Sân thượng trồng hơn 400 loại hồng, cây nào cũng nở hoa rực rỡ ở Bình Dương
Đã từ lâu, khoảng sân thượng của gia đình chị Thiên Thanh là nơi để mọi người thêm yêu ngôi nhà của mình nhiều hơn. Người phụ nữ 32 tuổi này rất vui khi tình yêu hoa hồng của mình lan tỏa đến chồng và hai con nhỏ.
Các thành viên trong gia đình đều coi khu vườn trên cao là chốn thư giãn bình yên, nơi để mọi người bắt đầu những câu chuyện không đầu không cuối, để ngắm nhìn từng nụ hồng khoe sắc, hít thở không khí trong lành. Và chắc chắn rằng, đối với tất cả mọi người, khu vườn trên sân thượng từ lâu đã trở nên thân thuộc, lưu giữ kỷ niệm, là chốn mong về của cả gia đình.
Cùng trò chuyện với chị Thiên Thanh, một người phụ nữ hiện đang làm kinh doanh, là một kiến trúc sư có tâm hồn lãng mạn để biết nhiều hơn về niềm đam mê hoa hồng của chị.
- Chào chị, chị đến với hoa hồng như thế nào? Lý do vì sao chị chọn trồng hồng trên sân thượng?
Có thể do đặc thù của nghề nghiệp cho nên bản thân mình rất yêu những cái gì đẹp đẽ. Cách đây gần 5 năm, khi hoa hồng ngoại còn ít được biết đến ở Việt Nam, mình tình cờ thấy được chị em trong hội thêu thùa mua được mấy cây hồng rất đẹp. Lúc đó mình rất ngạc nhiên khi thấy ở Việt Nam có thể trồng được hoa hồng ngoại. Thậm chí mình không hiểu rõ về hoa hồng, chỉ gọi chung chung các loại hoa hồng ngoại là “hoa hồng leo”, và toàn dùng key word để tìm mua là “hoa hồng leo” mà thôi.
Nếu ai từng chơi hoa hồng vào thời điểm ấy, chắc sẽ không quên giá trị một cây hoa hồng ngoại bé xíu không hề rẻ. Đối với mình cũng vậy, vì lúc ấy mới đi làm nên việc mua hoa hồng là một điều vô cùng xa xỉ. Mình còn nhớ cây hoa hồng đầu tiên của mình là William Morris, có giá trị gần bằng 1/3 tháng lương kiến trúc sư mới ra trường của mình.
Dân mê hồng ai cũng mơ ước có một góc vườn dù chỉ là nhỏ ở trên mặt đất đàng hoàng, nhưng sau 05 năm trồng hồng mình vẫn chưa thực hiện được ước mơ đó. Hiện tại mình vẫn đang sở hữu một “khu vườn trên mây” hay “ khu vườn bí ẩn”. Vườn của mình nằm ở tận sân thượng lầu 4 của ngôi nhà phố mình ở, mỗi lần muốn chăm cây thực sự rất khó khăn, nhất là khâu thay đất.
Mình may mắn được sự giúp sức của chồng và chị giúp việc yêu hoa nên mọi việc cũng không quá vất vả. Nhờ vậy mà mình tha vác về cũng gần 400 giống hồng các loại nhập trực tiếp Thái Lan, Úc, Nhật, Anh, Trung Quốc, và Việt Nam.
- Khi bắt đầu trồng hồng, đã bao giờ chị cảm thấy muốn bỏ cuộc?
Lúc nhỏ, tính tình của mình hay nóng vội, cả thèm chóng chán. Không thích cái gì quá lâu và cũng không tìm ra được niềm đam mê gì cả. Sau khi lập gia đình có con, và có duyên may trồng được hoa hồng, mình tìm thấy được niềm đam mê thực sự. Cứ mỗi sáng mình canh lúc những ánh sáng đầu tiên vừa ló dạng, thì vội ra vườn mân mê từng chiếc lá, từng cánh hoa, tận hưởng hương cỏ hương hoa. Chỉ cần vậy mà mình cảm thấy tâm hồn thư thả, không quá bon chen, câu nệ như ngày trước.
Hoa hồng là loài hoa hay nhất mình từng biết, khi gặp điều kiện không thuận lợi như nắng nóng hoặc quá lạnh, cây sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông”, nhưng chỉ cần gặp điều kiện thuận lợi, thì từng chồi non mập mạp sẽ bung ra, vươn lên mạnh mẽ. Thậm chí bạn có đối xử với cây tệ bạc kiểu gì, thì khi cây đủ sức vẫn có thể nhanh chóng hồi phục và đâm chồi nảy lộc. Càng chăm hoa hồng, mình càng trân trọng sự sống hơn, đến cả cây cỏ vô tình mà còn biết, thì mình cũng không có cớ gì phải bỏ cuộc cả trong việc chăm hoa lẫn trong cuộc sống và công việc.
- Thời điểm khó khăn nhất trong quá trình trồng hồng của chị là khi nào, chị đã khắc phục ra sao?
Thời điểm khó khăn nhất là khi mình chuẩn bị sinh bé nhỏ thứ 2, vừa không có người phụ chăm vườn, thời điểm lúc đó "dân số" hồng trên vườn cũng gần 300 cây. Mình lại không hề muốn dùng thuốc hóa học để diệt bọ trĩ và sâu bọ. Thậm chí vì công việc mình phải đi suốt, tối về chăm con, mình không thể tưới hết vườn của mình.
Như mình đã kể ở trên, mình cố gắng sắp xếp, có thời gian rảnh mình lục tung các trang web và các forum tiếng Việt về cách chăm cây và phòng trừ bọ trĩ cho cây. Nhưng mình không tìm gì khác hơn ngoài những tên thuốc hóa học quen thuộc như Confidor…
Càng đọc nhiều mình càng rùng mình sợ hãi vì có những làng hoa , trung bình nhà nào cũng có ít nhất một người bị ung thư. Mình thật sự không muốn thú chơi của mình lại ảnh hưởng sức khỏe của gia đình, đặc biệt là các con nhỏ.
Mình dành thời gian lùng sục trên các web nước ngoài, các forum hữu cơ, làm đủ các biện pháp. Chẳng hạn xịt nước dưới lá dán giấy keo vàng để thu hút côn trùng, hay dùng đèn bẫy, trồng cây có mùi để xua đuổi như hương thảo. Nhưng đa số đều không hiệu quả. Cả năm trời, thật sự không có bông hoa nào để ngắm, cây cứ chết dần chết mòn.
Cũng là một cơ may khi mình tìm ra tài liệu về neem oil ở một trang của nước ngoài. Mình hăm hở lục tung các trang web ở Việt Nam nhưng không có ai bán. Khi đó không ai biết neem oil là gì cả, thế là mình lại phải order từ Amazon về, và chịu tiền phí ship rất cao nhưng mình thật sự muốn những gì an toàn cho gia đình và bền vững.
Về sau mình và hai chị bạn dễ thương đã lập ra được Group Hội chơi hoa hồng không dùng thuốc để chia sẻ những kiến thức chăm hoa không phải dùng thuốc hóa học cũng như ý thức của người chơi hoa đối với môi trường sống xung quanh. Rất mừng là hội càng lúc hoạt động càng mạnh và giúp được kha khá bạn cùng có ý thức bảo vệ môi trường giống mình.
Thông qua hội, mình quen biết được nhiều người bạn vô cùng dễ thương, sẵn sàng chia sẻ kiến thức cùng nhau cả về chăm hoa cũng như cuộc sống Nhờ những kiến thức học hỏi từ mọi người , vườn hồng của mình giờ đã cân bằng lại, và không ngừng cho ra những chùm hoa thật đẹp. Thật đáng tiếc là thời gian công việc không cho phép nên gần đây mình không thể làm admin được nữa, nhưng đối với mình thì Hội đã hoạt động đúng vai trò cũng như tiêu chí ban đầu của nó. Ít ra đến bây giờ, trên nhiều trang mạng, trang cá nhân nhà nhà, người người đều bán neem oil, mình đã không phải khó khăn vất vả như “thuở ban đầu" nữa.
