Reuters: Bất động sản Việt Nam hưởng lợi nhờ kiều hối
Vũ Ngọc Mai, giám đốc kinh doanh của một công ty thiết bị viễn thông tại Bỉ và có hộ chiếu Hà Lan, cho biết cô tìm kiếm các khoản đẩu tư bất động sản giá hời trên internet gần như mỗi ngày. Năm 2012, cô đã gửi tiền về Việt Nam để xây một khu căn hộ tại Hà Nội nhằm cho thuê lại.
"Tôi đang tìm mua một khu căn hộ để cho người nước ngoài thuê lại", Mai cho biết. "Căn hộ này sẽ là khoản tiết kiệm của tôi cho tương lai khi quay trở lại Việt Nam".
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ vọng kiều hối sẽ đạt mức kỷ lục 14 tỷ USD trong năm nay, tăng 15% so với năm 2015 và tương đương 6,4% GDP của Việt Nam.
Lượng kiều hối thực tế về Việt Nam được cho là còn cao hơn mức dự báo của Ngân hàng Nhà nước. Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, khoảng 2,7 tỷ USD kiều hối được gửi về Việt Nam thông qua các kênh không chính thức.
Dòng vốn đầu tư đổ về đang góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, GDP Việt Nam tăng 6,7% - nhanh nhất kể từ năm 2015.
Hiện có khoảng 5 triệu Việt kiều trên thế giới, bao gồm người Việt định cư và làm việc ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tính đến năm 2010, có khoảng 1,5 triệu người gốc Việt đang sinh sống tại Mỹ.
70% kiều hối được rót vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, do tình hình tăng trưởng thu nhập của người Việt, cộng thêm tầng lớp trung lưu đang ngày một đông đảo. Vì thế, lượng kiều hối tạo nên một nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, theo chuyên gia kinh tế của HSBC là Izumi Devalier.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, có tới 1/5 lượng kiều hối trong năm 2015 đã chảy vào bất động sản. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), điều này hỗ trợ tích cực cho giá bất động sản, vốn được cho là sẽ có sự biến động khi Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng cho vay mua nhà.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động USD về 0% từ tháng 12, dòng ngọai hối chảy vào bất động sản ngày càng nhiều hơn.
Hiện giá bất động sản đã phục hồi mạnh, tiến gần với mức giá trước khủng hoảng cách đây vài năm. Cuối năm 2015, giá trung bình một căn hộ trung - cao cấp tại TPHCM đã tăng 21% lên mức 1.949 USD/m2, trong khi giá nhà tại Hà Nội cũng tăng gần 10% lên 1.592 USD/m2, theo thống kê của CBRE.
"Khi thị trường bắt đầu có dấu hiệu hồi phục từ năm 2014, nhiều người đã vay tiền để mua nhà. Nhưng giờ đây, chúng tôi nhận thấy xu hướng này ngày càng ít mà thay vào đó, xu hướng mua nhà dựa vào nguồn kiều hối đang ngày một nhiều hơn", Marc Townsend, giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay.
Giao dịch bất động sản tại TPHCM và Hà Nội đã tăng 75% lên 38.050 giao dịch trong năm 2015, theo Bộ Xây dựng.
Theo Nhịp Cầu Đầu Tư