Sau mưa ngập, nỗi lo dịch bệnh
Thời gian vừa qua, khoa Da liễu, BV Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhân bị mề đay do ướt hoặc lội nước. Tình trạng này kéo dài từ khi tiếp xúc trực tiếp với nước mưa đến khoảng 2 giờ sau. Bệnh thường tự hết nhưng nếu lại tiếp xúc với nước mưa tiếp thì sẽ tái phát. Tình trạng này lặp đi lặp lại trở thành bệnh lý thực sự do nước mưa gây ra.
Một bệnh phổ biến khác là viêm da do tiếp xúc. Hiện nay môi trường bị ô nhiễm, lượng khí CO2 tăng lên cộng thêm bụi bặm, khí độc, vi sinh trong không khí với nồng độ cao. Khi trời bắt đầu mưa, các chất này có thể bám vào da người tiếp xúc gây kích ứng da dẫn đến bệnh chàm do tiếp xúc. Dấu hiệu nhận biết bệnh này là bề mặt da đỏ lên và ngứa, nặng hơn sẽ xuất hiện các mụn nước.
Sau mưa ngập, nhiều dịch bệnh rất dễ bùng phát
Các bệnh về da do sử dụng áo mưa cũng sẽ gia tăng khi những phần cơ thể tiếp xúc với áo mưa hoặc áo mưa che phủ bị ẩm ướt. Nếu dầm mưa lâu, cơ thể sẽ tiết ra mồ hôi khiến da bị ẩm ướt, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho những loại bệnh lý nấm, ghẻ trên người bệnh nặng thêm, gây ngứa và lan ra những vùng khác trên cơ thể.
Bệnh viêm kẽ hoặc hăm kẽ sẽ xảy ra ở những người bị béo phì tại các vị trí nếp dưới vú, nách, bẹn. Mặt khác khi đi trong mưa ngập, vùng da ở bàn chân sẽ bị ảnh hưởng, mức độ nguy hại sẽ gia tăng với những mang giày bít, vớ bằng len ướt, ẩm sẽ dẫn đến bùng phát nhanh tình trạng nấm kẽ ở bàn chân. Tình trạng nhiễm trùng, bội nhiễm trên những người bệnh có sẵn các bệnh lý như chàm ở bàn chân, vết thương khó lành ở người bệnh đái tháo đường, người bị bệnh viêm mạch hoại tử bàn chân.
Bên cạnh đó sau mưa lũ xuất hiện nhiều bệnh khác như các bệnh tiêu hóa: tả, lị, tiêu chảy do rota vi rút, tiêu chảy do khuẩn E.coli, tình trạng nhiễm giun sán... cũng sẽ có cơ hội lây truyền nhanh hơn.
Trong môi trường nước bẩn, tù đọng là điều kiện cho nhóm vi rút Adeno hoặc vi khuẩn nhóm Chlamydia sinh sôi, nảy nở. Đây là nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ.
Để đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm trong điều kiện ngập úng, các bác sĩ khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Những người bị bệnh nấm bàn chân do mang giầy dép ướt hoặc do lội trong nước mưa lâu, biện pháp tốt nhất là tránh lội nước.
Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc sát trùng ở ngoài da nên lưu ý tiền căn người dùng có bị dị ứng hay không. Chất sát trùng ngoài da có thể sử dụng như I-ốt, dung dịch màu... là chất sát trùng rất tốt, có tác dụng điều trị diệt siêu vi, nấm, vi trùng nhưng lại dễ gây dị ứng da. Chỉ nên rửa chân bằng nước ấm và bôi thuốc sát trùng 10 phút sau khi rửa chân để có tác dụng tốt nhất.
Tránh lội nước để phòng bệnh về da (Ảnh minh họa)
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trong tình hình mưa lũ hoặc ngập lụt như ở TP HCM hiện nay, người dân cần phải thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…
Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.
Bình An