Sau 20 năm thu hồi Hồng Kông, Bắc Kinh đau đầu vì câu hỏi "Còn bao nhiêu người Hồng Kông yêu TQ?"
1/7/2017 là thời điểm đánh dấu mốc 20 năm Hồng Kông được trao trả lại Trung Quốc. Lễ kỷ niệm năm nay còn có sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ngày 1/7, ông Tập sẽ tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của tân trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam.
Đáng chú ý, dù Hồng Kông đã trở về Trung Quốc 20 năm nhưng những suy nghĩ của giới trẻ tại đặc khu kinh tế này - những người đang tích cực đòi quyền tự quyết - có thể sẽ tạo thành thách thức lớn cho ông Tập và giới chức Bắc Kinh.
Nhận thức thay đổi
Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), nhà hoạt động sinh viên Hồng Kông Chau Ho-oi - một trong số những người sinh ra vào thời điểm Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc cho biết cảm nhận bản thân hiện tại khác xa lúc còn nhỏ.
Chau Ho-oi - một thanh niên sinh ra tại Hồng Kông 6 tháng trước khi đặc khu này được trao trả lại cho Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Theo đó, năm 11 tuổi, ngồi xem Olympics Bắc Kinh 2008 cùng bố mẹ trên sóng truyền hình, Chau nhớ như in cảm giác vui sướng khi chứng kiến các vận động viên Trung Quốc càn quét bảng xếp hạng với 48 huy chương vàng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.
Cô nói: “Tôi nghĩ Trung Quốc thật tuyệt vời. Nếu hỏi tôi có muốn quay lại là người Trung Quốc không, chắc chắn tôi sẽ đồng ý”.
Tuy nhiên, cảm nhận của Chau dần dần đã thay đổi. Chau cũng chính là một trong số những người từng bị bắt trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ diễn ra năm 2014. Chau Ho-oi nói: “Bây giờ... tôi không muốn nói tôi là người Trung Quốc nữa. Dù cho bạn hỏi tôi cả trăm lần, tôi vẫn sẽ nói như vậy”.
Theo kết quả cuộc điều tra của Đại học Hồng Kông công bố vào tuần trước, tiến hành khảo sát trên 120 thanh niên, chỉ có 3,1% trong số những người từ 18 đến 29 tuổi xác định mình là “người Trung Quốc”. Khi cuộc khảo sát được tiến hành đều đặn nửa năm một lần này được bắt đầu 20 năm trước, con số này là 31%.
Trong cuộc phỏng vấn với 10 thanh niên Hồng Kông sinh năm 1997, trong đó có Chau, tất cả họ bao gồm cả một người nhập cư từ đại lục sang, đều nói với Reuters rằng: Họ coi mình là người “Hồng Kông” và "lòng trung thành cũng chỉ hướng về thành phố này".
Kể từ khi được trao trả lại Bắc Kinh, Hồng Kông đã áp dụng chính sách “một nhà nước, hai chế độ”, nhằm đảm bảo quyền tự trị, bao gồm bộ máy tư pháp độc lập và tự do ngôn luận, trong ít nhất 50 năm.
"Lòng yêu nước"
Tuy nhiên, theo Reuters, ngày càng nhiều giới trẻ Hồng Kông đang muốn quyền tự quyết cho Hồng Kông, điều này đã báo động giới quan chức Bắc Kinh.
Jojo Wong. Ảnh: Reuters
Tháng trước, ông Trương Đức Giang - được cho là nhân vật đứng thứ ba trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị đảng cộng sản Trung Quốc - người quản lý các vấn đề về Hồng Kông đã nhấn mạnh việc “tăng cường giáo dục quốc gia và giáo dục pháp luật cho giới trẻ Hồng Kông và bồi dưỡng những nhận định đúng đắn về quốc gia từ khi còn nhỏ” để giới trẻ Hồng Kông trở thành những “những người yêu nước”.
Tân lãnh đạo Hồng Kông, bà Carrie Lam, trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã đã nói, bà muốn nuôi dưỡng khái niệm “tôi là người Trung Quốc” cho giới trẻ từ cấp mẫu giáo.
Theo Tân Hoa Xã, hơn 120.000 thanh niên Hồng Kông sẽ tham gia vào những chương trình trao đổi giao lưu có liên quan đến đại lục, một vài chương trình được tài trợ bởi chính quyền Hồng Kông, như một cách kỉ niệm 20 năm cuộc chuyển giao chủ quyền tại đây.
Nhưng cách làm này có thể sẽ gây ra một phản ứng dữ dội hơn tại Hồng Kông, Reuters nhận xét.
Jojo Wong, một thanh niên 20 tuổi cho rằng khi chính quyền càng bắt ép người dân Hồng Kông yêu Trung Quốc thì sự phản đối trong dân chúng càng lớn hơn.
Thậm chí nhiều sinh viên khác như Felix Wu, người khá thờ ơ với các vấn đề chính trị, cũng tự nhận mình là người Hồng Kồng trước khi là một người Trung Quốc. Anh nói với Reuters: “Trung Quốc đại lục là một thị trường rộng lớn và Hồng Kông cần phải hội nhập với thị trường đó. Nhưng về chính trị, họ đã hứa là sẽ không có thay đổi gì trong 50 năm...".
Ludovic Chan, một sinh viên ngành kinh doanh mong muốn được tham gia vào ngành dân chính, luôn tự coi mình là người Hồng Kông trước tiên nhưng anh không cho rằng điều đó mâu thuẫn với việc là người Trung Quốc..
“Hai nền văn hóa khác nhau có thể cùng tồn tại. Họ không nên cứ luôn nói rằng Hồng Kông và Trung Quốc đại lục nên sát nhập với nhau. Nhưng hai bên có thể cố gắng để hiểu nhau hơn”.
Một vài sinh viên đại lục tại Hồng Kông cũng nhìn theo hướng tích cực.
Yoshi Yue, một sinh viên ngành kinh doanh đã sống tại Hồng Kông ba năm nói: “Hai mươi năm chỉ mới là một sự khởi đầu. Từ từ họ sẽ phát triển thứ cảm giác thuộc về. Đó là vấn đề về văn hóa, không phải chính trị”.
Việt Hương