REACH – Trao cơ hội phát triển cho thanh niên nghèo
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, Giám đốc trung tâm REACH.
Trao cơ hội phát triển cho tất cả thanh niên
Không may mắn sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc, từ bé, Em đã là nạn nhân của bạo lực gia đình khi người bố nghiện rượu suốt ngày trong tình trạng say xỉn và đánh đập hai mẹ con. Lên 6 tuổi, bố mẹ em ly hôn và tìm cho mình bến đỗ mới, em về sống với bố và dì. Trớ trêu thay, em bị bố đánh nhiều hơn qua thời gian bởi càng ngày trông em càng giống mẹ.
Năm 12 tuổi, Em quyết định bỏ nhà ra đi vì không thể chịu nổi những trận đòn roi từ người cha bạo lực, lang thang từ tỉnh này đến tỉnh khác làm những công việc chân tay, thậm chí bán hàng trên đường phố để sống qua ngày.
Rồi nhờ cơ duyên, Em tìm đến REACH, một tổ chức chuyên tư vấn và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và được dạy làm tóc, trở thành một chuyên gia tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. Không lâu sau đó, câu chuyện của Em trở thành một trong những nguồn cảm hứng để REACH thành lập nên tổ chức xã hội mang tên EM hair salon nơi những người có chung hoàn cảnh như em được hỗ trợ.
EM Hair Salon là một trong bốn mô hình doanh nghiệp xã hội trực thuộc REACH (gồm: EM hair salon, Cơm trưa văn phòng Nhật - KOI Bento tại Hà Nội, Công ty Revina về thiết kế đồ họa và nhà hàng TRE Restaurant ở Huế).
Trưởng thành từ dự án LABS được tổ chức quốc tế Plan International, một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất trên thế giới hỗ trợ từ năm 2004, REACH đã nỗ lực hoạt động hướng đến việc hiện thực hóa tầm nhìn “tất cả thanh niên Việt Nam có cơ hội và sự hỗ trợ cần thiết để phát huy hết tiềm năng của mình”.
Là một giảng viên lớp bán hàng và marketing của dự án, trực tiếp thực hiện công tác tuyển sinh, làm việc với các thanh niên có hoàn cảnh khó khăn và chứng kiến những thay đổi trong cuộc đời của họ, chị Tâm nay là Giám đốc của trung tâm REACH không ngừng được tiếp thêm động lực và cảm hứng để tách ra khỏi dự án và thành lập tổ chức bốn năm sau đó.
“Niềm cảm hứng của tôi đến từ những câu chuyện nhỏ. Là những khi chứng kiến các em trở về nói cô ơi em đã được nhận, cô ơi em đã được tăng lương hay cô ơi em đã được lên làm quản lý”, chị Tâm chia sẻ.
Trong những năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển kinh tế vượt bậc nhưng kéo theo đó là sự gia tăng về khoảng cách giàu nghèo cũng như sự bất bình đẳng trong xã hội. Lúc này, chi phí về giáo dục cũng đắt đỏ hơn trước nhiều nên khả năng chi trả đối với nhóm thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rất thấp. Do đó, họ có nguy cơ bị bỏ lại khá xa ở phía sau so với xã hội.
Không những vậy, đối với nhóm người này, việc tồn tại trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Theo thống kê, khoảng 40% lao động tại các khu công nghiệp tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng.
Hàng năm, có khoảng 1,4 triệu người tham gia thị trường lao động nhưng cũng chỉ có khoảng 30% trong đó được đào tạo nghề. Theo chị Tâm, điều này có nghĩa là thị trường lao động đang bị mất cân đối giữa cung và cầu, chất lượng giáo dục không khớp với nhu cầu thị trường.
Nhiều bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn đã tìm đến REACH và thay đổi cuộc đời.
‘Gánh nặng nhân đôi khi vận hành doanh nghiệp xã hội’
Chị Tâm cho biết, trong bối cảnh như vậy, REACH hướng tới hỗ trợ các nhóm khuyết tật, thanh niên nghèo, cận nghèo không có đủ điều kiện tham gia các chương trình đào tạo nghề chính quy hoặc các nhóm bị kỳ thị và phân biệt như các nhóm sống chung với HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về, phụ nữ đơn thân…
Các chương trình đào tạo ở đây được thiết kế theo định hướng thị trường, theo nhu cầu thị trường và nhu cầu của nhóm khó khăn mà REACH đang hướng tới để đưa ra các ngành nghề đào tạo khác nhau một cách linh hoạt.
“Cuộc cách mạng 4.0 là một bước tiến lớn song cũng kéo theo nhiều vấn đề về lao động. Nhận thức được điều đó, chúng tôi luôn có các khảo sát thị trường để đánh giá tại thời điểm đó thị trường đang cần nguồn lao động như thế nào nhằm thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp.
Chẳng hạn, cách đây 3 năm không có chuyên ngành thiết kế 3D nhưng đón đầu được xu thế, thiết kế 3D đã trở thành một trong những ngành quan trọng ở trung tâm hiện nay. Những ngành như vậy rất phù hợp với các nhóm yếu thế, đặc biệt là các nhóm khuyết tật”, lãnh đạo REACH cho biết.
Được biết, nay REACH đã có 10 ngành nghề khác nhau từ các ngành dịch vụ như Bán hàng marketing, Nghiệp vụ Bàn bar pha chế, Thiết kế đồ họa 2D, Thiết kế đồ họa 3D, Nghiệp vụ Buồng Phòng, Làm tóc và Vẽ móng, Chế biến món ăn, Chăm sóc da và trang điểm, Lập trình web, Nghiệp vụ Khách sạn 5 sao YCI… Mỗi khoá học dù chỉ kéo dài 3 - 6 tháng song học viên được đào tạo tập trung vào các kỹ năng họ thực sự cần để có thể bắt tay ngay vào công việc.
Ngoài chuyên môn, kỹ năng sống, ngoại ngữ và tâm thế sẵn sàng trước khi bước vào thị trường lao động cũng là những điều REACH chuẩn bị cho học viên của mình. Chị Tâm khẳng định, sau khi tốt nghiệp, học viên còn được kết nối việc làm và đảm bảo ít nhất 80% học viên của REACH có việc làm và duy trì được việc làm. Để làm được điều đó, REACH đã kết nối và nhận được hỗ trợ từ các doanh nghiệp với con số hơn 1.000 doanh nghiệp tính đến thời điểm hiện tại.
Sáng kiến thanh niên lập nghiệp (YCI) bế giảng khóa học 2018 Hà Nội. Ảnh: REACH.
‘Tôi không đồng ý với quan niệm đánh đổi’
Sau 14 năm gắn bó với môi trường doanh nghiệp xã hội, đến bây giờ chị Tâm và những người cộng sự vẫn giữ được ngọn lửa đam mê và nhiệt huyết trong công việc khi hàng ngàn thanh niên đã tìm đến REACH và thay đổi mỗi năm, để mỗi cuộc đời, mỗi câu chuyện là một nguồn cảm hứng cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chị.
Chị Tâm chia sẻ, dẫn dắt một doanh nghiệp xã hội áp lực hơn nhiều so với các doanh nghiệp bình thường vì vừa phải gánh trên vai trách nhiệm xã hội, vừa phải vận hành và tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
“Vận hành doanh nghiệp xã hội khó khăn gấp đôi vận hành một doanh nghiệp thông thường. Nhưng đây là con đường chúng tôi đã chọn và chắc chắc chúng tôi phải đi vì nó phù hợp với bản chất hoạt động của reach và cũng là con đường REACH hướng tới để có thể đảm bảo bền vững về mặt tài chính trong thời gian lâu dài”, chị Tâm cho biết.
Đó là những khó khăn trong việc thành lập một tổ chức phi chính phủ địa phương tại Việt Nam, tuân thủ theo các quy định pháp luật của Việt Nam.
Đó là những khó khăn trong các hoạt động gây quỹ, kêu gọi tài trợ từ nước ngoài trong khi những nguồn tài trợ này bắt đầu giảm dần ở Việt Nam do Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Đó là những thách thức trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp để thực hiện được các chương trình của REACH.
Từ một trung tâm nhỏ tại Hà Nội vào năm 2008 với 5 nhân sự, sau 10 năm, REACH đã có mặt tại 6 tỉnh, thành phố với 5 trung tâm (tại Hà Nội, Hải Dương, Huế, Đà Nẵng, Hội An) và 1 vùng dự án (ở TP. HCM). Với 3 ngành nghề đào tạo từ lúc thành lập, hiện REACH đã mở rộng chương trình đào tạo tới 10 ngành nghề từ 3 - 6 tháng phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Qua 10 năm hoạt động, tính đến năm 2018, có 15.978 học viên đã tốt nghiệp từ REACH với hơn 80% số học viên có việc làm ổn định trong vòng 6 tháng từ sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, chị Tâm cho biết hiện nay, hệ sinh thái cho sự vận hành của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam còn rất non trẻ, chưa có các khung pháp lý hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp xã hội, chưa có các mô hình doanh nghiệp xã hội thành công thực sự xuất sắc để học hỏi, chưa có đội ngũ tư vấn nhân sự chuyên sâu về mảng doanh nghiệp xã hội để tuyển dụng hoặc hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Các cơ chế hỗ trợ về mặt tài chính cũng chưa có nhiều.
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, sau đó nhận học bổng toàn phần về kinh tế phát triển của Chính phủ Hà Lan nhưng chị Tâm cho biết thực tế khác xa so với việc học. Nhờ nhiều năm kinh nghiệm trong các dự án phi chính phủ, chị có được nhiều cơ hội và kiến thức thực tế để áp dụng cho quá trình lãnh đạo doanh nghiệp sau này.
“Tôi không đồng ý với quan niệm đánh đổi bởi khi đã lựa chọn thì tôi phải cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc với lựa chọn của mình. Lúc đó tôi sẽ tìm được cách để cân bằng mọi thứ”, chị Tâm lạc quan chia sẻ.
Theo Tạp chí Nhà quản trị - TheLEADER