Sau 17 lần thay đổi ĐKDN, ai là chủ nhân thực sự của dự án “đất vàng” 22-24 Hàng Bài?
Được biết, tháng 11/2004, khu đất có vị trí đắc địa hai mặt phố Hai Bà Trưng (số 25- 27) và Hàng Bài (số 22- 24) được UBND TP. Hà Nội quyết định thu hồi và giao cho Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà (thuộc TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng Trung tâm thương mại - văn phòng cao 7 tầng, với thời hạn thuê đất 20 năm.
Kèm theo đó là quy định về tiến độ triển khai dự án: Sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu công ty không triển khai xây dựng thì Sở Tài nguyên - Môi trường lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi quyết định thuê đất.
Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2011, dự án vẫn chưa được triển khai với lý do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì những hộ dân tại đây không đồng ý với việc UBND quận áp đặt mức giá cao nhất là 42 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, việc xây dựng một trung tâm thương mại cao 7 tầng tại khu vực này chắc chắn sẽ làm cho cảnh quan bị phá vỡ, mật độ giao thông thêm tắc nghẽn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã thuyết phục được 22 hộ dân nhận tiền đền bù và di dời, với mức 200 triệu đồng/m2. Còn 5 hộ dân trong số 27 hộ dân vẫn không chấp nhận mức giá đến bù đó và yêu cầu mức cao hơn.
Sau những lần thương lượng cuối cùng, những hộ còn lại đã chịu bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, tổng số tiền đền bù mà các hộ dân nhận được là 47 tỉ đồng, trong đó mức đền bù cao nhất là 500 triệu đồng/m2 (trong số 5 hộ thì có những hộ sinh sống trên tầng 2 được đền bù 200 triệu đồng/m2).
Dự án 22-24 Hàng Bài vẫn "đắp chiếu" sau khi về tay ông chủ mới
Thế nhưng, kể từ thời điểm đó cho đến nay, dự án với mức giá đền bù lên đến 500 triệu/m2 vẫn “đắp chiếu” và không có bất cứ một dấu hiệu nào cho thấy đang triển khai. Bên cạnh một mức giá đền bù khủng thì dư luận luôn đặt ra dấu hỏi lớn về chủ nhân thực sự của 4.000m2 đất vàng này là ai?
Theo tìm hiểu, tháng 11/2004, khu đất được UBND thành phố Hà Nội ra quyết định thu hồi và giao cho Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà (thuộc TCT Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội) thực hiện dự án xây dựng trung tâm thương mại - văn phòng cao 7 tầng, với thời hạn thuê đất 20 năm.
Sau đó, tại khu đất này lại mọc lên một tấm biển ghi rõ trụ sở của một doanh nghiệp có tên Công ty CP Thời Đại Mới T&T (Công ty T&T). Theo đó, đây là đơn vị do Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà sáng lập, với số vốn góp 80% trên tổng số vốn điều lệ. Số vốn còn lại là do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh) góp 14% và 2 cá nhân khác là 4% và 2%.
Tiếp tục, tháng 6/2009, UBND thành phố lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty T&T thực hiện dự án tại khu đất nói trên mặc dù trước đó, UBND TP. Hà Nội có quyết định điều chỉnh tên chủ sử dụng đất từ Công ty Kinh doanh và xây dựng nhà thành Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà (do doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước), đồng thời yêu cầu doanh nghiệp này ký lại hợp đồng thuê đất. Thời hạn thuê đất cũng được nâng từ 20 năm lên thành 50 năm.
Mặt khác, tại giấy chứng nhận đăng ký thay đổi kinh doanh lần thứ 7 của Công ty T&T, tỷ lệ góp vốn của các bên lại có sự thay đổi. Trong đó, Công ty CP Kinh doanh và xây dựng nhà chỉ còn 4%, hai cá nhân khác là 4% và 2%, còn Công ty Tân Hoàng Minh là 90%.
Tuy nhiên, đây không phải là lần thay đổi đăng ký cuối cùng của doanh nghiệp này. Tại lần thay đổi thông tin đăng ký mới đây nhất (lần thứ 17, ngày 29/8/2017) của Công ty T&T – chủ sở hữu lô đất số 22 – 24 phố Hàng Bài, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh đã chuyển nhượng toàn bộ 90,25% cổ phần của mình tại doanh nghiệp này. Ngoài ra, ba cổ đông còn lại của Công ty T&T (gồm một pháp nhân là CTCP Kinh doanh và Xây dựng – nhà đại diện là ông Hoàng Quang Thành – và hai cá nhân là bà Ngô Bích Thảo và ông Đỗ Quang Vy) cũng đều đã chuyển nhượng hết toàn bộ cổ phần của mình tại các lần thay đổi đăng ký trước.
Bên cạnh đó, chức vụ Tổng Giám đốc, Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty T&T cũng có sự thay đổi, khi ông Nguyễn Hồng Quân (sinh năm 1962, thường trú và chỗ ở hiện tại là E2, tập thể Quân khu thủ đô, phường Cống Vị, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) nắm cương vị này thay ông Lê Mạnh Dũng.
Như vậy, chủ nhân thực sự của “khu đất vàng” trên hiện tại là ai? Theo nguồn tin riêng của PV, đó là một trong những tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam, “cái tên” song hành với Tập đoàn Tân Hoàng Minh trong nhiều dự án đã và đang triển khai rầm rộ tại thủ đô.
Tuy đã về tay ông chủ mới hơn nửa năm, dự án 22-24 Hàng Bài vẫn đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Không chỉ để cỏ dại mọc um tùm, khu đất trong khuôn viên dự án đang được “tận dụng” để làm bãi trông giữ xe trái phép từ nhiều năm qua.
Trước những thực trạng nêu trên, dư luận cho rằng dự án này không minh bạch từ khâu thẩm định, phê duyệt cho đến GPMB và có dấu hiệu lợi ích nhóm nhằm tư lợi cá nhân?
Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; giao Sở TN&MT rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa đất vào sử dụng; báo cáo TP. trước ngày 30/4/2018.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Thanh Phong