Quốc hội sẽ giám sát chặt chẽ việc thực hiện lời hứa của các tư lệnh ngành
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Trịnh Quốc Việt (phường Thanh Nhàn) bày tỏ quan tâm tới chất lương phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp vừa qua.
“Chất vấn và trả lời chất vấn thể hiện vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, tư lệnh ngành, các Phó Thủ tướng. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họ này phong phú, đa dạng. Cử tri kỳ vọng là sau khi có Nghị quyết về chất vấn, lời hứa của các vị tư lệnh ngành sẽ được thực hiện nghiêm. Trách nhiệm của Quốc hội là phải kiểm soát những lời hứa đó” – cử tri nói.
Cử tri Nguyễn Công Chất, phường Phạm Đình Hổ cho rằng, dù đã có phát triển, nhiều bệnh viện được xây mới, cứu chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo, nhưng nếu “chẳng may bị vào bệnh viện bây giờ mới thấm thía”. Ông Chất nói: “Bộ trưởng Bộ Y tế nói không có hiện tượng phong bì, nhưng vừa qua, tôi nằm viện, nếu chưa có quà thì không được cấp thuốc. Nữ Bộ trưởng cũng nói mỗi ca trực trước không đủ một bát phở thì nay đã được 25 nghìn đồng, với thu nhập như thế, làm sao nhiều bác sĩ lại có ô tô? Chỉ một vấn đề như thế để thấy Quốc hội còn phải quan tâm đến nhiều vấn đề”.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ lo lắng về vấn đề giáo dục, học đường, đạo đức văn hóa xuống cấp; việc bảo vệ môi trường, trồng mới cây xanh, chống ô nhiễm hệ thống ao hồ trên địa bàn Hà Nội…
Đặc biệt, cử tri Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề phòng chống tham nhũng. “Dự án hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ, làm nghèo đất nước. Không phải họ không có năng lực, trình độ mà chính là do thiếu trách nhiệm, có lợi ích nhóm. Sân bay Tân Sơn Nhất đang tắc nghẽn, gây bức xúc như thế, vậy mà lại có sân golf trong đó? Tôi thấy lạ lắm, nhân dân lạ lắm. Cần phải xem xét, đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trên hết và loại bỏ lợi ích cục bộ. Bên cạnh đó, chống tham nhũng cũng phải đi kèm với chống lãng phí. Chỉ chống tham nhũng mà quên lãng phí thì mới được một nửa” – cử tri nêu ý kiến.
Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Trả lời vấn đề cử tri nêu về hệ thống ao hồ, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, nội thành Hà Nội còn 122 hồ; ngoại thành có 150 hồ. Hà Nội so với các đô thị của các nước trong khu vực thì có tỷ lệ ao hồ lớn nhất. Trong các năm vừa qua, thành phố đã kè các ao hồ này. Từ tháng 3-2016, Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch xử lý ô nhiễm tại các ao hồ. Với hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm, TP đang xin ý kiến các bộ, cơ quan chuyên ngành để xử lý bùn và ô nhiễm.
“Trong vòng 5 năm 2016- 2020 chúng ta sẽ xây thêm 25 công viên và đào thêm 25 hồ. Hiện chúng ta đã đào thêm được 4 hồ” – ông Nguyễn Đức Chung nói.
Liên quan vấn đề cây xanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tới 31-12-2015, tính trung bình, tỷ lệ cây xanh Hà Nội đạt 6,7-6,8 m2 cây xanh/người. Hà Nội sẽ phấn đấu tới năm 2020, con số này đạt từ 10-11 m2/người.
Để thực hiện chỉ tiêu này, TP đã đưa ra chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh. Từ 1/1/2016 tới nay, thành phố đã trồng được 320.000 cây xanh tại các công viên, trường học; các tuyến phố cũ và tuyến đường xây dựng mới... Thành phố cũng khuyến khích người dân trồng tại khuôn viên nhà riêng, các cơ quan Nhà nước, công ty tư nhân...
Theo các nhà khoa học tính toán, nếu đô thị có mật độ cây xanh từ 9-10 m2/người, sẽ giảm được 1-1,5oC trong những ngày nắng nóng; giúp giảm ô nhiễm môi trường. Cùng đó, thành phố cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp mới để giảm bụi trong không khí...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi về các vấn đề cử tri nêu
Ghi nhận các ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn cử tri sẽ đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa cho Quốc hội, cho Trung ương nói chung. Đồng tình với đánh giá của cử tri là kỳ họp vừa qua đã thành công rất tốt đẹp, theo Tổng Bí thư, kỳ họp chỉ diễn ra hơn 20 ngày, nhưng đã hoàn thành được khối lượng công việc rất lớn với nhiều luật, nghị quyết được thông qua và cho ý kiến.
Riêng Luật Quy hoạch, vừa rồi chưa thông qua được vì còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần phải tiếp tục xem xét. Đặc biệt, việc thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 là một thành công lớn. Đây là bộ luật rất quan trọng và nhạy cảm, đã thông qua nhưng thấy không thực hiện được lại phải dừng, tiếp tục sửa đổi, cho ý kiến nhiều, rồi mới có thể thông qua.
Nghị quyết xử lý nợ xấu, tách dự án đền bù GMMB thành dự án thành phần khỏi dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cũng là vấn đề rất lớn, khó, phải thảo luận nhiều lần cuối cùng mới đi đến việc thông qua.
Điểm đáng chú ý là phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề. Ngoài hàng nghìn ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp, các phiên chất vấn tại chỗ, đại biểu tranh luận, chất vấn rất thẳng thắn. Nếu như trước đây phần lớn chỉ hỏi và trả lời, còn giờ thì chuyển nhiều sang tranh luận và không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, phiên chất vấn vẫn còn một số hạn chế như các cử tri phản ánh. Chất vấn và trả lời chất vấn làm sao phải thẳng thắn hơn, làm sao để thấy trách nhiệm của mình để khắc phục tồn tại, hạn chế và Quốc hội còn giám sát xem lời hứa đó có thực hiện hay không.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, điều quan trọng sắp tới là thực hiện thế nào, đưa nghị quyết sau chất vấn đi vào cuộc sống ra sao. “Nói nhiều nhưng quan trọng là có chuyển biến trong cuộc sống hay không. Nói hay là cần rồi, thuyết phục nhau là cần rồi, nhưng sau đó phải chuyển biến trong thực tế hành động”, Tổng Bí thư nói.
Theo An ninh Thủ đô