Sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả to - Xe tăng Việt Nam từ nay không quá lo hết đạn!
LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, các Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần để Bộ đội ta thần tốc giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam.
Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử cùng nhiều câu chuyện thú vị.
---
Là lực lượng đột kích của Lục quân, thường tham gia đột phá trên các hướng chủ yếu của trận đánh, chiến dịch, mục tiêu chủ yếu của xe tăng là xe tăng, thiết giáp của đối phương, các loại hỏa khí, lô cốt công sự chiến đấu kiên cố và cả bộ binh địch. Vì vậy, lượng đạn dược xe tăng sử dụng trong mỗi trận đánh thường khá lớn.
Và một trong những niềm mong muốn cháy bỏng của các chiến sĩ xe tăng là có nguồn đạn dồi dào để sử dụng.
Cơ số đạn của xe tăng - Không phải muốn bao nhiêu cũng được
Đạn dược là loại vật tư đặc biệt trực tiếp tiêu diệt các mục tiêu của đối phương. Vì vậy, khối lượng đạn dược tiêu hao trong các trận đánh, các chiến dịch thường rất lớn.
Đối với những người trực tiếp chiến đấu - những người trực tiếp sử dụng vũ khí, đạn dược thì lúc nào cũng mong muốn có được thật nhiều đạn để dùng. Đó là một mong muốn hết sức chính đáng!
Tuy nhiên, mong muốn đó không phải lúc nào cũng được đáp ứng mà còn phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề. Xuất phát từ yêu cầu của thực tế và các yếu tố chi phối người ta đã xây dựng lên khái niệm cơ số đạn cho từng đơn vị vũ khí, trang bị.
Cơ số đạn là số lượng đạn dược tối thiểu trang bị cho một đơn vị vũ khí, phương tiện chiến đấu... nhằm để hoàn thành một nhiệm vụ, trong một thời gian nhất định- thường là một trận đánh ở cấp chiến thuật.
Để tính toán cơ số đạn dược phải căn cứ vào tính năng, tác dụng, cấu tạo... của vũ khí trang bị, khả năng mang vác, vận chuyển... của người sử dụng hoặc của phương tiện đó.
Đối với xe tăng, yếu tố quyết định đến việc xác định cơ số đạn chủ yếu thường là do không gian của buồng chiến đấu (hoặc của cơ cấu nạp đạn tự động).
Là loại phương tiện chiến đấu bọc giáp, thường dẫn đầu trong các cuộc đột phá nên xe tăng thường có kích thước nhỏ gọn, do vậy không gian trong buồng chiến đấu cũng hết sức chật hẹp. Cũng vì vậy không thể tăng cơ số đạn lên mức vô hạn được.
Đánh chiếm cầu Thị Nghè sáng 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
Tùy theo cỡ pháo và khối lượng mỗi viên đạn mà cơ số đạn của xe tăng hiện đại dao động trong khoảng 30- 50 viên. Trong đó, tỷ lệ đạn xuyên với đạn nổ phá sát thương không nhất định mà có thể điều chỉnh linh hoạt căn cứ vào tính chất mục tiêu trong mỗi trận chiến đấu. Kể cả đối với các loại xe tăng có hệ thống nạp đạn tự động cũng vậy.
Với một cơ số đạn như vậy, trong những trận đánh mà thời gian bị kéo dài thì nỗi lo hết đạn với các chiến sĩ xe tăng là nỗi lo hiện hữu. Trong thực tế, đã có những trận đánh như vậy.
Chẳng hạn, Đại đội xe tăng 5, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn xe tăng 203 do không được tiếp đạn kịp thời từ các trận đánh trước nên trong trận đánh căn cứ Nước Trong sáng 28.4.1975 có 3 xe đã nhanh chóng bị hết đạn, phải quay về phía sau để bổ sung, ảnh hưởng chung đến tốc độ tiến quân ở hướng này.
Sáng kiến nhỏ nhưng hiệu quả to
Xuất phát từ nỗi lo thiếu đạn, hết đạn "thường trực" trong đầu, các chiến sĩ xe tăng đã tìm nhiều cách để tăng thêm cơ số đạn mang theo.
Đặc biệt, tại Lữ đoàn xe tăng 273, Quân đoàn 3 trước khi bước vào cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 anh em đã có sáng kiến để tăng cơ số đạn trên mỗi xe thêm được 10 viên - trong đó chủ yếu là đạn xuyên bởi lúc này lực lượng Tăng thiết giáp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa còn khá nguyên vẹn.
Sáng kiến này xuất phát từ Đại đội 9 của Lữ đoàn xe tăng 273 vào giữa năm 1974. Khi đơn vị nhận nhiệm vụ đánh Đắc Pét - một cứ điểm rất vững chắc của địch. Trong trận này, một số xe tăng được giao nhiệm vụ chiếm trận địa bắn trực tiếp tham gia hỏa lực chuẩn bị trước khi xung phong.
Xe tăng bắn trực tiếp từ trận địa bắn sẽ đạt độ chính xác rất cao. Tuy nhiên, với cơ số đạn theo quy định thì chả mấy sẽ hết. Có ý kiến đưa đạn vào lót sẵn ở trận địa song không được chấp nhận vì sợ lộ ý định chiến đấu.
Chiếm Dinh Độc lập. Ảnh tư liệu.
Cái khó ló cái khôn! Xuất phát từ thực tế sử dụng, cán bộ chiến sĩ Đại đội xe tăng 9 đã nghĩ ra cách dùng nẹp tre và dây mây buộc thêm một số viên đạn vào các giá đạn có sẵn xung quanh vành tháp pháo và buồng chiến đấu.
Còn để lấy đạn ra cho nhanh, mỗi xe tự làm lấy một con dao nhỏ và mài thật sắc. Khi cần chỉ cần lách mũi dao vào cứa mạnh sẽ làm đứt dây và viên đạn sẽ rời ra. Tốc độ lấy đạn có khi còn nhanh hơn cả khi mở 2 khóa cố định đạn trên giá.
Sau nhiều lần thử nghiệm, anh em trong đơn vị đã cố định thêm được 10 viên đạn mỗi xe, nâng cơ số đạn lên hơn 40 viên mà vẫn không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu của xe và thao tác của các thành viên. Quá trình hành quân chiến đấu các quả đạn vẫn đảm bảo yên vị tại vị trí của mình. Trận đó, Đại đội xe tăng 9 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sau trận Đắc Pét, sáng kiến này nhanh chóng được nhân ra trong phạm vi toàn lữ đoàn và đã góp phần vào các chiến thắng vang dội của đơn vị trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt