Sai lầm trong xuất khẩu vũ khí khiến Mỹ có nguy cơ bị Trung Quốc "đè đầu, cưỡi cổ"
Đầu thế kỷ XXI, các hãng sản xuất máy bay không người lái (UAV) của Mỹ giữ ngôi thống trị. Tuy nhiên, giờ đây, các điều khoản hạn chế xuất khẩu UAV đã tạo cơ hội cho Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa hai phía.
Đó là nhận định của ông Linden Blue - Giám đốc điều hành (CEO) công ty quốc phòng General Atomics (Mỹ).
Theo ông Blue, nhiều cơ quan chính phủ không hiểu được rằng, khi Mỹ không cho phép các hãng sản xuất trong nước bán UAV cho đồng minh hoặc các quốc gia đối tác, những hãng này cũng đồng thời mất đi cơ hội cung cấp dịch vụ hậu cần và bảo dưỡng trong suốt vòng đời của sản phẩm để tạo ra nhiều việc làm hơn.
"Không chỉ là chuyện bán vũ khí, các vị đang tạo điều kiện cho họ (Trung Quốc) xây dựng cơ sở khách hàng trong ít nhất 20 năm. Các vị còn để cho họ xây dựng hệ thống hậu cần.
Tất nhiên, họ sẽ mất nhiều năm để có được vị thế như chúng ta hiện nay, nhưng chính các vị đang giúp họ bắt đầu. Họ hẳn nên biết ơn lắm!" - ông Blue nói trước các phóng viên tham dự hội nghị bàn tròn hôm 16/8 tại trụ sở của công ty ở Poway, California.
Ngoài ra, theo ông Blue, việc này còn có những tác động về chính trị và kỹ thuật. Bằng cách "nhường" các thương vụ UAV cho các đối thủ, như Trung Quốc, chính phủ Mỹ sẽ để những quốc gia đối thủ này tận dụng cơ hội nghiên cứu cách sử dụng và duy trì hiệu quả UAV.
Thậm chí, quan trọng hơn cả là, những thương vụ như thế còn mở đường để đối thủ của Mỹ và các quốc gia khác làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác.
"Họ sẽ học cách làm thế nào để cung cấp phụ tùng và tiếp đó là các loại hình bảo dưỡng cần thiết, họ sẽ học cách tích hợp UAV với các hệ thống khác của quốc gia khách hàng và sau một vài năm, họ sẽ trở thành một phần không thể tách rời trong quân đội các quốc gia đó" - ông Blue nói.
Máy bay không người lái Wing Loong tại triển lãm hàng không Trung Quốc năm 2012. Ảnh: Defense News
Mức độ quan tâm dành cho mẫu máy bay không người lái MQ-1 Predator của General Atomics tăng cao sau khi bùng nổ hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan. Không lâu sau đó, nhiều công ty quốc phòng trên khắp thế giới cũng chạy đua phát triển phiên bản Predator của riêng họ.
Cái ngày mà Predator là UAV tầm trung, có khả năng hoạt động thời gian dài duy nhất trên thế giới đã lùi xa.
Tại triển lãm hàng không Paris năm nay, tập đoàn công nghiệp máy bay Thành Đô (Trung Quốc) đã trưng bày máy bay không người lái Wing Loong, có nhiều đặc điểm rất giống với mẫu Predator và MQ-9 Reaper.
Hiện Bắc Kinh đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ, ít nhất là ở thị trường vũ khí giá rẻ.
Trong những năm gần đây, General Atomics đã tích cực vận động Quốc hội Mỹ, cũng như Nhà Trắng về các điều khoản kiểm soát xuất khẩu UAV và hệ quả của chúng.
Hồi đầu tháng này, một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump đã tiến hành xem xét lại các điều khoản hạn chế UAV, rất có thể chúng sẽ được nới lỏng trong thời gian tới.
Rào cản lớn nhất là Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa - một thỏa thuận đa quốc gia giúp kiểm tra mức độ phổ biến của vũ khí hạt nhân.
MTCR đã xếp các loại UAV có tầm hoạt động hơn 300km và trọng tải hơn 500kg vào nhóm I, tức là tương đương với các phương tiện phóng vũ trụ và tên lửa đạn đạo.
Việc thay đổi MTCR đòi hỏi nỗ lực dài hạn, cần có sự đồng tình của nhiều quốc gia, nhưng trong ngắn hạn, Mỹ có thể thay đổi chính sách xuất khẩu UAV do nước này tự áp đặt, bởi các điều khoản đó đã gây khó khăn cho các thỏa thuận xuất khẩu UAV sang các nước nằm ngoài NATO và không thuộc nhóm các nước đồng minh Mỹ tham gia hiệp ước.
QS