kể trên.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng thời nhấn mạnh: “Nếu chúng ta làm tốt, xử lý triệt để 3 mặt hạn chế như tôi nêu trên thì sẽ không còn cán bộ ngân hàng sai phạm. Còn nếu cứ quản lý lỏng lẻo, kiểm tra, phát hiện không kịp thời, luật còn nhiều kẽ hở như hiện nay thì dứt khoát còn nhiều ông Hà Văn Thắm nữa”.
Tuy vậy, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, các hoạt động của OceanGroup, đặc biệt ngân hàng TMCP Đại Dương sẽ không bị ảnh hưởng nhiều từ việc ông Hà Văn Thắm bị bắt do các sai phạm hầu hết chỉ liên quan tới cá nhân ông Thắm.