- Theo chị, trồng hồng trên sân thượng có những ưu và nhược điểm gì so với trồng dưới vườn?
Nhược điểm rất nhiều: nhiệt độ, nắng nóng, nước tưới, và quan trọng nhất là đất trồng. Không thể nào bằng đất thịt ở khía cạnh chất dinh dưỡng, vi lượng, vi sinh vật, thoát nước. Đất trồng chậu không có khả năng tự tái tạo dinh dưỡng cũng như diện tích trồng bị hạn chế. Thật sự vô cùng khó để trồng ở sân thượng một vườn hoa mơ ước. Nên mình cần phải biết giới hạn của mình mà biết cái nào là đủ, cái nào là vừa.
Ưu điểm lớn nhất là dễ cách ly dịch bệnh, không dễ bị lây lan từ các khu vườn khác. Ở Việt Nam do lượng mưa quá lớn, nên mình phải làm thêm mái che bằng tấm lợp lấy sáng để phòng bệnh nấm lá và thối rễ.
- Chị có thể chia sẻ một chút về vườn hồng hiện tại? Chị đã sắp xếp thời gian như thế nào để có thể chăm hồng đẹp như vậy?
Vườn của mình hiện vô cùng chật chội với hơn 400 cây hoa hồng lớn nhỏ, nhờ có gia đình phụ nên mình không quá vất vả trong việc chăm sóc. Buổi sáng mình hay dậy rất sớm để vặt lá hư và bị nấm, lá vàng. Gần đây mình lắp hệ thống tưới tự động nên cũng đỡ tốn thời gian phần nào.
Do vườn của mình cũng đã cân bằng về hệ sinh thái nên cũng không tốn thời gian phun xịt gì cả. Một tháng mình phun neem oil 2 lần, mỗi lần cách nhau 2 tuần và bón phân mỗi tháng một lần. Phân bón mình ủ vi sinh từ rác thải nhà bếp của mình.
- Hoa hồng chị trồng phát triển tươi tốt như vậy, bí quyết trị sâu bệnh, bón phân, làm đất cần chú ý những gì?
Sau 05 năm trời lận đận, mình cũng rút ra bài học. Điều tiên quyết có một vườn hoa hồng đẹp là phải có một khu vườn cân bằng. Có nghĩa là bạn không thể trồng độc canh một loài cây hoa hồng mà không trồng xen canh các cây khác. Vì như vậy sẽ thu hút côn trùng có hại phát triển không kiểm soát được.
Ngoài ra chất trồng thoát nước vô cùng quan trọng đối với cây trồng chậu, vì nó không như đất tự nhiên có thể tự tạo ra được các vi chất cần thiết. Bí quyết của mình là chất trồng phải tơi xốp, thoát nước tốt, và phải có đất thịt, không cần phải bỏ nhiều phân quá vì sẽ nóng bộ rễ. Chậu trồng nên trồng chậu gỗ, hoặc gốm sẽ mát cho rễ, nên trồng cây phủ đất để làm mát bề mặt cho đất và tạo điều kiện cho các vi sinh vật sống trong đất phát triển. Đôi lúc mình nhận thấy nhiều bạn có sai lầm là thấy cây không ra hoa thì hay nhồi phân quá liều làm cây bị sốc rễ khó phục hồi.
Mình nghĩ chăm hoa cũng như chăm trẻ con, cần phải kiên nhẫn và dành nhiều thời gian để quan sát để hiểu ý khu vườn của mình, từ đó chỉnh sửa từ từ. Không thể nào áp dụng cách chăm sóc của khu vườn này qua khu vườn khác vì điều kiện và môi trường hoàn toàn khác nhau.
Mình chúc các bạn có một vườn hoa thật đẹp để ngoài chăm hoa ra bạn còn có thể nuôi dưỡng tâm hồn của mình.
- Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện thú vị. Chúc chị luôn hạnh phúc với niềm đam mê trồng hồng của mình.